Chủ nhật, 22/12/2024 | 12:01 GMT+7
Điện hạt nhân (ĐHN) là nguồn năng lượng thống trị dài hạn trong cơ cấu năng lượng của Pháp. Đây cũng là quốc gia đứng đầu thế giới về sử dụng ĐHN khi loại năng lượng này chiếm khoảng 75% tổng sản lượng điện quốc gia.
Nhà máy ĐHN đầu tiên của Pháp được đưa vào hoạt động từ năm 1962. Vào thời điểm năm 1973, khi các cuộc khủng hoảng về dầu mỏ ở Trung Đông nổ ra, Pháp quyết định khởi động thêm các chương trình hạt nhân lớn, bởi nước Pháp lúc đó phải đối mặt với khủng hoảng nguồn cung dầu vì hầu hết nhà máy điện đều sử dụng dầu là nguyên liệu chính. Trong khi đó, nước này lại có rất ít nguồn năng lượng tự nhiên như than, dầu mỏ…
Hơn 50 năm hình thành và phát triển, đến nay Tập đoàn Điện lực Pháp (EDF) đang quản lý 59 nhà máy ĐHN trên toàn nước Pháp. Theo thống kê của Ủy ban chiến lược hạt nhân Pháp (CSFN), tính đến thời điểm hiện tại, Pháp có hơn 2.500 doanh nghiệp với khoảng 220.000 nhân viên đang hoạt động trong lĩnh vực này, bao gồm tất cả các phân đoạn, từ sản xuất nhiên liệu đến việc quản lý chất thải, quy trình quản lý công nghệ lò phản ứng hạt nhân, kỹ thuật xây dựng trong ngành hạt nhân, bảo vệ bức xạ, các hoạt động tái chế…
Để duy trì sự ổn định của các nhà máy ĐHN, các nhà chức trách Pháp đã làm việc rất chăm chỉ để công dân của họ thấy rõ những lợi ích của năng lượng hạt nhân cũng như rủi ro mà nó có thể mang lại… Các cuộc thăm dò được thực hiện trong nhiều năm đã cho thấy, phần đông công chúng Pháp ủng hộ ĐHN. Vì thế, mạng lưới các nhà máy ĐHN trải đều khắp vùng miền của quốc gia này. Đồng thời, Pháp cũng đã tiến hành hàng loạt cuộc kiểm tra tại các nhà máy ĐHN 900 MW về mức độ an toàn, cũng như để kéo dài tuổi thọ vận hành của các nhà máy. Hiện tại, Tập đoàn Điện lực Pháp cũng đang xây dựng một chương trình cải tạo, sữa chữa lớn đối với các công trình 1.300 MW. Chương trình với tổng vốn đầu tư 50 tỷ Euro, thực hiện trong vòng 10 năm tới.
Ông Gerard Kottmann, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu công nghiệp trong ngành hạt nhân Pháp (AIFEN) cho biết: Pháp cũng đã có kế hoạch thúc đẩy những dự án, hoạt động hợp tác về ĐHN ra nước ngoài. Đặc biệt, thời gian tới, cùng với các doanh nghiệp Nhật Bản, các doanh nghiệp ĐHN Pháp sẽ hỗ trợ về mặt tài chính cho Việt Nam phát triển lĩnh vực này, với những điều kiện hấp dẫn nhất. Thêm vào đó, Việt Nam sẽ nhận được các chương trình đào tạo nhân lực dựa trên kinh nghiệm làm việc lâu năm của các chuyên gia Pháp. Tập đoàn Năng lượng nguyên tử AREVA của Pháp cũng có thể cung cấp giải pháp về nhiên liệu, đặc biệt trong việc thu hồi nhiên liệu đã bị cháy và tái chế chúng, giảm khối lượng chất thải, điều mà người dân Việt Nam quan tâm.
“Pháp đã phát triển thành công lò phản ứng hạt nhân tiên tiến ATMEA 1, được kiểm định an toàn bởi Cơ quan an toàn hạt nhân của Pháp trong thời kỳ hậu Fukushima và sẵn sàng phối hợp với Nhật Bản hỗ trợ, cung cấp công nghệ này cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2 của Việt Nam”, ông Gerard Kottmann nhấn mạnh.
Theo Báo Công Thương