Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:05 GMT+7

Lợi ích lớn khi doanh nghiệp tự tiết kiệm năng lượng

24/12/2015

Giảm năng lượng thông qua các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, cải thiện quy trình giám sát, quản lý đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ngoài việc giúp giảm chi phí cho phần năng lượng phục vụ sản xuất cũng như sinh hoạt, các doanh nghiệp tham gia chương trình ký hợp đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả của Bộ Công Thương sẽ nhận rất nhiều lợi ích khác như quảng bá thương hiệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm giá thành và nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm.

Được hỗ trợ nhiều mặt

Việc tiết giảm năng lượng thông qua các hoạt động cải tiến, đổi mới công nghệ, cải thiện quy trình giám sát, quản lý đã và đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Hiện có nhiều ngành công nghiệp có tiềm năng tiết kiệm năng lượng hiệu quả khi ứng dụng công nghệ mới, dây chuyền sản xuất mới và thông qua các chương trình tư vấn sử dụng năng lượng của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương. Điển hình như sản xuất gạch ngói, gốm sứ, sản xuất giấy và bột giấy, dệt may, chế biến thực phẩm; trong đó, chí phí năng lượng trong ngành sản xuất gạch ngói chiếm từ 45-50% giá thành.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Tp. Hồ Chí Minh, khi ký kết hợp đồng thỏa thuận tự nguyện về sử dụng tiết kiệm năng lượng, các doanh nghiệp sẽ hưởng nhiều lợi ích lâu dài và bền vững. Điển hình như doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% chi phí kiểm toán năng lượng, các nhu cầu đầu tư, đổi mới công nghệ cũng được Bộ Công Thương xem xét trong các gói hỗ trợ của chương trình.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ về kĩ thuật, quảng bá thương hiệu, kiểm toán năng lượng, xác định các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, khi có kết quả tốt doanh nghiệp được cấp chứng nhận tham gia chương trình này. Đây chính là điều kiện tốt để các doanh nghiệp "ghi điểm" về bảo vệ môi trường, giảm thải khí nhà kính khi có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính.

Khi các doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiết kiệm năng lượng theo các dự án của Bộ Công Thương, doanh nghiệp sẽ được Ngân hàng Thế giới tài trợ nguồn kinh phí đầu tư như hỗ trợ vay vốn 200 triệu USD và thưởng tối đa 30% khoản vốn vay khi tiết kiệm nguồn năng lượng như đã thỏa thuận.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ 50% kinh phí thực hiện kiểm toán năng lượng/doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp có mức tiêu thụ 3 triệu kWh/năm trở lên và hỗ trợ 50% kinh phí tư vấn khi triển khai áp dụng mô hình quản lý năng lượng, ông Lê Phú Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết.

Nâng cao khả năng cạnh tranh

Các dự án, chương trình thỏa thuận tiết kiệm năng lượng không những giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất mà còn tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Đây là con đường để các doanh nghiệp khẳng định chỗ đứng trong xu thế hội nhập hiện nay.

Theo đại diện Công ty cổ phần Lương thực thực phẩm Miliket - Colusa, hiện nay nhờ việc theo dõi chặt chẽ điện năng tiêu thụ tại hệ thống lò hơi, các thiết bị sử dụng hơi, các dây chuyền sản xuất mì, phở và có những giải pháp khắc phục kịp thời nên mức tiêu thụ năng lượng tại khu vực này giảm nhiều, chỉ còn 59 kWh/tấn sản phẩm, thay vì 64 kWh/tấn sản phẩm như trước đây. Sự tiết giảm này cũng giúp cho giá thành sản phẩm của công ty thấp hơn, dễ cạnh tranh hơn so với nhiều sản phẩm cùng loại khác.

Với doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, hệ thống làm lạnh phục vụ cho sản xuất và dự trữ chiếm khoảng 70% tổng năng lượng tiêu thụ. Do đó, thời gian qua, doanh nghiệp từng bước thay thế thiết bị cũ, lạc hậu, tiêu tốn điện năng bằng thiết bị mới có khả năng tiết kiệm điện.

Đối với hệ thống chiếu sáng, doanh nghiệp ưu tiên sử dụng hệ thống đèn Led tại các dây chuyền sản xuất, nhà kho, nhà xưởng… Những cải tiến này giúp doanh nghiệp giảm 8% điện năng tiêu thụ so với năm 2014.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn ứng dụng hệ thống điều hòa trung tâm, thường xuyên kiểm tra các thiết bị vận hành trong quy trình sản xuất và kịp thời xử lý nhanh chóng các sự cố gây tổn thất điện năng, ông Nguyễn Quốc Trí, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu cho biết.

Theo ông Huỳnh Kim Tước, khi doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, tuân thủ đúng quy trình tư vấn sử dụng năng lượng có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm từ 5-8% điện năng, điều này cũng đồng nghĩa giúp doanh nghiệp giảm từ 5-8% giá thành sản phẩm. Từ đó, các doanh nghiệp này có thể nâng cao khả năng cạnh tranh trong nước và thế giới.

Trong năm 2014, cả nước tiêu thụ gần 149 tỷ kWh điện cho sản xuất và sinh hoạt; trong đó địa bàn Tp. Hồ Chí Minh chiếm 29 tỷ kWh. Khi các doanh nghiệp đồng loạt tham gia sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả sẽ giúp lượng điện tiêu thụ của cả nước có xu hướng giảm, cũng đồng nghĩa với giảm chi phí cho các chương trình bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính, mang lại lợi ích lớn trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Hồng Nhung (Tin Môi trường)