Thứ sáu, 27/12/2024 | 01:15 GMT+7

Doanh nghiệp Bình Dương trước bài toán tiết kiệm năng lượng

16/12/2015

Kiểm toán năng lượng quan trọng như kiểm toán tài chính, sử dụng năng lượng kém hiệu quả là sự lãng phí rất lớn.

 

Điều 33 của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm doanh nghiệp (DN) phải kiểm toán năng lượng (KTNL) 3 năm một lần. Vậy KTNL là gì? Các DN ở Bình Dương đã thực hiện quy trình này ra sao? Và ngành chức năng có giải pháp gì đểthúc đẩy chương trình này?

Sản phẩm máy phát điện tiết kiệm điện của Công ty CP Sáng Ban Mai

KTNL là tổng hợp các hoạt động khảo sát, thu thập và phân tích năng lượng tiêu thụ của DN, tòa nhà, quy trình sản xuất hay một hệ thống... Mục tiêu của KTNL là xác định những khu vực sử dụng năng lượng lãng phí và các cơ hội tiết kiệm năng lượng, từ đó xây dựng các giải pháp để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, nhằm tránh lãng phí tài nguyên năng lượng quốc gia, giúp DN tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, tăng hiệu quả cạnh tranh của DN.

Tại Bình Dương, Trung tâm Khuyến công đã tích cực hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Nghị định số 102/2003/NĐ-CP ngày 3-9-2003. Trung tâm đã triển khai đến DN các quy định của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (ngày 17-6-2010); Nghị định số 21/2011/NĐ-CP (ngày 29-3-2011) của Chính phủ Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Thông tư số 09/2012/ TT-BCT (ngày 20-4-2012) của Bộ Công thương quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện KTNL đến các DN trên địa bàn tỉnh. Tuy triển khai các quy định pháp luật đã hơn 10 năm, triển khai chương trình mục tiêu quốc gia được gần 5 năm, song đến nay, vẫn còn nhiều DN trên địa bàn vẫn chưa thực hiện KTNL.

Hiệu quả từ tiết kiệm năng lượng của một DN

Trong số hàng chục DN thực hiện KTNL tại Bình Dương, Công ty TNHH MTV Triệu Phú Lộc là một đơn vị chuyên sản xuất gia công đồ gỗ trang trí nội thất, điêu khắc, tiện đã tham gia phối hợp với Trung tâm Khuyến công trong việc KTNL và bước đầu đạt hiệu quả. Ngành chức năng đã tổ chức thực hiện việc khảo sát đánh giá, đo đạc và tính toán chi tiết cho các khu vực của nhà máy của công ty, để tìm ra những vị trí sử dụng năng lượng chưa thực sự tiết kiệm, từ đó đề xuất các giải pháp khắc phục hiệu quả để nhà máy triển khai thực hiện. Sau khi thu thập số liệu, khảo sát và tiến hành đo đạc thực tế tại khu vực nhà máy, các giải pháp đưa ra tập trung ở các hệ thống tụ bù, hệ thống máy nén khí và hệ thống quạt hút gió.

Đối với hệ thống tụ bù, do nhà máy không lắp tụ bù tại các tủ phân phối các máy công cụ nên hệ số công suất trung bình tại các máy công cụ của xưởng khá thấp (khoảng 0,45 - 0,75). Chiều dài từ trạm biến áp đến các máy công cụ của xưởng là khá dài đến 90m nên gây tổn hao công suất và tổn hao điện áp, làm giảm điện áp ở cuối đường dây. Nếu di chuyển các tụ bù tổng từ trạm biến áp đến tủ điện gần khu vực bố trí các máy công cụ công suất lớn của xưởng thì tổng điện năng tiết kiệm được là 5.472 kWh/năm.

Đối với hệ thống máy nén khí, cho phép toàn hệ thống sau khi khắc phục rò rỉ tối ưu là 10%. Nâng cao nhận thức sự dụng khí nén của công nhân. Quy hoạch, tối ưu hóa hệ thống đường ống cung cấp khí nén, giúp giảm thiểu tổn thất áp suất trên đường ống. Định kỳ kiểm tra năng suất máy nén khí và rò rỉ khí nén trên hệ thống phân phối khí nén. Thường xuyên kiểm tra, thay thế các khớp nối đã cũ, rò rỉ khí bằng các khớp nối mới.

Đối với hệ thống quạt hút gió, cần khắc phục ngay các điểm rò rỉ tại các cửa hút, các điểm nối giữa đoạn ống cứng bằng tôn kẽm và ống ruột gà. Thay cơ cấu truyền động bằng puly hiện nay bằng cách truyền động trực tiếp. Nhắc nhở công nhân sau khi tắt máy phải đóng kín các cửa gió đồng thời hạ thấp các cửa gió vừa tầm với của công nhân để thuận tiện cho việc đóng mở các cửa gió. Với các giải pháp đưa ra, tổng chi phí đầu tư là 50 triệu đồng, nhà máy có thể tiết kiệm được 53.208kWh/năm, tương đương tiết kiệm được 94,14 triệu VNĐ/năm, đồng thời giảm thải CO2 ra môi trường là 22,88 tấn/năm. Qua số liệu thống kê, cho thấy điện năng tiêu thụ trong giờ cao điểm chiếm 22,54%, chi phí tiền điện chiếm 36,81%. Do đó việc quản lý vận hành tốt các phụ tải tránh giờ cao điểm sẽ giúp giảm chi phí điện năng đáng kể.

Bên cạnh công tác KTNL tại công ty, Trung tâm Khuyến công còn đưa ra các lưu ý về một số khó khăn có thể xảy ra trong quá trình triển khai như lựa chọn nhà cung cấp thiết bị đáng tin cậy, cần làm báo cáo đầu tư cho các giải pháp đầu tư. Ngoài ra, để duy trì hiệu quả của hoạt động tiết kiệm năng lượng, nhà máy nên thành lập Ban quản lý năng lượng. Nhà máy có thể phối hợp các tổ chức tài chính cho vay đầu tư giải pháp tiết kiệm năng lượng như Ngân hàng Vietinbank, các Công ty ESCO.

Đầu tư để tiết kiệm năng lượng, cơ hội cho DN

Bên cạnh việc thực hiện KTNL cho DN, Trung tâm Khuyến công còn tổ chức Hội thảo Chương trình hỗ trợ đầu tư Xanh (GIF) cho các vừa và nhỏ (VVN) tại Bình Dương. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hội thảo được tổ chức tại 10 tỉnh, thành mục tiêu của Dự án LCEE. Dự án LCEE sẽ tiếp tục hỗ trợ Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, với nguồn ngân sách cho Quỹ đầu tư lên tới 110 tỷ đồng.

Trong năm 2015 và 2016, Dự án đặt mục tiêu hỗ trợ từ 100 - 130 DNVVN trong 3 ngành gạch, gốm và chế biến thực phẩm. Tham gia dự án, các DN có cơ hội nhận được khoản vay trị giá từ 400 triệu đến 4 tỷ đồng cho các hoạt động đầu tư vào tiết kiệm năng lượng. Sau 800 giờ vận hành, DN đạt được mức tiết kiệm năng lượng và giảm lượng phát thải khí CO2 theo yêu cầu của dự án LCEE sẽ được trả thưởng từ 10 - 30% giá trị khoản vay.

Tại hội thảo ở Bình Dương, TS. Nguyễn Xuân Quang, Tư vấn quốc gia dự án, đã trình bày và giải đáp thắc mắc của các DN về chi tiết kỹ thuật và cách thức tính mức năng lượng theo yêu cầu của dự án. Đồng thời, chuyên gia và cán bộ dự án cũng đã hỗ trợ các DN thảo luận, lên ý tưởng cho các dự án tiết kiệm năng lượng tại DN và tính toán mức chi phí đầu tư. Theo số liệu từ Sở Công thương Bình Dương, toàn tỉnh có 430 DNVVN hoạt động trong 3 lĩnh vực gạch, gốm và chế biến thực phẩm. Số lượng DNVVN tại Bình Dương lớn thứ 4 trong danh sách 10 tỉnh mục tiêu của dự án LCEE, chỉ xếp sau Hà Nội, Vĩnh Long và TP.Hồ Chí Minh.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến công khẳng định: “KTNL quan trọng như kiểm toán tài chính, sử dụng năng lượng kém hiệu quả là sự lãng phí rất lớn. Nên Trung tâm Khuyến công đã và sẽ tích cực đồng hành cùng DN thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương giàu đẹp, phát triển bền vững”.

Báo Bình Dương