Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:00 GMT+7

Doanh nghiệp ngày càng coi trọng tiết kiệm năng lượng

27/11/2015

Tiết kiệm năng lượng được xem là giải pháp tối ưu để giảm chi phí, tăng lợi nhuận nhưng hiện không ít Doanh nghiệp lo ngại, đầu tư đổi mới công nghệ để Tiết kiệm năng lượng rất tốn kém. Trên thực tế, có nhiều cách Tiết kiệm năng lượng với các mức độ đầu tư khác nhau, tuỳ vào điều kiện thực tế, Doanh nghiệp có thể lựa chọn cách làm phù hợp mà vẫn hiệu quả.

Tiết kiệm năng lượng (TKNL) được xem là giải pháp tối ưu để giảm chi phí, tăng lợi nhuận nhưng hiện không ít Doanh nghiệp (DN) lo ngại, đầu tư đổi mới công nghệ để TKNL rất tốn kém. Trên thực tế, có nhiều cách TKNL với các mức độ đầu tư khác nhau, tuỳ vào điều kiện thực tế, DN có thể lựa chọn cách làm phù hợp mà vẫn hiệu quả.

TKNL để giảm chi phí

Ông Trần Quý Năng - kỹ sư điện, quản lý năng lượng ở Trung tâm Công nghệ quốc tế Hà Nội (HITC) cho biết: “tại HITC, tất cả các thiết bị được lắp đặt và đưa vào vận hành đã gần 20 năm. So với các thiết bị mới ở thời điểm hiện nay thì thiết bị của HITC có hiệu quả sử dụng thấp hơn. Tuy nhiên, trung tâm có cách làm riêng của mình là chuyển sang giải pháp cải tiến một phần nhỏ của dây chuyền công nghệ; thực hành kiểm soát năng lượng; bảo dưỡng phòng ngừa hướng đến TKNL và vận hành linh hoạt… đã giúp HITC không mất vốn đầu tư công nghệ. Qua 5-6 năm thực hiện, HITC đã giảm được 5% sản lượng điện tiêu thụ”.

Tiết kiệm năng lượng được xem là giải pháp tối ưu để các doanh nghiệp

giảm thiểu chi phí cho DN nhằm tăng lợi nhuận

Không chỉ các DN sản xuất mới tham gia TKNL mà các DN thương mại, dịch vụ cũng “vào cuộc” để góp phần giảm thiểu chi phí. Ông Trần Ngọc Anh - PGĐ Cty TNHH thương mại và xây dựng Trung Chính - chia sẻ: “Để tiết kiệm tối đa chi phí quản lý, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, thời gian qua, Cty tôi đã thay thế các bóng đèn sợi đốt bằng đèn huỳnh quang tiêu thụ ít điện năng. Đồng thời, cài đặt các thiết bị báo hiệu để kiểm soát việc chiếu sáng tại các khu vực không có người hoạt động thường xuyên như phòng vệ sinh, phòng họp, hành lang… Thường xuyên vệ sinh và bảo dưỡng điều hòa để không bị “ăn” điện. Vì là Cty tư vấn xây dựng nên thường xuyên sử dụng máy in, máy photocopy để in ấn các bản thiết kế, hồ sơ gói thầu… Do vậy, Cty thay vì dùng máy in laser đã chuyển qua dùng máy in phun vì mức tiêu thụ năng lượng của máy in phun chỉ bằng 90% mức tiêu thụ của máy in laser.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực VN (EVN) đã đóng góp một phần không nhỏ để giúp các DN TKNL. Cụ thể, EVN đã tuyên truyền và thực hiện thành công nhiều dự án nổi bật như: Chương trình tuyên truyền, quảng bá sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, chương trình thay đèn sợi đốt bằng đèn compact, chương trình Giờ trái đất, quảng bá bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, hỗ trợ DN thực hiện kiểm toán năng lượng. Từ đó, ý thức về sử dụng NL tiết kiệm không ngừng được nâng lên.

Vẫn là bài toán khó

Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ & TKNL, cường độ sử dụng năng lượng công nghiệp của VN ở mức rất cao so với các nước phát triển, và cả các nước trong khu vực. Điều này cho thấy, khoảng cách về hiện trạng công nghệ áp dụng cho sản xuất của VN và các quốc gia ở mức rất xa. Không loại trừ khả năng cơ cấu công nghiệp của VN có xu hướng tập trung vào các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhưng đóng góp vào GDP lại hạn chế.

Hơn nữa, nhiều DN còn chưa thực sự thực hiện các yêu cầu của luật, chưa xây dựng mô hình quản lý năng lượng cũng như xây dựng kế hoạch hằng năm về tiêu thụ năng lượng tại DN, chưa báo cáo với cơ quan chức năng tại địa phương (Sở Công Thương) đầy đủ tình hình tiêu thụ năng lượng tại DN.

Trên thực tế, không phải DN nào cũng có khả năng đổi mới công nghệ để TKNL, do DN không đủ vốn hoặc không tiếp cận được những khoản vay tín dụng ưu đãi cho các dự án TKNL. Mặt khác, do khó khăn về tài chính nên có một vài DN dừng triển khai các dự án TKNL, đặc biệt là các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng như ngành thép, xi măng. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ cho các DN đầu tư thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao còn nhiều hạn chế.

“Do đó, Chính phủ cần có cơ chế vay vốn linh hoạt, thủ tục đơn giản, dễ dàng cho các DN có nhu cầu sử dụng các giải pháp TKNL. Đồng thời, điều chỉnh giá mua điện hợp lý để khuyến khích các DN phát triển các dạng năng lượng tái tạo”, ông Trần Viết Nguyên - Phó Trưởng ban Kinh doanh EVN đề đạt.

Theo Báo Lao Động