Thứ sáu, 01/11/2024 | 20:39 GMT+7
Tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng xanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế cũng như môi trường. Thực tế này đã được chứng minh rõ tại nhiều thành phố lớn trên thế giới. TP.HCM cũng đã có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ cụ thể nhằm hiện thực hóa việc ứng dụng giải pháp tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng xanh trong sản xuất, sinh hoạt.
Phát triển các mô hình tiết kiệm năng lượng
Theo Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM, để hiện thực hóa việc đổi mới công nghệ hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, từ năm 2002, dưới sự chỉ đạo của UBND TPHCM, Sở KH-CN đã thực hiện tư vấn giải pháp và đổi mới công nghệ cho nhiều đơn vị thuộc nhiều lĩnh vực như công nghiệp, tòa nhà, hạ tầng đô thị, giao thông vận tải…
Trong lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2002 đến nay, TPHCM đã hỗ trợ 588 doanh nghiệp thuộc 24 ngành nghề khác nhau, giúp tiết kiệm được trung bình mỗi năm 931,9 triệu kWh điện, 5,68 triệu lít dầu và giảm phát thải 600 ngàn tấn CO2. Trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, đã thực hiện thay thế 90% đèn hiệu suất cao cho hệ thống chiếu sáng dân lập công cộng, tiết kiệm 75,6% so với hệ thống cũ. Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Giám đốc sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, cho biết, trong kế hoạch hành động thích ứng với biến đổi khí hậu, thành phố rất chú trọng đến các giải pháp về tiết kiệm năng lượng. Theo đó, thành phố đang triển khai các dự án như thí điểm chiếu sáng công cộng sử dụng đèn tiết kiệm năng lượng; kiểm kê khí nhà kính; dự án sản xuất khí sinh học tái sinh năng lượng từ chất thải hữu cơ công suất 40-60 tấn/ngày tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền; dự án xử lý chất thải rắn đô thị kết hợp tái sinh năng lượng (điện và nhiệt) công suất 400-600 tấn/ngày.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Tổng Công ty Điện lực TPHCM cho biết, trong thời gian qua các đơn vị của tổng công ty đã triển khai nhiều biện pháp để tuyên truyền và cũng đã mang lại những kết quả tích cực. Cụ thể, chương trình “tuyến đường kiểu mẫu tiết kiệm điện” nhằm vận động các khách hàng kinh doanh cá thể, những đơn vị treo bảng quảng cáo ngoài trời, các công viên thực hiện mở và tắt đèn đúng giờ; cắt giảm 50% số lượng bóng đèn đối với các bảng quảng cáo, bảng hiệu bên ngoài, tiết giảm lượng điện năng tiêu thụ với các bóng đèn trong nhà, sử dụng điều hòa nhiệt độ >250C. Kết quả cho thấy, sau 3 năm triển khai, đến nay đã có 69 tuyến đường được triển khai thực hiện, với sự tham gia của hơn 14.000 khách hàng, sản lượng điện tiết kiệm là 1,2 triệu kWh, số tiền tiết kiệm là hơn 2,1 tỷ đồng. Không dừng lại đó, trong thời gian vừa qua, công ty cũng đã tổ chức, quảng bá, vận động khách hàng sử dụng thiết bị tiết kiệm điện như đèn compact, bình nước nóng năng lượng mặt trời, đèn Led... từ năm 2006-2010, công ty đã bán 350.000 bóng đèn compact với giá hỗ trợ thấp hơn giá thị trường ít nhất 10%-20%...
Đồng bộ các giải pháp
Theo các chuyên gia môi trường, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một gia tăng và xu thế hội nhập toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, để nắm bắt cơ hội trở thành động lực tăng trưởng xanh, thế giới đã lựa chọn hướng tiếp cận những giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Để sử dụng năng lượng hiệu quả trong khu vực phát triển đô thị, TPHCM cần phát triển nguồn nhân lực cho đội ngũ quản lý năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng. Khu vực phát triển đô thị cần được quy hoạch các công trình xây dựng đồng bộ với hạ tầng giao thông, dịch vụ công cộng. Các công trình xây dựng khu vực phát triển đô thị phải tuân thủ quy chuẩn về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả trong các tòa nhà để tính toán hiệu quả đầu tư các công trình trước khi xây dựng, sử dụng các sản phẩm vật liệu xây dựng dán nhãn tiết kiệm năng lượng, khuyến khích phát triển công trình xây dựng xanh, xây dựng các trung tâm cung cấp hơi nhiệt để nâng cao hiệu quả làm mát, sưởi ấm trong khu vực đô thị. Phát triển thị trường công nghệ, trang thiết bị hiệu suất cao về năng lượng.
Mặt khác, thành phố cũng cần có cơ chế hỗ trợ về mặt chủ trương, chính sách trong việc hình thành các chương trình, chiến lược thực hiện tiết kiệm năng lượng, ứng dụng năng lượng tái tạo trên diện rộng. Bên cạnh đó, tổng công ty sẽ đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền phổ biến thông tin vận động cộng đồng nâng cao nhận thức thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả rất quan trọng. Cần thiết phải đưa chương trình tiết kiệm năng lượng thành hoạt động thường xuyên trong đời sống xã hội. Đồng thời thành phố cũng có cơ chế hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng và đầu tư đối mới công nghệ, thay các thiết bị cũ bằng thiết bị hiệu suất cao theo yêu cầu của báo cáo kiểm toán năng lượng. Về phía thành phố cũng cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời và hướng dẫn việc mua lại điện năng dư thừa từ các hộ tiêu thụ có trang bị hệ thống mặt trời hòa lưới. Có như vậy mới khuyến khích phát triển nguồn năng lượng xanh trong xã hội từ nguồn vốn xã hội hóa.
Theo Sài Gòn Giải Phóng