Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:07 GMT+7

TP.HCM hướng tới một “thành phố thông minh”

10/07/2015

Việc xây dựng “thành phố thông minh” là cuộc cách mạng về quản lý đô thị cũng như nhu cầu cấp bách đối với các đô thị phát triển. Là một đô thị đặc biệt, TPHCM đang đứng trước thách thức về các vấn đề quản lý

Việc xây dựng “thành phố thông minh” là cuộc cách mạng về quản lý đô thị cũng như nhu cầu cấp bách đối với các đô thị phát triển. Là một đô thị đặc biệt, TPHCM đang đứng trước thách thức về các vấn đề quản lý.

Ngày 8/7, tại hội thảo chuyên đề: “Thành phố Hồ Chí Minh – Hướng đến nền kinh tế tri thức hội tụ với Smart City” đã có nhiều giải pháp ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý đô thị được giới thiệu. Theo đó, một số giải pháp đáng chú ý như: làm thế nào để ứng dụng hệ thống ITS (hệ thống giao thông thông minh) vào quản lý giao thông nội đô; quản lý môi trường thông minh, hệ thống điện – nước thông minh; hay như giải pháp kết nối hạ tầng cho một thành phố thông minh, điều khiển thông minh. Trên cơ sở đó xây dựng và phát triển thành phố theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, trở thành một nền kinh tế tri thức hội tụ nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.

Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM – cho rằng muốn có một đô thị thông minh trên nền kinh tế hội tụ nào đó thì phải xử lý một cách thông minh tất cả các thông tin về đô thị đó, từ hạ tầng cho đến nguồn nhân lực…  Đặc biệt là các thông tin đó phải cập nhật kịp thời và có sự dự báo. Phải có nền tảng như vậy thì mới nghĩ đến giải pháp giao thông thông minh, y tế thông minh, môi trường thông minh, tiết kiệm năng lượng...

Ông Lê Thái Hỷ - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM phát biểu tại hội thảo

Ông Hỷ nhấn mạnh: “Trong một đô thị đặc biệt như TPHCM thì chính quyền điện tử đóng vai trò quan trọng. Chúng ta phải làm thành công cái này thì mới hướng đến những giải pháp khác để có một đô thị thông minh”.

Theo ông Hỷ, trong quá trình làm phải khi làm phải xác định những cái trọng tâm ưu tiên cho từng đô thị một. Đối với TPHCM thì vấn đề giao thông rất quan trọng sau đó tới y tế, môi trường, năng lượng. Trên hết, đô thị thông minh phải phục vụ cho người dân. Nếu như quá lan man thì lợi ích của đô thị thông minh sẽ không thể nào đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp… Cách làm và cách tiếp cận xây dựng một thành phố thông minh là rất quan trọng.

5 năm tới TPHCM sẽ không có chỗ cho xe chạy?

Đến từ một hãng công nghệ, ông Nguyễn Tuấn Long cho cho rằng vấn đề thách thức đối với TPHCM trên đường trở thành “thành phố thông minh” đó chính là giao thông và ông nhận định trong vòng 5 năm tới, TPHCM sẽ không còn chỗ cho xe chạy. Để làm rõ điều này, ông chỉ ra 7 nguyên nhân chính gồm: vấn đề tắc nghẽn giao thông vẫn chưa được giải quyết, trong khi tốc độ lưu thông phương tiện rất thấp; diện tích bến, bãi đỗ xe thiếu trầm trọng; hệ thống hạ tầng kỹ thuật quá tải; hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu liên kết giữa các loại hình giao thông; tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển xe cơ giới và ý thức người tham gia giao thông chưa cao.

Theo ông Long, lời giải cho bài toán quá tải giao thông của TPHCM đó là ứng dụng hệ thống ITS. Hệ thống ITS là ứng dụng của những công nghệ tính toán, thông tin và liên lạc trong việc quản lý xe cộ và các mạng lưới có liên quan đến sự di chuyển của người và hàng hóa trong thời gian thực.

Khi ứng dụng hệ thống ITS, nhân viên tại trung tâm có thể giám sát các hoạt động giao thông theo thời gian thực và có thể điều phối được hoạt động giao thông bằng cách gửi thông báo đến người tham gia giao thông qua các bảng hiệu trên các trục lộ, qua tin nhắn, qua đài FM. Khi tiếp nhận được các thông tin quan trọng như: thời gian chuyến đi theo tuyến đường lựa chọn, làn đường nào được tiếp tục lưu thông, tốc độ bao nhiêu,... mọi người có thể dễ dàng nắm bắt được tình hình giao thông tại một số nơi, nhất là các nút giao thông và có phương án xử lý hiệu quả.

Theo Dân Trí