Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:59 GMT+7
Thực hiện chủ trương, chính sách tiết kiệm năng lượng của Nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp đã coi biến tần là phép giải của bài toán này. Tuy nhiên, có nhiều tồn tại trong thực tế sản xuất khiến nhiều doanh nghiệp sợ thậm chí là rất sợ biến tần. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
60- 70% biến tần đã lắp không sử dụng được
Diễn đàn Hợp tác về Năng lượng và Môi trường Việt Nam- Hàn Quốc lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội ngày 21/5/2015 là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động sôi nổi của Hội chợ triển lãm quốc tế năng lượng hiệu quả môi trường Hà Nội 2015 lần thứ 7 (Entech Hanoi 2015).
PGS-TS Bùi Quốc Khánh - Hội Tự động hóa Việt Nam cho biết, thực hiện chủ trương chính sách tiết kiệm điện năng của Nhà nước, rất nhiều doanh nghiệp đã thực hiện lắp đặt biến tần và coi đó là giải pháp hữu hiệu trong việc tiết kiệm năng lượng, tuy nhiên, sau 10 năm thực hiện có đến 60- 70% số biến tần được lắp đặt không sử dụng nữa.
Thực tế, nhiều đơn vị lắp biến tần đã không tiết kiệm điện mà còn làm tăng chi phí điện năng. Tại một doanh nghiệp sản xuất xi măng lò đứng, sau khi được tư vấn và lắp đặt biến tần cho quạt FD cho lò nung, dùng biến tần điều khiển gió bằng điều chỉnh tốc độ động cơ, điện năng tiêu thụ tại nhà máy tăng 110% so với trước.
Hay trường hợp có nhà máy nhiệt điện nhỏ có lắp đặt biến tần cho quạt hút ID (điều chỉnh áp suất âm buồng đốt) để tiết kiệm điện năng thay cho hệ cũ, hiệu quả là tiết kiệm điện năng nhưng áp suất lò dao động làm tăng lượng than cấp cho lò.
Hiện tượng này cũng xảy ra ở các công ty xi măng, khi lắp biến tần cho quạt hút cho lò hoặc quạt phân ly cho các máy nghiền. Có những doanh nghiệp, biến tần được lắp đặt để tiết kiệm điện năng thì chưa tiết kiệm điện năng thì đã hỏng. Hay có trường hợp, động cơ nhà máy chạy với lưới điện thì không sao nhưng lắp biến tần để chạy thì động cơ bị cháy… “Tôi đến khảo sát tại Tổng công ty Than Đông Bắc, Tổng giám đốc công ty cho biết, sau khi tiến hành sử dụng biến tần để tiết kiệm điện năng một thời gian, nhiều biến tần hỏng và đã gom lại thành một “bãi tha ma biến tần” để làm bài học tiết kiệm năng lượng. Đây cũng là những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp sợ biến tần”, ông Khánh nói.
Biến tần không có tội
Ông Khánh cho biết, hiện nay một số công ty bán hàng lợi dụng chủ trương tiết kiệm điện năng để bán lắp đặt biến tần cho các cơ sở sản xuất, không tính toán hiệu quả và bất chấp hậu quả của nó để lại. Đội ngũ lắp đặt biến tần của các công ty này chưa đủ trình độ nghiệp vụ nên khi gặp khó khăn thì không khắc phục được cho khách hàng. Bên cạnh đó, khi triển khai thực hiện tiết kiệm năng lượng chưa chuẩn bị đầy đủ về kiến thức về sử dụng biến tần để tiết kiệm điện năng cho các cơ sở sản xuất.
Về việc không tiết kiệm điện năng mà còn tăng tiêu thụ điện, theo ông Khánh là do hệ thống truyền động không thuộc loại điều chỉnh cân bằng công suất. Hệ truyền động thuộc loại điều khiển cân bằng công suất bằng điều chỉnh công suất đầu vào nhưng công suất tiết kiệm không bù được tổn thất phụ.
Theo ông Khánh, biến tần được ứng dụng để tiết kiệm điện năng chỉ cho hệ truyền động điện cần điều khiển cân bằng công suất, đó là điệu kiện cần. Tuy nhiên, để ứng dụng biến tần với mục đích tiết kiệm năng lượng cần phải xem xét nhiều vấn đề liên quan đến hiệu quả, an toàn và chất lượng hệ điều khiển. Cần phải chọn biến tần đúng, tuân thủ các yêu cầu lắp đặt biến tần- ông Khánh nhấn mạnh.
Biến tần là một bộ biến đổi công suất có vai trò điều khiển công suất cấp cho động cơ xoay chiều để cân bằng với công suất tải. Biến tần cũng là công cụ hiệu quả cho ứng dụng tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, nếu không khảo sát, tính toán, thiết kế lắp đặt đúng kỹ thuật thì sẽ gây hiệu quả không tốt cho hệ thống, gây thiệt hại về kinh tế và thiết bị cho doanh nghiệp.
Theo Cơ hội giao thương