Thứ bảy, 23/11/2024 | 01:30 GMT+7
Không dừng lại ở những mô hình được nhiều người biết đến như trồng hành lá, rau sạch hay những mô hình về ngành nghề truyền thống đan rổ, rá, thúng… Chi hội phụ nữ ấp Bàu Công (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) giờ còn được biết đến với mô hình Chi hội Phụ nữ tiết kiệm điện hiệu quả.
Chị Phan Thị Lệ - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Bàu Công cho biết, năm 2011, Hội phụ nữ xã Tân Mỹ chọn ấp Bàu Công để thực hiện mô hình điểm về phong trào tiết kiệm điện. Rất nhanh chóng, phong trào này đã được Chi hội triển khai, lồng ghép trong các buổi hội họp của chi hội bằng những hình ảnh trực quan và những việc làm thiết thực của chị em.
Qua 3 năm thành lập với 1 tổ phụ nữ tiết kiệm điện ban đầu, gồm 11 thành viên đều là những thành viên nòng cốt, tích cực trong công tác hội và đi đầu trong thực hiện các phong trào của chi hội. Đến năm 2014, Chi hội đã xây dựng thêm 1 tổ phụ nữ tiết kiệm điện, nâng tổng số thành viên lên 30 người.
Ấp Bàu Công có hơn 700 hộ, trong đó hộ hội viên phụ nữ là 450 hộ, kinh tế chủ yếu của người dân trong ấp là sản xuất nông nghiệp. Nhu cầu tiêu thụ điện trong sản xuất là khá lớn. Vì vậy, khi thực hiện các tiêu chí tiết kiệm điện thì chị em phụ nữ đã tiết kiệm một số tiền đáng kể.
Một phần thi tìm hiểu cách sử dụng điện hiệu quả, hợp lý của các chi hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Bàu Công
Chị Trần Thị Nga, hội viên của ấp Bàu Công chia sẻ: “Từ những kiến thức, kỹ năng được học trong các buổi sinh hoạt của Hội phụ nữ trong ấp mà tôi đã biết cách sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả hơn, như việc: Chỉ sử dụng những thiết bị điện khi thực sự cần thiết, nấu cơm trước giờ ăn 30 phút, không nấu rồi để chế độ hâm quá lâu, tivi không để ở chế độ chờ…”
Theo Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ ấp Bàu Công, các tiêu chí tiết kiệm điện được chi hội đặt ra rất rõ ràng và dễ thực hiện, trong đó có chia ra các tiêu chí như sinh hoạt và sản xuất. Trong sinh hoạt, chị em thực hiện phương châm “Hành động nhỏ, tiết kiệm lớn”, vận động các hộ hội viên thay toàn bộ bóng đèn dây tóc bằng bóng đèn tiết kiệm điện, mua các đồ dùng điện tử có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Đặc biệt, các chị thường xuyên nhắc nhở nhau thay đổi thói quen sử dụng điện phung phí hàng ngày mà trước nay ít để ý đến như: Tắt quạt và đèn khi ra khỏi phòng, tắt tất cả các thiết bị khi chưa thực sự dùng đến, sử dụng ánh sáng tự nhiên.
Trong sản xuất, các chị lên lịch bơm tưới đúng lúc, kịp thời theo tiêu chí vừa đảm bảo đủ nước tưới vừa tiết kiệm điện như: không bơm nước quá nhiều, nhất là vào các giờ cao điểm, không chuyền dây bơm nước quá xa điểm cần bơm nước, sử dụng máy bơm có công suất vừa phải…
Chia sẻ về việc tiết kiệm điện của gia đình mình, chị Phan Thị Lệ cho biết: “Ở ấp này đa phần đều là dân lao động nghèo, thu nhập bấp bênh. Riêng nhà tôi chỉ có cái tivi, nồi cơm điện, mấy cái quạt máy, tủ lạnh và hệ thống bóng đèn sợi tóc, nhưng mỗi tháng cũng mất gần 200.000 đồng tiền điện. Vì vậy, khi tham dự lớp tập huấn về sử dụng điện tiết kiệm trong hộ gia đình, tôi đã sắp xếp lại hệ thống đồ dùng điện trong nhà, thay bóng đèn bằng loại bóng tiết kiệm điện. Loại bóng này tuy giá thành cao hơn so với bóng đèn sợi đốt nhưng mức tiêu thụ điện năng ít hơn gần 75%, từ đó hàng tháng giảm được một khoản tiền điện đáng kể”.
Chị Phan Thị Lệ còn cho biết thêm, qua thực hiện phong trào tiết kiệm điện, các tổ viên và hội viên phụ nữ trong ấp đã tiết kiệm được tiền điện hàng tháng từ 100 ngàn đồng trở lên. Việc các cấp Hội phụ nữ tuyên truyền, vận động cùng nhau sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, cũng nhằm mục đích hướng tới sự thay đổi nhận thức và hành động của người dân trong sử dụng điện hàng ngày, tránh lãng phí nguồn tài nguyên quốc gia về trước mắt và lâu dài.
Hy vọng với sự quyết tâm và kiên trì, chị em phụ nữ ấp Bàu Công nói riêng và chị em phụ nữ nói chung sẽ góp phần vào thực hiện mục tiêu chung của đất nước là tiết kiệm điện vì lợi ích quốc gia.
Theo EVN