Thứ sáu, 22/11/2024 | 09:38 GMT+7

Công ty Điện lực Gia Lai: 3 giải pháp giảm tổn thất điện năng

23/04/2015

Điện lực Gia Lai đang ráo riết thực hiện nhằm tạo nên những đột phá trong công tác giảm tổn thất điện năng 2015 trên địa bàn tỉnh.

Ba giải pháp: tổ chức; quản lý kỹ thuật - vận hành; quản lý kinh doanh là nội dung được Công ty Điện lực (PC) Gia Lai đang ráo riết thực hiện nhằm tạo nên những đột phá trong công tác giảm tổn thất điện năng (TTĐN) 2015 trên địa bàn tỉnh.

Đổi mới hoạt động của ban chỉ đạo

PC Gia Lai thành lập ban chỉ đạo giảm TTĐN tại công ty và các điện lực; thường xuyên tuyên truyền khách hàng sử dụng điện thực hiện các biện pháp sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hợp lý; tính toán tổn thất bằng ứng dụng phần mềm PSS/Adept và chương trình MDMS để giao kế hoạch tổn thất cho các điện lực, gắn kết quả giảm TTĐN với mức độ khen thưởng; hàng tháng đều có phân tích nguyên nhân các xuất tuyến trung áp có tổn thất lớn hơn tính toán để tìm giải pháp khắc phục…

Đẩy mạnh quản lý kỹ thuật - vận hành

Mục tiêu của giải pháp này là: không để quá tải đường dây, máy biến áp (MBA); bảo đảm vận hành phương thức tối ưu; kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện ở tình trạng vận hành tốt; thực hiện tốt công tác quản lý kỹ thuật vận hành ngăn ngừa sự cố; từng bước loại dần các thiết bị không tin cậy, hiệu suất kém, tổn thất cao bằng các thiết bị mới có hiệu suất cao, tổn thất thấp; tính toán và quản lý TTĐN kỹ thuật của từng trạm biến áp, từng đường dây, từng khu vực để quản lý, đánh giá và đề ra các biện pháp giảm TTĐN phù hợp. Để thực hiện mục tiêu này, PC Gia Lai thường xuyên theo dõi các thông số vận hành lưới điện, tình hình tăng trưởng phụ tải để có kế hoạch vận hành, cải tạo lưới điện, hoán chuyển MBA đầy, non tải một cách hợp lý, không để quá tải đường dây, quá tải máy biến áp trên lưới điện. Không để các MBA phụ tải vận hành tải lệch pha. Thường xuyên theo dõi có các nút trên lưới điện, tính toán vị trí và dung lượng lắp đặt tụ bù tối ưu để quyết định lắp đặt, hoán chuyển và vận hành hợp lý các bộ tụ trên lưới nhằm giảm tổn thất điện năng.

Kiểm tra, bảo dưỡng lưới điện, không để các mối nối, tiếp xúc không tốt gây phát nóng dẫn đến tăng TTĐN. Hạn chế các thành phần không cân bằng và sóng hài bậc cao. Từng bước loại dần các thiết bị không tin cậy, hiệu suất kém, tổn thất cao bằng các thiết bị mới có hiệu suất cao, tổn thất thấp. Đặc biệt, khi nâng dung lượng MBA kết hợp nâng tiết diện dây dẫn và các thiết bị kèm theo để phù hợp với công suất. Phát quang hành lang tuyến ĐZ trung áp, các khu vực có ĐZ hạ thế lưới trần, nhiều nhánh rẽ hạ áp… Kiểm tra đường dây để phát hiện sứ vỡ, sứ kém chất lượng để thay thế kịp thời. Tranh thủ các nguồn vốn, tập trung đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện, đưa nhiều công trình mới vào vận hành, sửa chữa kịp thời và thay dây dẫn có tiết diện lớn hơn cho các công trình tuyến đường dây bị quá tải, thay dây bọc qua rừng cao su, qua đồi núi; khai thác hợp lý các bộ tụ bù trên lưới trung thế, thực hiện phương thức vận hành lưới điện kinh tế và hiệu quả nhất…

Tăng cường quản lý kinh doanh

Đây là biện pháp quan trọng với nội dung kiểm định ban đầu công tơ; thay thế định kỳ công tơ đúng thời hạn; kiểm tra, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống đo đếm; thực hiện lịch ghi chỉ số công tơ; kiểm tra, xử lý nghiêm và tuyên truyền ngăn ngừa các biểu hiện lấy cắp điện. Đặc biệt, PC Gia Lai đẩy mạnh kiểm tra công tác kinh doanh, kiểm tra chuyên đề tổn thất; xây dựng quy định quản lý chì niêm phong công tơ, TU, TI, hộp bảo vệ hệ thống đo đếm. Tăng cường phúc tra, bảo đảm việc ghi chỉ số công tơ đúng quy định. Từng bước áp dụng công nghệ mới, lắp đặt thay thế các thiết bị đo đếm có cấp chính xác cao cho phụ tải lớn. kiểm soát chặt TTĐN các TBA công cộng, trạm nào có tỷ lệ tổn thất lệch 3% so với tổn thất tính toán thì phải có biện pháp xử lý.

 

Theo Báo Công Thương