Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:41 GMT+7

Hải Phòng: Tiết kiệm năng lượng để hướng tới nền kinh tế xanh

28/03/2015

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao trong khi khả năng cung ứng còn hạn chế, TP Hải Phòng đang nỗ lực tiết kiệm năng lượng bằng các giải pháp xanh.

Tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế xanh là đích đến của TP.Hải Phòng. Vì vậy, trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng tăng cao trong khi khả năng cung ứng còn hạn chế, TP. đang nỗ lực tiết kiệm năng lượng bằng các giải pháp xanh.

Theo Phó giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hải Phòng Bùi Xuân Tuấn, năng lượng ngày càng khan hiếm, nhất là các loại năng lượng hoá thạch như dầu khí và than đá. Mặt khác, việc sử dụng quá nhiều nguồn năng lượng hóa thạch - nguồn năng lượng không tái sinh, để lại hậu quả về môi trường rất lớn. Trong khi đó, theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì vậy, năng lượng tái tạo là giải pháp khả thi nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế, khan hiếm năng lượng và ô nhiễm môi trường. Theo đó, những nguồn năng lượng tái tạo có thể khai thác và sử dụng trong thực tế gồm thủy triều, gió, sinh khối, khí sinh học, nhiên liệu sinh học, từ nguồn rác thải sinh hoạt, mặt trời và địa nhiệt. 

 Lắp đặt tấm thu năng lượng mặt trời tại một hộ gia đình ở Hải Phòng

Để sử dựng được nguồn năng lượng tái tạo, Hải Phòng đã ứng dụng giải pháp đun nóng nước bằng máy nước nóng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp ở gia đình, doanh nghiệp, công sở...Bên cạnh đó, một giải pháp khác là sử dụng thiết bị chưng cất nước ngọt dùng năng lượng mặt trời. Nước biển, nước lợ, các nguồn nước không uống được có thể biến thành nước ngọt, sạch và sử dụng được ngay chỉ trong thời gian ngắn. Đây là nghiên cứu mới của các nhà khoa học thuộc Viện Thủy điện và năng lượng tái tạo Việt Nam. Thạc sĩ Lê Việt Hùng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: "Sau khi cấp nước vào bể chứa, nước được năng lượng mặt trời đun nóng, bốc hơi và ngưng tụ trên bề mặt trong của tấm kính và chảy về một bể chứa nước sạch".  Đáng chú ý, thiết bị có các gờ chung quanh trên mặt tấm kính hứng nắng, nên có thể hứng được lượng nước mưa trên bề mặt kính khi trời mưa. Đặc điểm này rất thích hợp cho các địa phương vùng biển, để kết hợp vừa lọc nước ngọt, vừa tích nước mưa cho sinh hoạt. Sau khi thử nghiệm ở Hải Phòng và Khánh Hòa, nước sau chưng cất rất sạch, trong, uống được, không mặn hay lợ. Mẫu nước ngọt thu được  đạt tiêu chuẩn y tế về nước sinh hoạt.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu, chế tạo thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, thành phố còn triển khai nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng hướng tới nền kinh tế xanh. Theo Giám đốc Trung tâm tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn Hải Phòng Đào Sĩ Thanh, Trung tâm phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố và Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng phát động gia đình thực hiện tiết kiệm điện. Theo đó, 250 nghìn gia đình tích cực tham gia chương trình, sản lượng điện tiết kiệm được khoảng 5,2 triệu kWh, tương ứng với số tiền là 7,518 tỷ đồng. Qua trọng hơn, qua hoạt động này góp phần thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong công tác sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu sự cố điện lưới của thành phố.

Mặt khác, Trung tâm đẩy mạnh công tác kiểm toán năng lượng và mở rộng hoạt động ra một số tỉnh miền Duyên hải. Vừa qua, Trung tâm kiểm toán năng lượng chi tiết cho 37 doanh nghiệp, 15 cơ quan hành chính và 10 tòa nhà thương mại, hoàn thành báo cáo kiểm toán và đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, hàng năm có thể tiết kiệm được hơn 50 nghìn KWH điện trị giá hơn 64 tỷ đồng, giảm phát thải  hơn 42 nghìn tấn CO2 ra môi trường.

Trung tâm còn xây dựng đề xuất Dự án đầu tư hệ thống cung cấp điện bằng năng lượng gió, mặt trời kết hợp với phát điện diesel tại đảo Bạch Long Vỹ; triển khai đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng sản xuất viên đốt sinh khối từ phụ phẩm nông nghiệp, góp phần ứng dụng công nghệ tái chế vào sản xuất và đời sống, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nông nghiệp gây ra.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường