Thứ sáu, 22/11/2024 | 21:10 GMT+7

Những giải pháp Tiết kiệm năng lượng độc đáo tại khách sạn

19/09/2014

Sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời, vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, trồng vườn cây thẳng đứng...là những biện pháp tiết kiệm năng lượng độc đáo nhưng không kém phần hiệu quả mà nhiều khách sạn đang áp dụng.

Diện tích xây dựng lớn, số lượng người khách lưu trú cao, sử dụng nhiều năng lượng là đặc thù của các khách sạn. Nhằm giảm thiểu chi phí hoạt động, tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tiết kiệm năng lượng là giải pháp hàng đầu đang được nhiều khách sạn lựa chọn.

Nước nóng năng lượng mặt trời

Khách sạn La Thành (Hà Nội) là một trong những công trình trình diễn áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả QCVN 09:2013/BXD.

Với 15 tầng nhà và gần 15 ngàn m2 diện tích sàn, khách sạn La Thành là một trong những công trình sử dụng nhiều năng lượng, đặc biệt là nước nóng. Buổi sáng và buổi tối là khoảng thời gian cao điểm sử dụng nước nóng với mức tiêu thụ 2 ngàn lít/giờ vào buổi sáng và 1 ngàn lít/giờ vào buổi tối. Mỗi năm, ước tính hệ thống đun nước nóng của khách sạn sử dụng hơn 50 ngàn kWh điện với mức công suất 50 kW.

28468f9ba_nuoc_nong.jpg

Nhằm tiết kiện điện năng, khách sạn đã lựa chọn giải pháp sử dụng nước nóng năng lượng mặt trời, kết hợp với bơm nhiệt. Bơm nhiệt được nối với phần trên của bình chứa, để luôn duy trì nhiệt độ ở mức 45oC. Trong khi đó, tấm thu năng lượng mặt trời được nối với phần dưới của bình chứa và sử dụng nhiệt thu được để làm nóng nước ở phần này. Khi có nắng, nước trong toàn bình sẽ được làm nóng và bơm nhiệt sẽ ngừng hoạt động.

Do tận dụng ánh sáng mặt trời, nên bơm nhiệt thường chỉ hoạt động khi không đủ nhiệt ánh nắng, thường vào buổi tối hoặc ban đêm. Tại thời điểm này, chi phí sử dụng điện cũng thấp hơn do vào giờ thấp điểm. Ước tính, nếu đun nước trực tiếp bằng điện sẽ tiêu tốn 280 MWh/năm. Khi kết hợp với tấm thu năng lượng mặt trời có diện tích 150 m2 và bơm nhiệt thì mức tiêu thụ giảm xuống chỉ còn 50 MWh/năm, tương đương với giảm 80% lượng điện tiêu thụ.

Sử dụng vật liệu tiết kiệm năng lượng

Các loại nhiệt từ bên ngoài xâm nhập vào tòa nhà như nhiệt truyền qua cửa sổ, nhiệt bức xạ qua cửa sổ và nhiệt truyền qua tường cũng là nguyên nhân khiến hệ thống làm mát và hệ thống điều hòa trong khách sạn phải hoạt động nhiều hơn.

643b975a3_sheraton.jpg

Khách sạn Sheraton được xây dựng từ vật liệu xây dựng TKNL

Nhằm giảm thiểu nhiệt từ bên ngoài xâm nhập vào, khách sạn Sheraton Hà Nội đã xây dựng tường cách nhiệt với hiệu suất cao. Tường hướng Đông - Bắc và Tây- Nam của khách sạn được xây gồm 3 lớp: 2 lớp gạch dày 11 cm và 1 lớp thủy tinh cách nhiệt dày 5 cm với độ dẫn nhiệt khoảng 0.04 W/m.K ở giữa. Nhờ đó, chỉ số OTTV (chỉ số dùng để so sánh hiệu quả năng lượng của lớp vỏ công trình) của khách sạn tốt hơn 50% so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 09:2013/BXD.

Sử dụng các vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng đã giúp khách sạn giảm tải công suất của hệ thống làm mát, đồng thời tăng mức tiện nghi cho người sử dụng.

Bên cạnh đó, Sheraton cũng là khách sạn đi đầu trong việc lắp đặt bơm nhiệt và máy bơm biến tần cho máy bơm nước lạnh trong hệ thống điều hòa không khí. 16 biến tần đã được lắp đặt cho các động cơ khác nhau trong hệ thống điều hòa, giúp khách sạn tiết kiệm được 550 ngàn kWh điện mỗi năm, tương đương với 863 triệu đồng tiền điện.

Vườn treo thẳng đứng

Khách sạn Rex (TP. HCM) là tòa nhà có vườn treo thẳng đứng lớn nhất tại Việt Nam. Với diện tích hơn 600 m2 cùng hơn 30 loài thực vật, khu vườn treo không chỉ là công trình trang trí, tạo cảnh quan thân thiện với môi trường, mà còn là một trong những giải pháp độc đáo giúp khách sạn này tiết kiệm năng lượng.

4fa67ea2f_vuong_dung.jpg

Vườn đứng tại khách sạn Rex

Với lớp cây xanh phủ kín các bức tường, khu vườn có tác dụng như một tấm thảm tự nhiên, giúp chắn nắng, ngăn chặt nhiệt từ bên ngoài xâm nhập, giảm nhiệt độ cho tòa nhà. Ngoài ra, khách sạn còn thiết kế phần cây trồng trên mái để hạn chế truyền nhiệt xuống dưới tầm dưới.

Nhờ đó, giảm phụ tải lạnh, giúp tiết kiệm năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí. Theo tính toán của Trung tâm TKNL TP. Hồ Chí Minh, chỉ số truyền nhiệt tổng của tường là 46,41W, giảm 29,3% so với Quy chuẩn quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả. 

Thanh Xuân