Thứ bảy, 23/11/2024 | 19:25 GMT+7

Công ty CP Đông Bình tiết kiệm năng lượng để cạnh tranh

19/06/2014

Đầu tư khoảng 280 triệu đồng cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng, mỗi năm công ty Đông Bình đã tiết kiệm gần 140 triệu tiền điện. Tính ra chỉ trong 2 năm, công ty đã thu hồi được vốn đầu tư.

Mỗi năm, công ty CP Đông Bình (Bắc Ninh) tiêu thụ hơn 1,2 triệu kWh điện để sản xuất các sản phẩm dệt may xuất khẩu. Điện là nguồn năng lượng chính, được sử dụng trong chiếu sáng, chạy máy may, lò hơi điện và hệ thống quạt.  

Theo ông Trần Văn Khang, Tổng giám đốc công ty, mỗi tháng doanh nghiệp tiêu tốn khoảng 80 triệu đồng tiền điện, tăng 5% so với trước đây. Chi phí đầu vào tăng 1 đồng, giá thành sản phẩm đến tay người tiêu dùng sẽ tăng 2-3 đồng là những trăn trở đeo bám Ban lãnh đạo công ty.

5f289cc8c_dong_binh_1.jpg

Ông Trần Văn Khang, Tổng giám đốc CTCP Đông Bình

Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động tiết kiệm năng lượng (TKNL) để giảm chi phí sản xuất và tăng tính cạnh tranh, công ty Đông Bình đã tích cực triển khai các biện pháp nhằm giảm tối đa nguồn năng lượng tiêu thụ.

Trước đây, hệ thống chiếu sáng của công ty chủ yếu là bóng đèn T10 và T8. Hệ thống bóng đèn này tiêu tốn rất nhiều năng lượng, trong khi thời gian sử dụng lớn. Khi bóng đèn tiết kiệm điện T5 ra đời, công ty đã cho thay thế toàn bộ hệ thống bằng loại bóng này. 

Với vốn đầu tư khoảng 200 triệu đồng, hệ thống mới đã giúp công ty tiết kiệm đến 40% điện năng và giảm thiểu chi phí bảo dưỡng. Mỗi năm công ty tiết kiệm được 67.527 kWh điện, tương đương với hơn 110 triệu đồng.

Ngoài hệ thống chiếu sáng, công ty cũng rất chú trọng đến việc tiết kiệm điện cho hệ thống máy móc. Hơn 300 máy may của công ty đã được lắp đặt thiết bị tiết kiệm năng lượng của hãng Sewsaver. Thiết bị này giúp cho động cơ chạy trong tình trạng tối ưu nhất, nhờ đó giảm từ 20-30% điện năng. Kết quả, mỗi năm công ty tiết kiệm được 16.470 kWh điện, tương đương với hơn 27 triệu đồng.

Ngoài ra, công ty còn cho thay thế những lò hơi đốt than và gas bằng lò hơi điện. Hệ thống này được theo dõi thường xuyên và bảo trì đúng quy định để nâng cao hiệu quả sử dụng. Hiện, công ty cũng đang nghiên cứu để bố trí lại vị trí sản xuất của các bộ phận. Trong đó có việc thay đổi vị  trí sản xuất của bộ phận là. Đây là bộ phận tỏa ra nhiều nhiệt, lại được sắp xếp ở đầu gió, nên gây nóng cho toàn bộ nhà xưởng.

0674287a7_db2.jpg

Công ty Đông Bình rất chú trọng nâng cao nhận thức về TKNL cho người lao động

Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Công ty Đông Bình cũng rất chú trọng nâng cao nhận thức về TKNL cho người lao động. Ngoài việc tuyên truyền kiến thức TKNL trong các buổi họp công ty, họp tổ, họp dây chuyền, người lao động còn được nhắc nhở bằng những tấm áp phích TKNL ngay tại nơi làm việc.

Anh Hoàng Bá Lâm, tổ trưởng một dây chuyền sản xuất, cho biết: “Ngày đầu vào học việc chúng tôi đều xa lạ với những máy móc chứ chưa nói đến việc tiết kiệm điện. Bây giờ mọi chuyện đã khác, chúng tôi đã ý thức được việc tiết kiệm điện có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển của Công ty, vì nếu tiết kiệm điện thì chúng tôi cũng được thưởng, công ty được lợi vì giảm được chi phí”.

Như vậy, với tổng số vốn đầu tư khoảng 280 triệu đồng cho các giải pháp TNKL, mỗi năm công ty Đông Bình đã tiết kiệm gần 140 triệu tiền điện. Tính ra chỉ trong 2 năm, công ty đã thu hồi được vốn đầu tư. Ngoài những hiệu quả về kinh tế và năng lượng, công ty còn giảm phát thải 52 tấn khí CO2 ra ngoài môi trường. 

Hải Yến