Thứ bảy, 02/11/2024 | 02:35 GMT+7

Các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp

25/10/2013

Ninh Bình là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp khá mạnh so với các tỉnh ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.

Ninh Bình là một trong những địa phương có tốc độ phát triển công nghiệp khá mạnh so với các tỉnh ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng. Theo số liệu tổng hợp năm 2010, sản lượng điện tiêu thụ cho ngành công nghiệp – xây dựng là 741,40 GWh, chiếm 71,53% sản lượng điện của toàn tỉnh. Tại Quyết định số 4936/QĐ-BCT ngày 27-8-2012 của Bộ Công thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2011 - 2015, dự kiến sản lượng điện dùng cho ngành công nghiệp - xây dựng trong năm 2015 là 1.808,19GWh, chiếm 79,69% sản lượng điện của toàn tỉnh.

0502c9770_111_2.jpg

Dây chuyền sản xuất ắc quy tại Công ty TNHH Long Sơn (KCN Khánh Phú).

Trong những năm qua, trên địa bàn tỉnh, việc tiết kiệm năng lượng nói chung, tiết kiệm điện nói riêng đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp, cácngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhất là trong giai đoạn hiện nay nền kinh tế đang gặp rất nhiều khó khăn, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất ngày càng tăng cao nhưng giá thành sản phẩm đầu ra đang bị cạnh tranh ngày càng lớn của các sản phẩm cùng loại, do đó các doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng với số lượng lớn càng cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc thực hành tiết kiệm năng lượng để hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hoá trên thị trường tiêu thụ. Vì vậy, tiết kiệm điện năng là một trong những yếu tố quan trọng để góp phần hạ giá thành sản phẩm và góp phần giảm áp lực trong công tác điều hành cung ứng điện trong những tháng mùa khô.
Để sử dụng năng lượng nói chung và điện năng nói riêng tại doanh nghiệp một cách có hiệu quả, lâu dài, ổn định và tiết kiệm, các doanh nghiệp cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng: Giúp doanh nghiệp kiểm soát và duy trì kết quả thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, đảm bảo vấn đề quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được theo dõi thường xuyên và mang lại những kết quả lâu dài, bền vững.

2. Bố trí sản xuất hợp lý để tận dụng cơ chế điện 3 giá: Dựa vào yêu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có thể sắp xếp, bố trí lịch ngừng hoạt động một số dây chuyền sản xuất vào giờ cao điểm, tập trung hoạt động giờ thấp điểm, hoặc giảm một số phụ tải sử dụng điện hoạt động vào giờ cao điểm chuyển sang làm việc giờ thấp điểm.

3. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong hệ thống chiếu sáng: sử dụng đèn compact thay thế đèn sợi đốt, sử dụng đèn huỳnh quang T5 tại khu vực văn phòng, giảm công suất đèn cao áp từ 250W xuống 150W và 70W hoặc sử dụng đèn compact tại một số vị trí không quan trọng trong hệ thống đèn bảo vệ. Các giải pháp này sẽ tiết kiệm được điện năng tiêu thụ do công suất của đèn compact chỉ bằng 20% so với đèn sợi đốt cùng quang thông. Nhiệt độ toả ra môi trường thấp phù hợp với những văn phòng sử dụng điều hoà, máy lạnh hoặc các nhà máy, công xưởng có yêu cầu cao về tiết kiệm điện năng mà vẫn đảm bảo độ chiếu sáng và nhiệt độ môi trường làm việc, tuổi thọ cao, ứng dụng rộng rãi do dễ tháo lắp, không gây hại cho mắt, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

4. Lắp biến tần cho các động cơ công suất lớn được sử dụng hiệu quả trong các trường hợp: Điều khiển động cơ không đồng bộ công suất từ 15 đến trên 600kW với tốc độ khác nhau; điều chỉnh lưu lượng của bơm, lưu lượng không khí ở quạt ly tâm, năng suất máy, năng suất băng tải; ổn định lưu lượng, áp suất ở mức cố định trên hệ thống bơm nước, quạt gió, máy nén khí... cho dù nhu cầu sử dụng thay đổi; điều khiển quá trình khởi động và dừng chính xác động cơ trên hệ thống băng tải; biến tần công suất nhỏ từ 0,18 - 14 kW có thể sử dụng để điều khiển những máy công tác như: cưa gỗ, khuấy trộn sao chè, nâng hạ... Khi đó đã đem lại các lợi ích: Quá trình khởi động và dừng động cơ rất êm, giúp cho tuổi thọ của động cơ và các cơ cấu cơ khí dài hơn; an toàn, tiện lợi và việc bảo dưỡng cũng ít hơn do vậy đã giảm bớt số nhân công phục vụ và vận hành máy... và quan trọng nhất là tiết kiệm điện năng ở mức tối đa trong quá trình khởi động và vận hành.

5. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 nhà máy sản xuất xi măng đã đi vào sản xuất và 1 nhà máy đang chuẩn bị đi vào vận hành. Để thực hiện nghiêm Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 28-8-2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó có quy định về việc “Các dự án xi măng đầu tư mới có công suất lò nung từ 2.500 tấn clanhke/ngày trở lên, phải đầu tư ngay hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện…, phải hoàn thành đầu tư hạng mục này trước năm 2015; đối với các nhà máy xi măng có công suất dưới 2.500 tấn clanhke/ngày, khuyến khích nghiên cứu đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện”, đề nghị các nhà máy cần khẩn trương xem xét phương án triển khai đầu tư hệ thống thiết bị tận dụng nhiệt khí thải để phát điện. Hiện nay, Nhà máy sản xuất xi măng The Vissai Ninh Bình đang triển khai dự án xây dựng trạm phát điện tận dụng nhiệt khí thải để phát điện.

Theo Baoninhbinh.org.vn