Thứ năm, 26/12/2024 | 20:57 GMT+7

TKNL: Kinh nghiệm từ Công ty lương thực thực phẩm Colusa – Miliket

26/09/2013

Tiết kiệm năng lượng không chỉ đơn giản là thay thế biến tần cho máy bơm nước, điều hòa… mà còn có thể thay thế cả dây chuyền công nghệ, thiết bị sản xuất.

Tiết kiệm năng lượng (TKNL) không chỉ đơn giản là thay thế biến tần cho máy bơm nước, điều hòa… mà còn có thể thay thế cả dây chuyền công nghệ, thiết bị sản xuất... Dù là giải pháp nào cũng gây áp lực cho các doanh nghiệp mới bắt đầu thực hiện TKNL. Kinh nghiệm từ Công ty Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket là bài học về TKNL cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

E ngại do thiếu vốn

Thông thường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) bắt đầu chương trình tiết kiệm điện của mình bằng việc thay các thiết bị chiếu sáng, điều hòa, sử dụng hợp lý các thiết bị trong khu vực văn phòng và nhà máy sản xuất. Những hoạt động này không đòi hỏi nhiều chi phí đầu tư mà vẫn mang lại hiệu quả đáng kể.

Tuy nhiên, giải pháp về công nghệ vẫn là điều mà các DNVVN muốn thực hiện để tiết kiệm năng lượng một cách lâu dài. Bởi, việc sử dụng công nghệ cũ tiêu tốn rất nhiều điện năng, nhưng để đầu tư công nghệ mới thì cần nguồn vốn ban đầu khá lớn.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã loay hoay đi tìm nguồn tài chính từ các quỹ hỗ trợ Nhà nước nhưng cũng đành bỏ cuộc bởi lẽ, nguồn tín dụng cho lĩnh vực này vốn đã không nhiều lại khó tiếp cận vì thủ tục rườm rà, trong khi doanh nghiệp còn thiếu thông tin.

62992a72c_colusa23913_1.jpg

Các DNVVN cần nguồn vốn lớn để thay thế công nghệ, thiết bị máy móc cũ

Nhận thấy sự cần thiết trong việc chia sẻ, hỗ trợ các DNNVV thực hiện TKNL, Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Dự án Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DNNVV Việt Nam (PESME) đã hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính, giúp các doanh nghiệp vượt qua các rào cản về kỹ thuật, tài chính, tâm lý…

Dự án chia sẻ TKNL trong lò hơi đầu tiên được áp dụng triển khai là ở Công ty CP Lương thực Thực phẩm Colusa – Miliket. Tuy nhiên, trong thời gian đầu, nhà đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp có quy mô nhỏ đồng nghĩa với việc vốn đầu tư cho sản xuất cũng nhỏ, nên còn e ngại không dám tham gia dự án trình diễn.

Theo Ông Võ Xuân Hoàng - Phó giám đốc Công ty CP Năng lượng Hatech (đơn vị phối hợp thực hiện Dự án), những đơn vị có qui mô sản xuất nhỏ khi đầu tư, nếu không nhìn thấy những lợi ích của sự đầu tư đó, doanh nghiệp sẽ không dám làm. Vì vậy, cần phải thay đổi được nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là cấp lãnh đạo về sự cần thiết tham gia Hợp đồng chia sẻ TKNL, vì vai trò của họ đã quyết định đến 80% sự thành công của dự án.

Để thay đổi cách nhìn của doanh nghiệp, Hatech đã có những buổi thuyết trình dự án ngay tại doanh nghiệp, đồng thời đầu tư vốn để áp dụng các giải pháp TKNL và doanh nghiệp không phải chịu bất cứ rủi ro nào trong qua trình thực hiện dự án.

Kinh nghiệm từ Colusa

Ông Lưu Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket cho biết, chi phí năng lượng trong lò hơi chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi phí năng lượng ở nhà máy. Theo tính toán, mỗi năm, Colusa tiêu tốn 995.000 kWh; 2.930 tấn than; chi phí cho sử dụng năng lượng này khoảng gần 5 tỷ đồng.

3e08fbbe4_colusa239131.jpg

Bẫy hơi thế hệ cũ là nguyên nhân gây thất thoát nhiều năng lượng ở nhà máy sản xuất của Colusa

Tiêu thụ năng lượng lớn nhất trong nhà máy tập trung tại hệ thống lò hơi và phân phối hơi. Nhà máy sử dụng 2 lò hơi (1 lò 6 tấn; 1 lò 5 tấn) để phục vụ cho các công đoạn sản xuất như hấp mì, gia nhiệt dầu, chiên mì… Trong đó, 1 lò hơi đốt than hoạt động chính và 1 lò hơi đốt dầu FO để dự phòng. Riêng lò hơi đốt than, công suất 6 tấn/giờ; áp suất 10 kg/cm2. Qua quá trình đánh giá khảo sát cùng với kết quả kiểm toán thực tế cho thấy, lò hơi hoạt động chưa hiệu quả, hiệu suất lò hơi mới chỉ đạt 65%.

Từ thực trạng đó của Colusa, Công ty CP Năng lượng Hatech đã đưa ra một số giải pháp như: thay thế lắp đặt đồng hồ đo lưu lượng nước nóng nhằm kiểm soát hiệu suất lò hơi và giám sát hiệu suất hàng ngày; thay các bẩy hơi dạng phao, dạng đồng tiền bằng các bẩy hơi thế hệ mới. Hệ thống đường ống thu hồi nước ngưng chưa được bảo ôn dẫn tới thất thoát năng lượng bức xạ, làm giảm nhiệt độ của nước ngưng khi về tới bồn chứa, vì vậy, cần cải tạo bồn thu hồi nước ngưng tụ, biến tần kiểm soát oxy dư cho 2 nồi hơi…

Sau khi thực hiện lắp đặt thay thế, doanh nghiệp đã kiểm soát được năng lượng hơi, tiết kiệm 30% lượng than tiêu thụ; 60% điện năng cho nồi hơi, giá trị làm lợi khoảng 130 triệu đồng/tháng. Thành công này nằm ngoài sự mong đợi của nhà đầu tư cũng như doanh nghiệp.

Bài học từ triển khai dự án ở Colusa cho thấy, tiềm năng TKNL hơi ở các ngành công nghiệp là rất lớn. Đồng thời, các DNNVV Việt Nam cũng rất cần sự chia sẻ trong lĩnh vực TKNL không những về giải pháp mà cả về vốn để đầu tư thay thế công nghệ mới.

Ông Lưu Anh Tuấn - Phó tổng giám đốc Công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa – Miliket

"Trước đây, chi phí năng lượng là thử thách rất lớn đối với Colusa. Tuy nhiên, sau khi bắt tay thực hiện TKNL, Colussa mới nhận ra lâu nay đã bỏ sót một nguồn lợi lớn ngay chính tại doanh nghiệp mình. Hiệu quả đo được bằng con số hàng triệu đồng tiết kiệm từ nguồn năng lượng hơi, đồng nghĩa với việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh số và lợi nhuận tăng lên, đời sống, việc làm của CB-CNV ổn định".


Theo Tietkiemnangluong.vn