Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:30 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng ở các vùng nuôi tôm

16/09/2013

Công ty CP Trường Sơn chủ động tìm giải pháp để TKNL như sử dụng “con lăn” cho cánh quạt nuôi tôm.

Nuôi tôm trên cát là một trong những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với các doanh nghiệp (DN) và hộ nuôi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi thì mô hình này cũng tiêu tốn một lượng điện năng rất lớn do các DN, hộ nuôi sử dụng các thiết bị lạc hậu, không có tính năng tiết kiệm năng lượng (TKNL).

Tại vùng cát Ngũ Điền nằm trên địa bàn huyện Phong Điền hiện có 5 DN, 54 nhóm hộ và 114 hộ tham gia nuôi tôm trên cát với diện tích nuôi là 690 ha. Sản lượng trung bình mỗi vụ đạt trên 3.000 tấn. Nhu cầu sử dụng điện cũng khá lớn. Theo thống kê, hiện ở khu vực này có 108 trạm biến áp với tổng dung lượng 298,6MVA. Nuôi tôm trên cát từng bước khẳng định hiệu quả và trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Phong Điền. Riêng tại xã Phong Hải, nhiều hộ dân phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên diện tích 123,4 ha tôm, theo đó mật độ năng suất 11-12 tấn/150m2. Vụ thu hoạch năm 2012, các nhóm hộ nuôi tôm của xã Phong Hải thu được 1.300 tấn, đạt trị giá 170 tỷ đồng.
 
e7996771c_tom.jpg

Nếu thực hiện các giải pháp TKNL, các hồ nuôi tôm trên cát sẽ tiết giảm được một lượng điện năng rất lớn

Ông Trương Hoàng Công Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn công nghiệp & TKNL cho biết: “Mặc dù các mô hình nuôi tôm trên cát đạt hiệu quả kinh tế khá cao, song các DN, nhóm hộ và hộ nuôi tôm đang phát triển ồ ạt diện tích nuôi, lại không theo quy hoạch và sử dụng công nghệ mới vào sản xuất nên công suất sử dụng điện khá lớn, gây lãng phí và tăng chi phí cho các hồ nuôi. Nhằm giúp các hộ nuôi TKNL, trung tâm nghiên cứu để xây dựng một mô hình cụ thể về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho khu nuôi tôm để từ đó có thể nhân rộng mô hình”.

Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản sẽ ưu tiên nghiên cứu, chọn tạo và phổ biến các giống thủy sản chất lượng tốt, năng suất cao; cải tiến kỹ thuật nuôi nhằm tăng tỷ lệ chuyển hóa thức ăn. Mặt khác, trung tâm đưa ra giải pháp hạn chế sử dụng dư thừa thức ăn trong các hệ thống nuôi, kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi trồng thủy sản tiết kiệm nước, mở rộng các mô hình nuôi kết hợp, nuôi ghép (luân canh, đa canh - tận dụng bậc dinh dưỡng, nuôi kết hợp - trang trại kết hợp VAC). Ngoài ra, để đảm bảo việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, trung tâm nghiên cứu để áp dụng công nghệ mới trong xử lý ao nuôi theo hướng thân thiện với môi trường, đó là tận dụng thực vật thủy sản để xử lý môi trường, sử dụng công nghệ lọc tuần hoàn để hạn chế thay nước, tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió, năng lượng mặt trời trong các hệ thống nuôi.
 
Để giúp các DN và hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện Phong Điền và Quảng Điền TKNL, giảm chi phí đối với các mô hình nuôi tôm, cuối năm 2012 Trung tâm Tư vấn công nghiệp và TKNL đã hỗ trợ kiểm toán tại Công ty CP Trường Sơn. Qua quá trình triển khai thực hiện, trung tâm nghiên cứu và đưa ra 3 nhóm giải pháp với 8 giải pháp cơ bản trong việc TKNL trong các hồ nuôi tôm. Đó là nhóm giải pháp TKNL không cần chi phí đầu tư, nhóm giải pháp TKNL có yêu cầu chi phí đầu tư thấp và nhóm giải pháp TKNL có yêu cầu chi phí đầu tư cao. Để xây dựng mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, hiện trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu để đưa ra giải pháp và ứng dụng cụ thể ngay trên ao nuôi nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cũng như góp phần TKNL cho các hộ nuôi tại hai huyện Phong Điền và Quảng Điền nói riêng và Công ty CP Trường Sơn nói chung.  
 
Công ty CP Trường Sơn chủ động tìm giải pháp để TKNL như sử dụng “con lăn” cho cánh quạt nuôi tôm. Cánh quạt nuôi tôm trước đây được cố định trên các thanh cọc gỗ bằng các tấm bố nhựa đối với dàn quạt cắm cọc trên ao đất hoặc các tấm ván khoét lỗ đối với dàn quạt sử dụng phao nổi. Các thiết bị này tạo ra ma sát rất lớn trong lúc chạy quạt, do đó đòi hỏi phải sử dụng motor hoặc máy nổ công suất lớn dẫn đến chi phí điện cao. Sau khi công ty tìm hiểu nghiên cứu sử dụng con lăn cho cánh quạt nuôi tôm, toàn bộ dàn quạt nước sẽ hoạt động nhẹ nhàng hơn bởi ma sát giảm hơn 95%. Từ động cơ motor 5HP, chỉ cần sử dụng 3HP sau khi lắp thêm con lăn cho dàn quạt, từ 3HP giảm xuống 2HP. Thực hiện các giải pháp này, DN sẽ tiết kiệm được 10% lượng điện năng tiêu thụ, đồng thời tuyệt đối an toàn và không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
 
Như vậy, mặc dù chỉ thay thế một vài động cơ trong quy trình nuôi tôm ở các hồ nuôi tôm trên cát, song các DN, hộ nuôi sẽ tiết kiệm được một lượng điện năng tương đối lớn, đồng thời các động cơ này sẽ góp phần bảo vệ môi trường và giúp các DN và hộ nuôi trên địa bàn tỉnh thực hiện mục tiêu sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
 
Theo Báo Thừa Thiên Huế