Bị lệ thuộc về nguồn nguyên liệu ngoại nhập cộng với các loại thuế, phí trong quá trình sản xuất, lưu thông đang khiến sản phẩm tiết kiệm năng lượng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường.
Sản phẩm tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong thời gian qua đã được đưa vào cuộc sống, tuy nhiên các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn đang phải lệ thuộc nguồn nguyên liệu ngoại nhập. Hầu như các sản phẩm TKNL trên thị trường Việt Nam hiện nay chủ yếu là nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài về hoặc mua nguyên liệu rồi gia công, lắp ráp tại Việt Nam. Vì vậy cũng dễ hiểu khi sản phẩm TKNL trong nước đang bị lép vế so với sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm của Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
Anh Phạm Thanh Tùng, nhân viên kinh doanh Công ty TNHH Công nghệ Led Ánh Sáng Mới cho biết, trên thị trường hiện nay sản phẩm TKNL do Việt Nam sản xuất còn rất ít, ngoài lý do doanh nghiệp chưa đủ năng lực công nghệ để lắp ráp sản phẩm thì nguyên nhân chủ yếu đến từ việc phải nhập nguyên liệu. Trên thực tế, các nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm TKNL nhập từ nước ngoài có giá thành rất cao, cộng với các khoản thuế phí đi kèm khiến các doanh nghiệp chưa mặn mà với dòng sản phẩm này.
Khách hàng tham quan tại triển lãm thiết bị tiết kiệm điện và năng lượng 2013
Và đây cũng là nguyên nhân lý giải vì sao tại Hội chợ triển lãm về công nghệ sản phẩm TKNL, năng lượng xanh (Enertec Expo) và công nghệ thiết bị điện (Ete) 2013 được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vừa qua, các sản phẩm máy móc, thiết bị điện và TKNL có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài lấn át hàng nội. Đặc biệt là các sản phẩm đến từ: Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc, Malaysia, Australia, Đài Loan… với đủ các loại sản phẩm phong phú như thiết bị ứng dụng giải pháp năng lượng xanh - năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thiết bị chiếu sáng…
Ông Bùi Đức Hạnh, đến từ Công ty Megasun cho biết, hiện tại chúng ta đã có đủ khả năng để sản xuất được các sản phẩm TKNL, tuy nhiên vướng mắc ở khâu nguyên liệu đầu vào khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Bởi hầu hết người dân vẫn còn ngại giá cả cao nên chưa sử dụng các thiết bị này. “Tôi lấy ví dụ trung bình máy nước nóng bình thường có giá từ 8-10 triệu đồng thì dòng máy chạy bằng năng lượng mặt trời lại lên tới vài chục triệu, bảo làm sao người dân không e ngại” - ông Hạnh phân tích.
Theo đại diện Công ty Năng lượng mặt trời Bách Khoa (Solar BK) chuyên sản xuất các sản phẩm dùng bằng năng lượng mặt trời cho cho biết, hiện nay ở Việt Nam riêng xu hướng sử dụng sản phẩm dùng năng lượng mặt trời là rất lớn và nhu cầu cũng rất khả quan. Tại Việt Nam đã có hơn 65 doanh nghiệp sản xuất máy nước nóng năng lượng mặt trời, đèn tiết kiệm điện. Chỉ riêng tại TP Hồ Chí Minh, với số lượng hộ sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời tăng bình quân 3% mỗi năm thì dự báo đến năm 2015 sẽ có gần 423 ngàn hộ dân cư sử dụng máy nước nóng năng lượng mặt trời với tổng sản lượng điện được thay thế ước khoảng 672 triệu kWh mỗi năm.
“Dù là sản phẩm được ưu tiên sản xuất nhưng chúng tôi hầu như không nhận được ưu đãi nào trong quá trình hoạt động. Nhà máy của chúng tôi ở trong khu công nghệ cao nên các loại phí phải đóng nhiều hơn các doanh nghiệp bên ngoài, vì vậy dù có muốn chi phí sản xuất hạ xuống để giảm giá sản phẩm thì cũng không thể làm được” - anh Nguyễn Văn Trung, Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Nhật chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp còn cho rằng, chính sách cho sản phẩm TKNL hiện nay còn quá ít, chưa kích thích được doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và làm giảm tính cạnh tranh. Đơn cử là việc để có được giấy chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn TKNL thì doanh nghiệp phải trải qua rất nhiều thủ tục nhiêu khê và phức tạp. Trong khi đó, hiện chưa có quy định nào cấm doanh nghiệp tự cam kết sản phẩm của mình TKNL nên nhiều công ty thoải mái tự chứng nhận, điều này khiến cho người tiêu dùng mất niềm tin vào sản phẩm TKNL.
Xung quanh câu chuyện này, ông Trần Anh Hào - Trưởng phòng Quản lý năng lượng Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết, đa số các nhãn và thông tin về sản phẩm tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm năng lượng đều do doanh nghiệp tự công bố, không cơ quan chức năng nào kiểm định. Trong khi đó, sản phẩm được Bộ Công Thương chứng nhận TKNL thì đã nhiều năm nhưng số lượng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, quá ít so với hàng triệu sản phẩm đang bán trên thị trường.
Còn theo các doanh nghiệp, nếu Nhà nước đã ưu tiên TKNL thì cần có những chính sách hợp lý để thúc đẩy sự phát triển của các sản phẩm này. Ví dụ như có thể trợ giá cho sản phẩm tiết kiệm điện hoặc sản phẩm dùng năng lượng thay thế.
“Theo tôi được biết, hiện nay các sản phẩm TKNL thường chỉ sử dụng trong các công trình xây dựng có quy mô lớn như khách sạn, cao ốc… còn những công trình nhỏ như nhà ở, trường học, bệnh viện… thì hầu như rất ít được quan tâm, đa phần là không có. Nếu có thì cũng chỉ là sản phẩm người dân tự mua và lắp đặt nên thiếu sự đồng bộ, TKNL ít. Vì vậy chúng ta nên có quy định bắt buộc đưa sản phẩm TKNL vào trong các công trình xây dựng nhằm hướng đến việc người dân quen dần với các sản phẩm TKNL, bảo vệ môi trường” - đại diện Công ty Megasun nêu quan điểm.
Theo PetroTimes