Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:20 GMT+7

Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trương

06/07/2013

Một trong những giải pháp hướng đến sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông là đưa công nghệ lò thủy tinh không chì vào sản xuất bóng đèn.

Một trong những giải pháp hướng đến sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng, vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường của Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông là đưa công nghệ lò thủy tinh không chì vào sản xuất bóng đèn.

dfeac74fd_lo_khong_chi_17016.jpg

Lò thủy tinh không chì của Công ty CP bóng đèn phíc nước Rạng Đông

Từ năm 2007, Rạng Đông đầu tư xây dựng lò thủy tinh Soda-lime công suất 30 tấn/ngày, cho thành phẩm là thủy tinh chất lượng cao, phục vụ cho các loại ống đèn huỳnh quang. So với lò thủy tinh thông thường thì lò thuỷ tinh Sodalime giảm tiêu hao khoảng 170 – 230 lít dầu/tấn sản phẩm, tương đương 864.000 lít dầu FO/năm và mỗi năm giảm khoảng 2.300 tấn khí thải CO2 ra môi trường. Toàn bộ hệ thống lò được điều khiển tự động, có camera giám sát. Bên cạnh đó, do hệ thống phối liệu được điều khiển tự động nên sản phẩm ra đồng đều, giảm lượng ống thủy tinh hỏng; hệ thống điều khiển trung tâm có tác dụng tự điều khiển lượng dầu, gió, áp suất lò, nhiệt độ lò, đảm bảo hoạt động hiệu quả và tiết kiệm dầu, giảm chi phí vận hành…

Điểm đáng kể nhất là các sản phẩm từ lò thủy tinh Sodalime không có chì nên khi bị hỏng không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, ống thủy tinh không chì còn cho hiệu suất phát quang cao, hạn chế suy giảm quang thông, không độc hại. Ngoài ra, bóng đèn dùng ống thủy tinh không chì còn có tác dụng ngăn chặn bức xạ tử ngoại, tiết kiệm điện.

Thời gian qua, Rạng Đông đã phát triển công nghệ, tách và thu hồi tái sử dụng bột huỳnh quang 3 phổ đất hiếm ra khỏi thủy tinh ở đèn bị hỏng, thu hồi ống thủy tinh đưa lại sản xuất. Chỉ tính riêng công trình này hàng năm đã tiết kiệm cho công ty hàng chục tỉ đồng, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, sản phẩm thủy tinh không chì của Rạng Đông vừa phục vụ sản xuất trong nước, vừa xuất khẩu, không chỉ an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường mà còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho công ty.

Năm 2008, Rạng Đông tiếp tục đầu tư xây dựng lò thủy tinh không chì công suất 19 tấn/ngày, tạo ra vật liệu thủy tinh không chì sử dụng trong sản xuất bóng đèn compact chất lượng cao, sản xuất loa trụ, thay thế các loại thủy tinh chì độc hại. Trong thành phần loại thủy tinh mới này không có chì, và phản ứng thủy ngân với kiềm gây đen trong quá trình làm việc rất ít, vì thế, hiệu suất phát quang được cải thiện tốt. Không chỉ vậy, loại thủy tinh không chì này cũng chứa các nguyên tố đất hiếm như Cerium có tác dụng ngăn chặn các tia tử ngoại, giúp an toàn cho người sử dụng. Bóng đèn huỳnh quang gầy T8 được thổi từ lò thủy tinh không chì có đặc điểm là đường kính ống nhỏ, giảm 38% thể tích so với bóng đèn T10, từ đó tiết kiệm bột huỳnh quang, tiết kiệm điện, giảm phế thải, giảm tác động ô nhiễm môi trường. Bột huỳnh quang sử dụng là loại 100% bột ba phổ, cho chất lượng ánh sáng trung thực, tự nhiên hơn và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, loại bóng đèn này còn sử dụng viên thủy ngân Amalgam thay thế hơi thủy ngân giúp kiểm soát tốt lượng thủy ngân trong đèn, nâng cao chất lượng hoạt động của đèn, đồng thời không ảnh hưởng đến môi trường và dễ dàng thu hồi khi bóng hỏng.

Năm 2011, Rạng Đông lại trở thành đơn vị đầu tiên đưa hệ thống điện trợ nấu vào lò thủy tinh tại Việt Nam, nhờ đó hiệu suất hấp thụ nhiệt lên tới 90% so với 25% nếu đốt bằng dầu. Với công nghệ này, Rạng Đông đã nâng công suất của lò nấu thủy tinh lên tới 36 tấn/ngày, được chuyển thành sản phẩm nhờ 3 dây kéo ống và 2 máy thổi bóng. Hiệu quả khai thác lò tăng thêm 30%, giảm tiêu hao nhiên liệu từ 250 kg dầu FO xuống còn 145 kg dầu FO/tấn thủy tinh, lượng điện sử dụng cho nấu thủy tinh đã đạt được mức thấp hơn mức tiên tiến của thế giới là 600kWh/tấn thủy tinh. Góp phần giảm phát thải khí nhà kính 2.500 tấn CO2/năm ra môi trường. Công trình này của Rạng Đông đã được tham gia Cơ chế Phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư KYOTO về giảm phát thải khí nhà kính.

Theo Báo CôngThương