Nhà máy Giấy Bãi Bằng (Tổng công ty Giấy Việt Nam) là một tổ hợp công nghiệp khép kín sản xuất bột, giấy, điện hơi, nước, hóa chất, công suất thiết kế ban đầu là 48.000 tấn bột và 55.000 tấn giấy/năm.
Với mục tiêu sản xuất theo hướng xanh, bền vững, nhiều năm qua, Giấy Bãi Bằng luôn chủ động hoàn thiện cải tạo nâng cấp, đầu tư chiều sâu công nghệ nhằm sử dụng một cách hợp lý, hiệu quả nhất nguồn nguyên liệu trong nước, năng lượng, hóa chất và nước sạch.
Từ năm 2004, Bãi Bằng đã thực hiện giải pháp cải tạo hệ thống đối lưu và ống bộ hâm để giảm tốc độ mài mòn ống, tăng hiệu quả thu hồi bụi, tăng hiệu suất lò. Giải pháp này đã giảm tiêu hao than cho sản xuất 1 tấn hơi giảm từ 163,7 kg xuống còn 140 kg. Số lượng than tiết kiệm được là: 24.305 tấn than, đồng thời giảm tiêu thụ điện sản xuất từ 8,4 kWh/tấn hơi xuống còn 7 kWh/tấn hơi, tiết kiệm được 667,67 MWh điện. Tổng giá trị làm lợi 1.120 triệu đồng
Năm 2005, Bãi Bằng cải tiến máy nghiền bột tại phân xưởng giấy, vừa nâng cao chất lượng bột sau nghiền, tăng khả năng thoát nước và hình thành tờ giấy, tăng hiệu quả chạy máy góp phần giảm tiêu hao điện 6.858 MWh/năm, đồng thời, giảm chi phí bảo dưỡng, mua sắm thiết bị, tiết kiệm 3.222 triệu đồng.
Năm 2006, Giấy Bãi Bằng thực hiện sử dụng bộ biến tần để điều khiển tốc độ động cơ Roto lồng sóc (quạt gió và quạt khói lò) để tiết kiệm điện năng, giảm được 25% lượng tiêu thụ điện của động cơ quạt gió và quạt khói lò hơi động lực, giảm tiêu thụ điện được: 899,878 MWh, tiết kiệm 357 triệu đồng.
Năm 2007, Bãi Bằng thực hiện cải tạo chế độ vận hành các máy nén khí để tiết kiệm điện và nước cho sản xuất khí nén, khống chế được phụ tải dùng khí vệ sinh và khí công nghệ một cách nhanh chóng, chuyển đổi chế độ vận hành kể cả khi cần bảo dưỡng sửa chữa một máy nén khí nào đó. Kết quả, tiết kiệm 1.619,775 MWh điện và tiết kiệm 98.595 m3 nước làm mát cho sản xuất khí nén (tương đương 883 triệu đồng.
Để phát triển bền vững, Giấy Bãi Bằng đang
thực hiện đồng bộ các giải pháp: Thay thế dần các thiết bị cũ, kém hiệu quả,
không vận hành thiết bị trong tình trạng non tải; giảm thiểu mất nhiệt bằng
cách bảo ôn đường ống; sử dụng lò đốt đa năng, tận dụng nhiệt của các chất
rác thải công nghiệp; cải thiện chế độ công nghệ, quy trình vận hành, bảo
dưỡng máy móc, thiết bị để nâng cao hiệu suất.
|
Mấy năm gần đây, Giấy
Bãi Bằng đã đầu tư lắp tuyến ống mới để tận dụng lượng dịch đen đặc trong bể
chứa, vừa tiết kiệm được hóa chất nấu bột, vừa tiết kiệm điện hơi khi chạy lại
máy, góp phần rút ngắn thời gian giải quyết sự cố, không gây ách tắc đến dây chuyền
sản xuất, lại giảm 90% lượng khí mang mùi ra môi trường do không phải xả dịch
đen mỗi khi vệ sinh bể.
Sử dụng nước ấm thu hồi
(VVA) thay thế cho nước sạch (VKK) nhằm tăng năng suất nấu tinh bột, tiết kiệm
nước sạch VKK, tiết kiệm hơi do không phải gia nhiệt cho nước VKK từ 25 lên
45OC, tiết kiệm được thời gian để nấu tinh bột. Chuyển đổi công nghệ điện phân
màng ngăn amiang sang màng trao đổi ion ở nhà máy hóa chất, làm tăng chất lượng
các sản phẩm hóa chất sản xuất ra, hạn chế rò rỉ hóa chất ra môi trường, đồng
thời loại bỏ chất độc hại amiang ra khỏi dây chuyền.
Hệ thống xử lý nước thải vi sinh công suất thiết kế 30.000 m3/ngày, đêm đã xử lý toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất, nước thải vệ sinh, sinh hoạt đạt yêu cầu trước khi thải ra môi trường. Bụi trong khói thải được xử lý trên 96%, giảm được đến 90% lượng khí mang mùi ra môi trường . Nhiều chất thải rắn như vỏ cây, mùn cưa, xỉ than, bùn sơ cấp và thứ cấp đã được thu hồi, bán làm nguyên liệu. Hiện nay, tổng công ty đang tiến hành đầu tư mới 1 lò hơi đốt rác để xử lý triệt để nguồn chất thải rắn (vỏ cây, mùn cưa) phát sinh trong quá trình sản xuất, đồng thời sản xuất hơi công nghệ phục vụ sản xuất.
Mới đây, Giấy Bãi Bằng còn thực hiện giải pháp sử dụng ống thép có đầu nối với khí nén để phá xỉ trong buồng lò động lực, vừa góp phần vận hành lò ổn định, đáp ứng yêu cầu sản xuất, vừa cải thiện điều kiện làm việc cho người vận hành vì không phải thực hiện việc phá xỉ bằng phương pháp thủ công.
Theo ông Tạ Đức Long - trưởng phòng Kỹ Thuật - Tổng công ty Giấy Việt Nam, để đạt được hiệu quả cao trong sử dụng năng lượng, trước hết cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và công nhân vận hành phải thông hiểu phương pháp luận về kiểm toán năng lượng và nhận dạng được các cơ hội tiết kiệm năng lượng (TKNL). Đặc biệt, cán bộ quản lý phải thực sự quan tâm chỉ đạo và công nhân vận hành có ý thức hơn trong việc sử dụng TKNL. Đơn vị phải có kế hoạch TKNL hàng năm và chương trình hành động trong 5 năm. Việc TKNL được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, cần phát huy tốt phong trào áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật góp phần TKNL đạt hiệu quả cao. Có chế độ động viên khen thưởng kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có nhiều giải pháp tốt trong việc TKNL hiệu quả.
Theo Công Thương Online