Thứ bảy, 23/11/2024 | 14:14 GMT+7

“Phao” cho doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng

03/06/2013

Hệ thống QLNL theo ISO 50001 được coi là nền tảng cho hoạt động TKNL của DN tại Việt Nam.

Trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (TKNL) nói chung, nếu như hoạt động kiểm toán năng lượng đóng vai trò như việc “bắt bệnh” cho doanh nghiệp (DN) thì việc xây dựng hệ thống quản lý năng lượng (QLNL) chính là một quy trình chăm sóc sức khỏe toàn diện để DN duy trì và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Khi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt đầu có hiệu lực, các DN sản xuất, nhất là DN trọng điểm bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến vấn đề quản lý năng lượng và làm thế nào để chi phí năng lượng là thấp nhất. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng khẳng định vai trò của hệ thống quản lý năng lượng tại DN khi quy định đối tượng kinh doanh trọng điểm bắt buộc phải có hệ thống QLNL và cán bộ QLNL. 

Trong bối cảnh đó, hệ thống QLNL theo ISO 50001 được coi là nền tảng cho hoạt động TKNL của DN tại Việt Nam. Đây là hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn quốc tế và được đánh giá cao về hiệu quả thực hiện.

d691c4af3_phao.jpg
Trao chứng nhận hệ thống quản trị năng lượng ISO 500001 cho công ty Colusa - MILIKET

Đơn cử như tại công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa – MILIKET, nhằm giảm tối đa chi phí năng lượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm, hướng tới việc sử dụng hiệu quả các thiết bị tiêu thụ năng lượng, công ty đã triển khai xây dựng hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001. Việc áp dụng hệ thống quản lý năng lượng với sự tham gia từ Ban giám đốc đến các cấp quản lý và các nhân viên kỹ thuật nhằm tích cực theo dõi, tiếp cận các kỹ thuật mới, thường xuyên đề ra các sáng kiến, giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các tất cả khu vực trong toàn công ty. 

Với năng lượng chính được sử dụng là điện, dầu FO, than cám, than cục, trong năm 2012, khi bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống QLNL theo tiêu chuẩn ISO 50001, nhiều giải pháp TKNL đã được công ty triển khai như lắp đồng hồ đo điện cho từng khu vực để dễ quản lý; Thay toàn bộ bóng đèn T8 bằng T5, bảo ôn đường ống cung cấp hơi cho các dây chuyền sản xuất, tạo và bảo ôn đường ống thu hồi nước ngưng và bể thu hồi nước ngưng cho các dây chuyền sản xuất; Lắp biến tần cho động cơ quạt cấp gió và hút gió... Nhờ những giải pháp này, công ty đã tiết  giảm được 76.259 kWh điện/năm và 338 tấn than/năm. Đến nay, công ty đã hoàn thiện hệ thống, triển khai áp dụng theo đúng quy trình và được tổ chức đánh giá cấp chứng nhận hàng đầu thế giới - Bureau Veritas – chứng nhận. 

Đầu tháng 4/2013, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP. HCM (ECC-HCMC) đã tổ chức chương trình trao chứng nhận hệ thống quản lý năng lượng (QLNL) theo tiêu chuẩn ISO 50001 cho công ty CP Lương thực thực phẩm Colusa – MILIKET. Đây cũng là một trong những DN đầu tiên tại Việt Nam được cấp chứng nhận cho hệ thống QLNL theo chuẩn quốc tế này. 

Những hiệu quả mà công ty Colusa – MILIKET đạt được cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của hệ thống QLNL ISO 500001 khi được triển khai tại các DN. Trong bối cảnh sản xuất khó khăn hiện nay, hệ thống này thực sự là “phao” giúp DN đạt được mục tiêu TKNL của mình. 

Tuy nhiên, trên thực tế, tại Việt Nam, số DN có được hệ thống này hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân là do hệ thống QLNL theo ISO 50001 là một tiêu chuẩn mới (ra đời vào tháng 6 năm 2011) nên thông tin chưa nhiều, vì thế DN Việt Nam vẫn chưa có đủ nhận thức và chưa thấy được tầm quan trọng của hệ thống này. 

Bên cạnh đó, tại Việt Nam hệ thống các đơn vị tư vấn triển khai áp dụng tiêu chuẩn QLNL theo Tiêu chuẩn ISO 50001 còn rất mỏng và thiếu kinh nghiệm. Dự kiến, sẽ có nhiều nhóm tư vấn ra đời trong tương lai gần nhưng để làm được đúng nghĩa, các đơn vị tư vấn cần nâng cao chất lượng tay nghề và kinh nghiệm trong ít nhất là 10 năm nữa. Ngoài ra, hoạt động đánh giá chứng nhận ISO 50001 hiện vẫn là một hoạt động mới đối với các đơn vị đánh giá ở Việt Nam và thế giới. Tại Việt Nam, các đơn vị đánh giá cũng đã bắt nhịp và vào cuộc sớm, song vẫn còn nhiều lý do khách quan mà hoạt động này chưa được mạnh mẽ. Cho nên, cần nhiều hơn sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cũng như sự chủ động của DN trong việc phổ cập áp dụng chứng chỉ này để mang lại những hiệu quả TKNL lớn hơn nữa.

Bảo Anh