Nhằm tiết giảm chi phí trong sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường nội địa, trong những năm qua, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam - Vicem) đã thực hiện nhiều giải pháp tiết kiệm điện năng.
Với 03 dây chuyền có tổng công suất 3,5 triệu tấn xi măng/năm, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hoàng Thạch (Vicem Hoàng Thạch) đặc biệt coi trọng công tác đầu tư, áp dụng nhiều giải pháp nhằm giảm chi phí đầu vào, TKNL. Để tiết kiệm các nguồn năng lượng hiệu quả, Vicem Hoàng Thạch đã tự tiến hành kiểm toán năng lượng để đưa ra các giải pháp TKNL, lắp đặt hệ thống biến tần cho quạt công suất lớn; sử dụng hệ thống chiếu sáng tiết kiệm điện hay như khoán điện tới từng bộ phận sản xuất; Vận hành lò nung hoạt động ổn định theo đúng định mức về điện, than và dầu; cải tiến thiết bị để sử dụng nguồn than cho đốt lò; tận dụng, tái chế phế thải làm nguyên liệu cho sản xuất; tăng tỷ lệ pha phụ gia puzolan, tro xỉ nhiệt điện, xỉ hạt lò cao để giảm tỷ lệ clinker; nghiên cứu các đề tài khoa học kỹ thuật áp dụng trong sản xuất như: sử dụng than cám 3c để chạy lò, nghiên cứu đề tài "sử dụng than cám 4a Hòn Gai cho lò nung số 1 và 2" hay sử dụng xỉ lò cao cho sản xuất xi-măng bền sulfat", xây dựng các trạm tận dụng nhiệt thải lò nung để sản xuất điện... Ông Đào Ngọc Bình – Giám đốc Công ty cho biết, Vicem Hoàng Thạch đã lập dự án nghiên cứu tận dụng nhiệt khí thải để xây dựng trạm phát điện với công suất 6,5 MW nhằm TKNL, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2. Dự kiến, dự án sẽ tiến hành thực hiện trong năm 2013.
Bên cạnh nỗ lực của chuyên môn, tổ chức Công đoàn Công ty đã vào cuộc với những đợt phát động phong trào phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật hợp lý hoá sản xuất. Có nhiều sáng kiến mang lại giá trị, nổi bật là đề tài thu hồi khí thải ở lò cao Hoàng Thạch 2 để sấy than cho dây chuyền Hoàng Thạch 1, tiết kiệm được khoảng 250 lít dầu/giờ, tương đương 10 tỷ đồng/năm. Áp dụng đề tài đốt chất thải nguy hại trong lò nung clinker, mỗi năm, xử lý khoảng 40 tấn chất thải nguy hại, bảo đảm các yêu cầu về môi trường, tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng/năm.
Việc lắp đặt hệ thống biến tần cho các quạt công suất lớn đã tiết kiệm được lượng điện năng, góp phần giảm chi phí sản xuất cho Vicem Hoàng Thạch. Đối với việc triển khai, nghiên cứu và sử dụng than phẩm cấp thấp cho chạy lò để khắc phục tình trạng thiếu nguồn cung cấp than 3c và 4a; áp dụng việc sử dụng xít than cho dây chuyền Hoàng Thạch 2 và Hoàng Thạch 3 để thay thế một phần đá sét nhằm tiết kiệm bô xít và nhiên liệu trong quá trình sản xuất xi măng. Mặt khác, Vicem Hoàng Thạch rất sáng tạo khi sử dụng gió nóng lò 2 để chạy máy nghiền than K1 thay cho việc chạy lò đốt phụ để sấy than đã đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, Công ty đã nghiên cứu lắp đặt ống lồng W2A55, lắp các van đối trọng của hệ thống sấy sơ bộ, thay đổi kết cấu đuôi lò dây chuyền 2, do đó đã nâng cao năng suất thiết bị, tăng hiệu quả của lọc bụi tĩnh điện, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ngoài ra, Vicem Hoàng Thạch còn tiến hành nghiên cứu, sử dụng tro bay nhiệt điện làm phụ gia xi măng; cải tiến máy kéo dài khoang đập nhằm tăng cường khả năng đập của máy nghiền nguyên liệu R2, thay đổi cấp phối bi đạn đã góp phần đáng kể trong việc tăng năng suất, giảm tiêu hao điện năng. Mặc dù, năm 2012 được dự báo là còn nhiều khó khăn, nhưng Vicem Hoàng Thạch đặt mục tiêu thực hiện sản xuất đạt 3.075 triệu tấn (clinker), 3.725 triệu tấn xi măng, tiêu thụ 4.225 triệu tấn (xi măng và clinker), vật liệu chịu lửa 11 nghìn tấn, vỏ bao xi măng 28 triệu cái, đá xây dựng 150 nghìn m3, doanh thu đạt trên 5 nghìn tỷ đồng.
Với những nỗ lực trên, Công ty Xi măng Hoàng Thạch đã tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm. Đây chính là nền tảng quan trọng tạo nên giá trị phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.
Nguyễn Hậu (bản tin TKNL)