Thứ ba, 26/11/2024 | 11:32 GMT+7

Giải pháp tiết kiệm năng lượng cho ngành sản xuất gốm sứ

12/12/2012

Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên năng lượng đa dạng về chủng loại, nhưng không nhiều về trữ lượng.

Việt Nam là nước có nguồn tài nguyên năng lượng đa dạng về chủng loại, nhưng không nhiều về trữ lượng. Trình độ công nghệ và trình độ quản lý còn thấp, nên việc sử dụng năng lượng còn lãng phí, tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và sinh hoạt được đánh giá cao. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được xem xét như là một chính sách quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng quốc gia.

Tiết kiệm năng lượng trong sản xuất đã và đang trở thành vấn đề có tính thời sự cho tất cả doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tiết kiệm và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng không chỉ đơn thuần có ý nghĩa về mặt kinh tế, kỹ thuật mà còn có ý nghĩa về bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Đây là một vấn đề được cả thế giới quan tâm, thể hiện bằng Nghị định thư Kyoto năm 1998 về cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính và thỏa thuận của nhóm G8 vào tháng 6/2007 sẽ cắt giảm 50% khí nhà kính vào năm 2050.

1796c2e35_loga.jpg
 
Lò gas nung gốm 18m3 và buồng sấy 100m3 của Công ty TNHH Phước Nguyên Thành II

Về cấp độ vĩ mô, trong những năm qua nhà nước đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách, chương trình về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ngày 28/6/2010, Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả… Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và chương trình tiết kiệm điện năng, với mục tiêu giảm 5- 8% tổng nhu cầu năng lượng thương mại giai đoạn 2011 - 2015.

Riêng với Bình Dương, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành một số chương trình, chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, như Quyết định số 3399/QĐ-UBND ngày 31/10/2008 phê duyệt Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2009-2015. Mục tiêu tiết kiệm 5-8% tổng mức tiêu thụ năng lượng so với dự báo về phát triển năng lượng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; Quyết định số 130/QĐ-UBND ngày 13/01/2012 phê duyệt chương trình hỗ trợ kiểm toán năng lượng và thực hiện giải pháp tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2011-2015. Nội dung của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp 100% kinh phí thực hiện kiểm toán năng lượng, nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng cho một doanh nghiệp và 30% chi phí, nhưng không quá 70 triệu đồng cho một doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Trong thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị phục vụ cho kiểm toán năng lượng, nhằm thực hiện các hoạt động tư vấn, dịch vụ thiết thực cho các doanh nghiệp trong kiểm toán năng lượng, tư vấn thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đồng thời tư vấn tài chính giúp doanh nghiệp tạo nguồn vốn đầu tư công nghệ tiên tiến hiệu suất cao giảm chi phí sản xuất và tăng sức cạnh tranh. Ngoài Sở Khoa học và Công nghệ, một số sở ngành, doanh nghiệp cũng đã có đầu tư phục vụ cho việc hỗ trợ hoặc thực hiện kiểm toán năng lượng.

 762d7a7b2_upload_50b6c1c4e4e1d_123.30.74.24_h2.jpg

Hệ thống lò gas 120m3 của Công ty TNHH Phước Dũ Long

Bình Dương là vùng sản xuất gốm sứ có truyền thống lâu đời với sản lượng, giá trị xuất khẩu dẫn đầu trong cả nước. Trước đây, các cơ sở sản xuất xây lò rồng, lò bầu, nguồn nhiên liệu để đốt là than và củi, nên không đáp ứng được những chỉ tiêu về kỹ thuật của sản phẩm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Việc chuyển đổi sang công nghệ nung bằng lò con thoi đốt bằng gas lỏng LPG đã phổ biến khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới nhiều mẫu lò của nước ngoài như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Đức… đã được nhập vào tỉnh và các doanh nghiệp tự xây dựng đã cho rất nhiều kiểu khác nhau về xuất tiêu hao năng lượng, chất lượng nung đốt. Để giảm chi phí sản xuất, cần áp dụng nhiều giải pháp công nghệ để tận dụng tối đa hiệu suất của nguồn năng lượng.

Năm 1996 lò con thoi của Đài Loan được đưa vào Bình Dương. Năm 1998, lò con thoi được cải tiến qua sự tài trợ của tổ chức GTZ, Đức. Lò được thực hiện ở Bình Dương, với thiết kế mới vỏ lò được thay thế lớp cách nhiệt bằng bông gốm, nên mức tiêu hao nhiên liệu đã giảm hơn trước. Vào đầu những năm 2000, giá nhiên liệu tăng vọt làm cho các doanh nghiệp gốm sứ lao đao, gặp nhiều khó khăn. Cuộc cạnh tranh đã thúc ép việc phải tìm hiểu để tiếp tục cải tiến khâu sấy, nung nhằm giảm xuất tiêu hao nhiên liệu và có chất lượng nung cao là điều rất cần thiết.

Năng lượng được sử dụng trong công đoạn sấy và nung gốm sứ là rất lớn. Trong khi, các mẫu lò con thoi của các quốc gia khác được xây dựng ở Việt Nam, chất lượng nung chưa thật cao, nhiên liệu tiêu thụ ở mức còn lớn và không có lò nào có hệ thống thu hồi tận dụng nhiệt khói thải để đưa vào sấy sản phẩm mộc và khuôn thạch cao, lượng nhiệt hữu ích khi nung gốm sứ chỉ chiếm vào khoảng 30 - 35%, còn lại tổn thất vào môi trường theo nhiều hướng và chủ yếu là theo khói thải thoát ra ngoài.

Trong năm 2008, 2009, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Bình Dương đã triển khai dự án: Xây dựng mô hình trình diễn lò gas nung gốm sứ cải tiến, tiết kiệm nhiên liệu, tận dụng nhiệt khói thải của lò nung, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Đây là dự án được sự hỗ trợ từ Chương trình phát triển Liên hiệp quốc, Quỹ môi trường toàn cầu thông qua: Dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa đơn vị được chọn chuyển giao công nghệ là Công ty Cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng.

Dự án đã xây dựng 2 mô hình trình diễn lò gas nung gốm sứ cải tiến nhằm tiết kiệm năng lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường. Với mục tiêu xây mới 1 lò gas nung gốm sứ tiết kiệm năng lượng dung tích 18m3 và 1 buồng sấy dung tích 100m3 tận dụng nhiệt khói thải của lò nung tại Công ty TNHH gốm sứ Phước Nguyên Thành II (xã An Lập, huyện Dầu Tiếng) và cải tiến 1 lò gas có dung tích 7m3 thành lò gas tiết kiệm năng lượng tại Cơ sở sản xuất gốm sứ Phát Đạt (phường Thuận Giao, thị xã Thuận An).

Sau khi triển khai thành công 2 mô hình trình diễn này, trong năm 2010, 2011, Công ty Cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng đã được nhiều doanh nghiệp sản xuất gốm sứ trong tỉnh tín nhiệm, đặt hàng chế tạo lò với dung tích ngày càng lớn. Đến nay Công ty Cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng đã xây dựng và chuyển giao công nghệ lò nung gas cải tiến cho một số doanh nghiệp ở Bình Dương với nhiều lò nung, trong đó có Công ty TNHH Phước Dũ Long.

Trong những năm gần đây, Công ty TNHH Phước Dũ Long có lắp đặt 01 lò nung 120m3 sử dụng chất đốt là dầu kết hợp với gas. Tuy nhiên, lò này chủ yếu dùng để nung hàng bạc sánh không men và không có hiệu quả về kinh tế do hao tốn nhiêu liệu rất nhiều và nhiệt phân bố không đồng đều, từ đó đến nay chỉ đốt vài mẻ rồi ngưng hoạt động. Sau khi cải tạo lò bằng công nghệ của Công ty Cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng, theo đánh giá của Công ty TNHH Phước Dũ Long kết quả đạt 90% và công nghệ này có 02 ưu điểm, thứ nhất người thợ lửa dễ dàng vận hành lò vì loại béc mới này không cần điều chỉnh áp suất gió, thứ hai chỉ số lượng gas tiêu hao trên 1m3 sản phẩm của lò 120m3 chỉ bằng khoảng 60%so với lò 12m3 và bằng 70% so với lò 32m3 khi nung cùng một nhiêt độ và một loại sản phẩm (khi dung tích lò càng lớn thì khả năng tiết kiệm gas cao hơn so với lò có dung tích nhỏ). Đây là giải pháp để các doanh nghiệp sản xuất gốm sứ ứng dụng nhằm tiết kiệm năng lượng không chỉ giảm chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao mà còn không gây ô nhiễm môi trường, là một trong những hướng đầu tư đúng giúp cho doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế với những thách thức như hiện nay.

Theo Sở KHCN Bình Dương