Không bỏ vốn đầu tư thiết bị tiết kiệm năng lượng (TKNL) nhưng khách sạn Legend (TP Hồ Chí Minh) có thể tiết kiệm được khoảng 100 nghìn USD/năm từ chi phí TKNL. Bên cạnh đó, dự án còn giúp tiết giảm được 700 tấn CO2. Khoản tiết giảm CO2 này cũng có thể mang lại lợi ích kinh tế vì sẽ được Chính phủ Nhật Bản mua lại.
Lắp đặt thiết bị giúp tiết kiện năng lượng.
Trong hoàn cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, tái cơ cấu, sắp xếp lại nhằm tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh là giải pháp sống còn đối với mỗi doanh nghiệp (DN). Với tiềm năng tiết kiệm vào khoảng 10 – 40% tùy từng ngành nghề, năng lượng là khâu giúp tiết giảm chi phí nhanh chóng và dễ dàng nhất. Lợi ích của DN sẽ còn được tăng lên đáng kể khi DN hoàn toàn không phải bỏ một đồng vốn đầu tư nào mà vẫn thu lời tiền tỷ từ chi phí tiết giảm năng lượng thông qua hình thức kinh doanh của các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO). Mô hình của khách sạn Legend trên đây là một trong những mô hình tiêu biểu cho hình thức kinh doanh đó.
Gải pháp tiết kiệm
DN Việt Nam mặc dù có tiềm năng lớn về TKNL nhưng không dễ dàng để có thể thực hiện hiệu quả các giải pháp tiết kiệm năng lượng (TKNL) mà nguyên nhân chính là DN thiếu kiến thức và thiếu vốn. Do đó, ESCO ra đời để giải quyết tất cả những vướng mắc này. Đầu tư theo kiểu ESCO được hiểu là các công ty ESCO sẽ ứng vốn trước cho toàn bộ chi phí đầu tư của một dự án TKNL và sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận bằng việc chia sẻ khoản lợi nhuận từ TKNL do dự án mang lại với thời gian và số tiền thỏa thuận từ trước. Toàn bộ thiết bị TKNL đã được đầu tư sau thời gian chia sẻ thỏa thuận trong hợp đồng sẽ thuộc về phía khách hàng.
Tại các nước như Nhật Bản, Trung Quốc… loại hình ESCO đã phát triển và mang lại hiệu quả lớn cho DN. Ở Việt Nam, các mô hình ESCO đã manh nha hình thành từ nhiều năm trước. Theo ông Vũ Xuân Hoàng - Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ Năng lượng Hatech: “Thị trường tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả của Việt Nam hiện vô cùng rộng lớn và tiềm năng TKNL tại các doanh nghiệp còn rất nhiều”. Theo đó, một trong những công ty đầu tiên nhận được sự tư vấn của Hatech cho các giải pháp TKNL là Công ty CP Lương thực thực phẩm COLUSA - MILIKET. Với khoản đầu tư 328 triệu đồng cho hệ thống hơi giúp TKNL, sau bốn tháng, dự án hoàn thiện, số tiền tiết kiệm được là 130 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, từ đầu dự án, công ty COLUSA – MILIKET không phải trả chi phí mà chỉ khi dự án kết thúc, công ty mới phải hoàn trả tiền vốn và tiền dịch vụ cho công ty Hatech bằng chính khoản tiền thu được từ phần tiết giảm năng lượng của mình.
Lợi nhiều hơn từ cơ chế hợp tác Việt – Nhật
Hình thức đầu tư như công ty Hatech hiện nay khá nhiều, tuy nhiên, mỗi ESCO này chỉ tập trung vào một vài dịch vụ như kiểm toán năng lượng, đầu tư TKNL cho hệ thống hơi, hệ thống nhiệt… Do đó, các giải pháp thực hiện TKNL chưa hệ thống, bài bản và hiệu quả TKNL thu được chưa cao. Theo đó, để hỗ trợ cho Việt Nam, năm 2010, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai chương trình hỗ trợ phát triển thị trường ESCO. Công ty CP Tư vấn và Đầu tư Năng lượng Việt (Viet ESCO) chính thức ra đời vào tháng 2-2012 chính là thành quả của cơ chế hợp tác này. Khác với các ESCO khác là chỉ thực hiện một hoặc một vài giải pháp TKNL, Viet ESCO có thể thực hiện các giải pháp TKNL trọn gói cho các DN (từ kiểm toán năng lượng đến triển khai đầu tư các giải pháp, thiết bị hạ tầng…). Viet ESCO cũng có thể ứng vốn đầu tư trước cho DN toàn bộ các chi phí cho dự án TKNL và sẽ thu hồi vốn và lợi nhuận dựa trên việc chia sẻ khoản lợi ích từ TKNL của DN do dự án mang lại trong thời gian nhất định và số tiền do hai bên thỏa thuận trước. Toàn bộ số tiền và thiết bị TKNL sau thời gian chia sẻ thỏa thuận trong hợp đồng sẽ thuộc về DN.
Cụ thể hơn, để hỗ trợ khách sạn Legend thực hiện các giải pháp TKNL, dự án TKNL tại đây đã được triển khai thực hiện với các giải pháp tập trung vào khâu quản trị năng lượng và các thiết bị sử dụng năng lượng. Ông Satoshi Nakamura – Tư vấn cao cấp Tập đoàn Mitsubishi UFJ Morgan Stanley – một trong những đơn vị Nhật Bản phối hợp với Viet ESCO thực hiện dự án này cho biết: Tại khách sạn này, để TKNL, chúng tôi đã áp dụng hệ thống quản trị năng lượng BEMS, hệ thống bơm nhiệt, vòi hoa sen tiết kiệm nước… Dự kiến, những giải pháp này sẽ giúp khách sạn tiết kiệm được khoảng 100 nghìn USD/năm từ chi phí TKNL. Bên cạnh đó, dự án còn giúp tiết giảm được 700 tấn CO¬2. Khoản CO2 tiết giảm được này cũng sẽ mang lại lợi nhuận bởi sẽ được Chính phủ Nhật Bản mua lại. Đặc biệt, mức đầu tư khoảng 400 nghìn USD cho dự án này được chi trả hoàn toàn bởi công ty Viet ESCO. Lợi nhuận từ năng lượng tiết kiệm được sau khi áp dụng các giải pháp TKNL sẽ được chia đều cho Viet ESCO và khách sạn. Sau khi Viet ESCO thu lại được chi phí đầu tư ban đầu cùng một số lãi nhất định, toàn bộ thiết bị sau dự án sẽ thuộc về khách sạn. Cũng theo ông Satoshi Nakamura: Thành công từ dự án Legend sẽ là “bàn đạp” để DN Nhật Bản đề xuất lên Chính phủ Nhật Bản mở ra một cơ chế mới, rộng hơn và mang lại lợi ích lớn hơn cho các DN Việt Nam, đó là cơ chế bù đắp tín dụng song phương (BOCM). Ông Shigenori Hara - Giám đốc Văn phòng Công nghệ và Đối tác môi trường toàn cầu - Bộ Kinh tế và Công Thương Nhật Bản (METI) cho biết: “BOCM là một khoản tín dụng bù đắp song phương với tiêu chí hai bên đều có lợi. Nó hỗ trợ cho DN Việt Nam có thể có cơ chế tín dụng, còn DN Nhật Bản có thể đạt được những mục tiêu kinh doanh của mình”. BOCM được thực hiện với hình thức phía Nhật Bản sẽ cho DN Việt Nam vay tiền để thực hiện các hoạt động TKNL như ứng dụng các công nghệ tiên tiến, TKNL và có hàm lượng phát thải cacbon thấp. Cụ thể hơn, với dự án TKNL tại khách sạn Legend, để thu hồi vốn, Viet ESCO phải mất khoảng năm năm thì nếu nhận được hỗ trợ BOCM với mức 30 – 40% tổng giá trị đầu tư (dự kiến) thì dự án chỉ mất khoảng ba năm để thu hồi vốn.
Để đủ điều kiện để có thể được hưởng cơ chế BOCM, đầu tiên, các DN phải đặt ra tiêu chí cắt giảm CO2; Thứ hai là họ phải trình ra được phương pháp luận, các giải pháp để làm sao cam đoan cắt giảm được lượng CO2 đó và phương pháp đó phải được công nhận bởi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản thì mới chính thức được nhận hỗ trợ từ BOCM. Dự kiến, khoảng 30 tòa nhà, khách sạn tại Việt Nam sẽ được chọn để tham gia cơ chế này trong năm 2013.
Mặc dù là một hình thức kinh doanh khá mới mẻ những thiết nghĩ, trong hoàn cảnh kinh doanh khó khăn như hiện nay, sự ra đời của hình thức ESCO có thể xem là một trong những giải pháp “cứu cánh” cho DN trong việc tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, từ đó hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Theo Nhân dân