Thứ bảy, 02/11/2024 | 04:34 GMT+7

Giải pháp tiết kiệm năng lượng trong sản xuất thép

27/10/2012

Ngành thép là một trong những ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, nhiên liệu ở quy mô lớn. Công nghệ luyện phôi thép hiện nay chủ yếu là lò điện, công suất thấp, lạc hậu nên hiệu suất tiêu hao năng lượng rất cao.

Ngành thép là một trong những ngành công nghiệp sử dụng năng lượng, nhiên liệu ở quy mô lớn. Công nghệ luyện phôi thép hiện nay chủ yếu là lò điện, công suất thấp, lạc hậu nên hiệu suất tiêu hao năng lượng rất cao. Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có 65 dự án sản xuất gang thép có công suất từ 100.000 tấn mỗi năm trở lên. Mặc dù các nhà máy thép mới sử dụng chưa tới 50% công suất thiết kế nhưng hằng năm tiêu thụ khoảng 3,5 tỷ kWh điện.  
Với một số nước tiên tiến như Nhật Bản, điện năng tiêu thụ cho 1 tấn phôi thép thành phẩm chỉ khoảng 350 - 400 kWh, trong khi đó Việt Nam phải cần đến 700 kWh. Nếu không có biện pháp cụ thể giảm chi phí sản xuất mà trước tiên là giảm chi phí năng lượng ngành thép, Việt Nam khó có thể cạnh tranh trên thị trường. Các nhà máy sản xuất thép trong nước có mức tiêu hao năng lượng cao, chủ yếu là do công nghệ, việc áp dụng những công nghệ tiên tiến cho các nhà máy thép tại Việt Nam cũng bị hạn chế do các lò gang đều có công suất nhỏ hơn 300 tấn.

Bên cạnh đó, các nhà máy cán thép có công suất thấp và sử dụng thiết bị lạc hậu đã khiến chênh lệch mức tiêu hao đối với cán thép của các nhà máy này so với những nhà máy hiện đại ở mức 30%. Năng lượng chính trong sản xuất thép là điện và than. Trong quá trình sản xuất, một lượng khí thải và bụi khá lớn với nhiệt độ rất cao bao gồm khí thải trực tiếp từ lò điện hồ quang và lò thùng tinh luyện, khí thải do vận chuyển và nạp liệu, rót thép, đúc thép, khói do chế biến xỉ làm ô nhiễm môi trường, lãng phí năng lượng, lãng phí nguồn tài nguyên và giảm hiệu quả sản xuất.

ea49e4558_thep.bmp

Công ty thép Việt Nhật

Một số giải pháp phổ biến đã được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp sản xuất thép để sử dụng năng lượng hiệu quả và giảm thiểu ô nhiễm môi trường:

Tận dụng nhiệt thải: Tận dụng nhiệt khói lò từ (nhiệt khói thải ra khỏi lò điện hồ quang, lò luyện, lò nung…) để gia nhiệt sơ bộ cho thép vụn trước khi cho vào lò hồ quang, nhằm làm giảm thời gian hồ quang, tiết kiệm điện và tăng năng suất lò. Tận dụng nhiệt khói lò từ (nhiệt khói thải ra khỏi lò điện hồ quang, lò luyện, lò nung…) để gia nhiệt cho thép thỏi trước khi vào lò nung nhằm tiết kiệm dầu cho lò nung. Tận dụng nhiệt khói từ (nhiệt khói thải ra khỏi lò điện hồ quang, lò luyện, lò nung…) để gia nhiệt cho dầu thay cho các điện trở sấy nhằm giảm tiêu thụ điện.

Động cơ: Sử dụng động cơ có công suất phù hợp cho từng thiết bị trên dây chuyển sản xuất. Lắp bến tần, Powerboss cho các động cơ hoạt động trong tình trạng non tải hay tải thường xuyên thay đổi.

Trong chiếu sáng: Tận dụng ánh sáng tự nhiên trong sản xuất và sinh hoạt. Sử dụng các bóng đèn có hiệu suất chiếu sáng cao như Compact, huỳnh quang T5, T8. Bố trí bóng đèn, công tắc hợp lý, đảm bảo nhu cầu chiếu sáng và tiết kiệm điện năng.

Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng: Lắp đặt đồng hồ đo đếm cho các khu vực, áp dụng định mức tiêu thụ năng lượng cho các bộ phận sản xuất, tăng cường ý thức tiết kiệm năng lượng và áp dụng chính sách thưởng phạt cho người lao động

Trong những năm gần đây, nhiều công ty thép trên thế giới đã tận dụng nhiệt thải của lò luyện thép và cán thép để phát điện, tự cung cấp gần 30% nhu cầu điện để tái sản xuất, đồng thời đã góp phần quan trọng, giảm thiểu khí thải gây hiệu ứng nhà kính, gây ô nhiễm môi trường, là giải pháp tối ưu.

Tại Việt Nam, nhiều đơn vị đã áp dụng thành công các giải pháp nêu trên, tạo nên hiệu quả rõ rệt trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm thiểu ô nhiễm môi trường...

Thúy Hằng st