Với một thị trường tiêu thụ điện và sử dụng còn kém hiệu quả như tại Việt Nam hiện nay, cơ hội càng lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiết kiệm năng lượng. Đây chính là tâm điểm thu hút các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, các nhà tư vấn quốc tế và kinh doanh hàng đầu.
Hệ thống pin mặt trời do Solar-BK triển khai tại khách sạn Rex.
Rex được xem là một trong những điển hình thành công về tiết kiệm năng lượng và một trong ít doanh nghiệp Việt Nam đạt danh hiệu “Khách sạn xanh”. Tại lễ công bố chương trình hợp tác triển khai thí điểm mô hình tiết kiệm năng lượng theo dịch vụ (ESCO) tuần rồi, giám đốc Tào Văn Nghệ cho biết Rex đã tiết giảm hơn 70% chi phí điện năng tiêu thụ trong ba năm qua.
Một thành công cụ thể
“Bên cạnh tiêu chí bảo vệ môi trường thì còn yếu tố thương hiệu và gia tăng lợi nhuận công ty”, ông Nghệ cho biết. Theo số liệu kinh doanh của khách sạn Rex, trong tổng doanh thu 258 tỉ đồng của năm 2009, chi phí tiền điện là 12,8 tỉ. Trong hai năm sau đó Rex đưa thêm các khu mới vào hoạt động, lần lượt lắp đặt hai hệ thống máy nước nóng năng lượng mặt trời năm 2010 và 2011. Tổng doanh thu năm 2010 là 298 tỉ đồng, chi phí tiền điện là 12,6 tỉ; doanh thu năm 2011 tăng vọt lên 410 tỉ thì chi tiền điện 16,4 tỉ; riêng chín tháng năm 2012, doanh thu 273 tỉ đồng, chi phí năng lượng là 12,3 tỉ đồng, dù giai đoạn này giá điện tăng liên tục. Riêng tiền điện cho hệ thống máy nước nóng năm 2009 là 1,1 tỉ đồng, thì hiện Rex chỉ trả 300 triệu, trong khi giá điện hiện tăng khoảng 30% so với năm 2009.
Những thành công của Rex được xem là kinh nghiệm quý đối với các nhà cung cấp tham gia mô hình công ty dịch vụ năng lượng (ESCO – Energy Service Company Organizetion) sắp tới. Ngành điện mỗi năm đòi hỏi tăng trưởng gấp đôi so với GDP, trong khi mức bình quân trên thế giới là 1% GDP tăng trưởng thì chỉ tăng 1,2 – 1,5% điện năng. Nguyên nhân lớn nhất là do sử dụng năng lượng không hiệu quả trong khi các mô hình tiết kiệm điện chưa được quan tâm nhiều. Các rào cản khác còn do thiếu kinh nghiệm, e ngại rủi ro về vốn và kỹ thuật… Mô hình ESCO được đề cập từ nhiều năm nay nhưng thiếu cơ chế, thiếu các tiền lệ thị trường và các khó khăn ở tập quán kinh doanh.
Vẫn còn quá mới
ESCO cụ thể là mô hình kinh doanh trên hiệu quả năng lượng tiết kiệm được mà doanh nghiệp không cần bỏ vốn đầu tư và hai bên cùng nhau chia sẻ lợi ích. ESCO sẽ đầu tư toàn bộ dự án (từ vốn, giải pháp, triển khai, quản lý…) cho khách hàng, hai bên sẽ ăn chia theo tỷ lệ thoả thuận dựa trên mức năng lượng tiết kiệm được với các cam kết rõ ràng trên dự án đầu tư. Một cách khác là nếu doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư, ESCO cam kết bảo lãnh hiệu quả mang lại, kiểm toán năng lượng và bảo đảm về mức năng lượng tiết kiệm được.
Sau thời gian thu hồi vốn theo tính toán ban đầu, doanh nghiệp sẽ sở hữu toàn bộ hệ thống ESCO đã đầu tư và cả khoản tiết kiệm được nhờ hệ thống mang lại. Vế lý thuyết, ước tính một dự án ứng dụng mô hình ESCO có thể tiết kiệm đến 70 % điện năng, hiệu quả lớn hơn là doanh nghiệp giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống, trong khi tính an toàn cho người sử dụng cao hơn và giảm thiểu phát thải bảo vệ môi trường.
Suy cho cùng ESCO là mô hình thuê ngoài dịch vụ năng lượng và là cơ hội để doanh nghiệp cải tiến hệ thống, đáp ứng các tiêu chí mới về năng lượng cho việc kinh doanh lâu dài. Nhưng mô hình này vẫn còn khá mới mẻ, các lợi ích về giải pháp còn chờ được chứng minh trong thực tế để hình thành một thị trường tiết kiệm năng lượng thật sự, chứ không chỉ từ các dự án đơn lẻ. Và vì thị trường còn mới mới mẻ nên càng đòi hỏi những định chế rõ ràng, từ quan hệ đầu tư đến cơ chế phân chia, phương pháp thẩm định, năng lực cung ứng dự án, kể cả năng lực hấp thu dự án của khách hàng.
Một số doanh nghiệp bắt đầu bước chân vào thị trường này Solar-BK, Kasati Esco, RCEE NIRAS, Viet Esoco thuộc trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM… bên cạnh sự quan tâm của các tổ chức quốc tế như công ty tài chính quốc tế IFC – ngân hàng Thế giới (WB), quỹ EuroAid và Uỷ ban châu Âu, các đầu tư liên kết giữa các công ty và ngân hàng Nhật…
Solar-BK
triển khai mô hình ESCO cho mười khách sạn
Bộ Công thương quyết định giao công ty Solar-BK triển khai thí
điểm Chương trình mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng năm 2012. Theo đó
Solar-BK đầu tư lắp đặt hệ thống nước nóng mặt trời quy mô công nghiệp theo
mô hình ESCO tại mười khách sạn là thành viên của hiệp hội Khách sạn Việt
Nam. Nếu mười dự án ESCO này thành công như tính toán, với dung tích trung
bình 15.000 lít nước ở nhiệt độ đun nóng đến 600C và hệ số tiết kiệm điện
trung bình 65% thì lượng điện năng tiết kiệm được hơn 2.000MWh, giảm hàng
trăm tấn CO2 phát thải hàng năm.
Năm 2011, Solar-BK đã triển khai hệ thống thiết bị nước nóng sử
dụng năng lượng mặt trời quy mô công nghiệp cho 15 khách sạn và cơ sở công
nghiệp phía Nam. Trung bình các dự án tiết kiệm 65% chi phí điện năng. Mô
hình ESCO-Solar-BK sử dụng phương án giám sát hiệu quả điện năng hàng tháng
dựa vào hệ thống điều khiển thông minh tích hợp, giám sát và thu thập dữ liệu
từ xa (SCADA), trên nền tủ BlogiK điều khiển và vận hành hệ thống.
|