Thứ tư, 24/04/2024 | 22:06 GMT+7

Khi điện lực bắt tay doanh nghiệp để ... tiết kiệm điện

25/06/2012

Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp cùng các doanh nghiệp (DN), các cơ sở sản xuất tại đơn vị bố trí lại thời gian sản xuất, ca kíp hợp lý để tiết kiệm điện (TKĐ), giảm giá thành chi phí

Những năm gần đây, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phối hợp cùng các doanh nghiệp (DN), các cơ sở sản xuất tại đơn vị bố trí lại thời gian sản xuất, ca kíp hợp lý để tiết kiệm điện (TKĐ), giảm giá thành chi phí…
 
d1c60d1a9_quang_nam.jpg
Chuyền May 3 là bộ phận tiết kiệm điện điển hình của Công ty May Hòa Thọ (Quảng Nam)

Đẩy mạnh tuyên truyền

Hiện nay, tại Quảng Nam các DN lắp đặt thiết bị TKĐ chưa nhiều. Để mọi người dân, DN cùng chung tay sử dụng TKĐ, PC Quảng Nam cần tăng cường vận động cũng như có giải pháp hỗ trợ để các DN lắp đặt thiết bị TKĐ.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Giám đốc PC Quảng Nam, TKĐ và tiết giảm điện là hai mặt của vấn đề giảm mức tiêu thụ điện nhưng hoàn toàn khác nhau về bản chất. Tiết giảm điện là giải pháp tình thế, còn TKĐ mang lại hiệu quả và lợi ích lâu dài cho khách hàng.

Ngay từ đầu năm, PC Quảng Nam đã phối hợp với Sở Công Thương tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị, DN đóng trên địa bàn nghiêm chỉnh thực hiện việc TKĐ; kiểm tra, lập kế hoạch, phổ biến các nội dung TKĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền sử dụng các bóng đèn TKĐ, kiểm tra liên ngành đối với các đối tượng sử dụng điện như chiếu sáng công cộng, khách sạn, nhà hàng, cơ quan, công sở…

PC Quảng Nam cũng đã làm việc và vận động các khách hàng lớn (khách hàng sử dụng trên 100.000kWh/tháng, sắp xếp lại thời gian sản xuất một cách hợp lý, giảm 10% sản lượng điện tiêu thụ; làm việc với các phòng chức năng các huyện, thành phố về quản lý đô thị để nghiêm túc thực hiện TKĐ theo Chỉ thị 171/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và theo cam kết với ngành điện. Thông qua các đợt kiểm tra, đã có những kiến nghị, yêu cầu để các đối tượng này đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm TKĐ, hạn chế sử dụng điện vào giờ cao điểm.

Khi tiết kiệm điện trở thành chiến lược

Một trong những DN điển hình về sử dụng điện tiết kiệm là Công ty May Hòa Thọ - Điện Bàn. Công ty áp dụng hàng loạt giải pháp như bố trí lại giờ làm việc để tránh giờ cao điểm, phát động công nhân phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời giảm thời gian sử dụng điện của các thiết bị. Công ty đã đầu tư hàng trăm triệu đồng lắp đặt toàn bộ máy may hiện đại, tự động ngắt điện khi ngừng việc; thay quạt điện bằng hệ thống hơi nước làm mát, hút bụi trong các phân xưởng; chuyển hàng chục bàn là sang dùng hơi nước nóng; lắp mới toàn bộ bóng tuýp gầy TKĐ.

Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Giám đốc Công ty May Hòa Thọ - Điện Bàn, để TKĐ hiệu quả, lãnh đạo công ty đã xây dựng phương án, bỏ vốn đầu tư; đồng thời gắn trách nhiệm, quyền lợi của người lao động với chủ trương này. “Chúng tôi dựa vào tổ chức Công đoàn phát động thi đua thực hành tiết kiệm, giáo dục phong cách và tạo thói quen văn hóa sử dụng điện. Đến thời điểm này, ý thức TKĐ đã được nâng cao, công nhân sẽ không bật đèn khi đủ ánh sáng tự nhiên; thấy đèn sáng không hợp lý thì tắt đi; khi không làm việc hoặc ngừng máy thì cắt điện. Ngay cả giờ ăn, giờ nghỉ giữa ca cũng được bố trí lệch pha so với giờ cao điểm để tránh việc dùng điện sinh hoạt phải trả giá điện cao” – ông Dũng nói.

Đối với Công ty CP Đồng Tâm (Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc), để TKĐ, công ty thay thế 600 bóng đèn sợi đốt bằng 300 bóng đèn compact; dùng thông gió tự nhiên thay 3 máy nén làm lạnh bằng điện; điều hòa bằng hệ thống hơi nước, tận dụng hơi nóng thải ra từ lò nung để sấy sản phẩm thô. Bằng cách này, công ty tiết kiệm hơn 15% lượng điện.

Ông Huỳnh Văn Thanh, Giám đốc công ty cho biết: “Qua kiểm toán, chúng tôi phân tích xây dựng định mức sử dụng điện cho mỗi công đoạn, đồng thời mời chuyên gia nước ngoài kiểm tra, đánh giá toàn bộ hoạt động của đơn vị mới thấy việc sử dụng điện như vậy là hợp lý, hết sức tiết kiệm”.

Còn với Công ty May Tuấn Đạt (Cụm công nghiệp Trường Xuân, Tam Kỳ), TKĐ luôn xác định là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển của DN. Theo ông Trần Hữu Doãn - Chủ tịch HĐQT công ty, là DN may chuyên gia công  các mặt hàng quần áo xuất khẩu nên hệ thống chiếu sáng và hệ thống lò hơi để phục vụ sản xuất tiêu thụ nhiều năng lượng nhất. Vì vậy, ngay khi xây dựng nhà xưởng, công ty đã thiết kế kiến trúc nhà xưởng, văn phòng theo hướng tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, lắp công tắc riêng cho từng đèn hoặc từng khu vực để có thể chủ động tắt khi cần thiết (đủ sáng hay ngừng việc).

Bên cạnh đó, công ty lựa chọn đầu tư hàng loạt máy cắt, máy may có hiệu suất cao, phù hợp với điều kiện DN và TKĐ, đồng thời nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Riêng về nhiên liệu, chất lượng nhiên liệu đầu vào phải được kiểm soát chặt chẽ. Công ty cũng bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý, chuyên môn hóa từng vị trí để thuận lợi cho công nhân dây chuyền trong quá trình sản xuất. Việc tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường luôn được phổ biến, tuyên truyền hàng ngày tại từng tổ sản xuất, kèm theo quy chế thưởng phạt rõ ràng.

Đặc biệt, công ty đã tận dụng nhiệt từ lò hơi dùng cho hệ thống làm hơi để nấu ăn cho cán bộ, nhân viên. Giải pháp này không chỉ tiết kiệm một lượng than củi rất lớn mà còn đảm bảo vệ sinh trong chế biến thực phẩm cho cán bộ, nhân viên lao động. Cũng theo ông Doãn, việc TKĐ là cả một chiến lược, phải thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh chứ không phải chỉ thực hiện vào lúc thiếu điện.

Trong 5 tháng đầu năm 2012, PC Quảng Nam đã tiết kiệm được 3,5 triệu kWh, đạt 102,2% so với kế hoạch, trong đó có 8.109kWh tiết kiệm được qua thực hiện tắt điện trong chiến dịch Giờ Trái đất. Để có kết quả trên, PC Quảng Nam đã đưa nội dung tuyên truyền TKĐ vào chương trình hội nghị khách hàng, phát 10.000 tờ rơi tuyên truyền TKĐ; đồng thời, tổ chức tuyên truyền bằng xe loa cổ động và đưa tin trên báo, đài địa phương...

Theo: Báo Quảng Nam