Thứ sáu, 01/11/2024 | 17:25 GMT+7

Nhiều tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong ngành giấy

07/05/2012

Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Tổng công ty giấy Việt Nam đã có nhiều biện pháp quản lý và công nghệ, từng bước nâng cao hiệu suất năng lượng.

Được đánh giá là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, tuy nhiên với dây chuyền thiết bị lạc hậu, sản xuất quy mô nhỏ, ngành giấy cũng là ngành có mức tiêu thụ năng lượng lớn, gây ô nhiễm môi trường cao. Để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, Tổng công ty giấy Việt Nam đã có nhiều biện pháp quản lý và công nghệ, từng bước nâng cao hiệu suất năng lượng.

Công nghệ lạc hậu

Theo khảo sát, đánh giá của Tổng công ty giấy Việt Nam,  chi phí năng lượng trong sản xuất giấy và bột giấy chiếm đến 20 -30 % chi phí sản xuất. Công nghệ lạc hậu, thô sơ, manh mún và nhỏ lẻ, mức độ tự động hóa còn thấp chính là nguyên nhân gây tổn hao nguyên, nhiên liệu trong sản xuất giấy. Theo đó, chi phí hóa chất, năng lượng và nước cho sản xuất giấy và bột giấy của các nhà máy là rất lớn.

2c98a142e_giay_3.jpg

Trong sản xuất giấy tại các doanh nghiệp Việt Nam,
chi phí điện năng chiếm 7 -12% giá thành sản phẩm


Ông Tạ Đức Long, Tổng công ty giấy Việt Nam cho biết, với công nghệ như trên, nhìn chung chất lượng giấy của Việt Nam còn hạn chế, chủ yếu chỉ đáp ứng được nhu cầu nội địa. Tỷ lệ xuất khẩu các loại giấy của Việt Nam rất thấp. Các loại giấy chất lượng cao hầu hết phải nhập khẩu.

Cũng theo số liệu thống kế của Tổng công ty giấy Việt Nam, mức độ tiêu thụ điện, hơi nước của ngành giấy Việt Nam đều cao hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năng lượng được sử dụng chủ yếu là điện, than, dầu DO và dầu FO. Các dạng năng lượng này chủ yếu dùng chạy động cơ, đốt lò hơi, sấy sản phẩm và gia nhiệt.

Còn theo thống kê của Hiệp hội giấy Việt Nam, trong sản xuất giấy tại các doanh nghiệp Việt Nam, chi phí nhiên liệu của giá thành sản phẩm chiếm 6 -9%, chi phí điện năng chiếm 7 -12%. Với khoảng trên 400 doanh nghiệp sản xuất giấy, có tốc độ tăng trưởng ngành đạt 15 -16%, nhu cầu năng lượng cho ngành giấy sẽ tăng rất nhanh trong các năm tới.

Còn nhiều tiềm năng

Tại hội thảo với chủ đề tiết kiệm năng lượng trong sản xuất công nghiệp mới đây được tổ chức tại Hà Nội, ông Long nhấn mạnh, cơ hội giảm chi phí sản xuất thông qua sử dụng hiệu quả năng lượng trong ngành công nghiệp giấy là rất lớn. Nhiều năm nay, tại Tổng công ty giấy Việt Nam các giải pháp này đã và đang được triển khai có hiệu quả. Tiết kiệm năng lượng không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang lại tác động giảm ô nhiễm môi trường rõ rệt, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động và môi trường quanh nhà máy.

833ad01da_giay_2.jpg

Các cơ hội tiết kiệm năng lượng trong sản xuất giấy tập trung chủ yếu là giảm tiêu thụ điện và than.


Các cơ hội tiết kiệm năng lượng trong sản xuất giấy tập trung chủ yếu là giảm tiêu thụ điện và than. Cụ thể, những giải pháp được nêu ra là thay thế dần các thiết bị cũ, kém hiệu quả, phát huy công suất thiết bị, không vận hành thiết bị trong tình trạng non tải. Giảm thiểu nhiệt mất mát bằng cách bảo ôn đường ống. Sử dụng lò đốt đa năng, tận dụng nhiệt của các chất rác thải công nghiệp sinh hơi công nghệ.

Bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật, các doanh nghiệp cần tăng cường giải pháp quản lý nội vi tận dụng lại các nguồn nhiệt thải từ các công đoạn như: thu hồi nhiệt từ khói thải của lò hơi để làm nóng nước cấp cho sản xuất hơi, tận dụng gió nóng thải ra từ các chụp sấy để gia nhiệt cho không khí. Với hệ thống chiếu sáng cần kiểm soát việc chiếu sáng hợp lý tại các khu vực sản xuất…

Ông Long đưa ra những hướng dẫn cụ thể về các biện pháp giảm tiêu thụ điện tại một nhà máy sản xuất giấy và bột giấy bao gồm: Bố trí mặt bằng nhà xưởng hợp lý, giảm tối đa cự ly tải điện; Tránh dùng các máy bơm quá lớn, quạt quá lớn, chọn lựa thiết bị có hiệu suất cao, chọn lựa thiết bị có nhiều chế độ làm việc; Không sử dụng bằng chuyền thay cho biện pháp thổi; Sử dụng có hiệu quả hệ thống chiếu sáng, hệ thống nén; Hạn chế chạy máy không tải; Tắt các thiết bị khi không cần thiết.

Năm 2004, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã bắt đầu thực hiện tiết kiệm năng lượng. Từ những giải pháp đơn giản về quản lý đến những giải pháp về kỹ thuật, đòi hỏi đầu tư lớn, mỗi năm Tổng công ty tiết kiệm hàng tỷ đồng chi phí sản xuất. Cụ thể, năm 2004, với giải pháp cải tạo hệ thống đối lưu và ống bộ hâm, tổng công ty tiết kiệm được trên 1 tỷ đồng. Năm 2005, giải pháp cải tiến máy nghiền bột tại phân xường giấy đem lại cho nhà máy khoản lợi ích trê 3 tỷ đồng. Những năm tiếp theo nhà máy liên tục có những giải pháp đem lại hiệu quả cao như cải tạo chế độ vận hành các máy nén khí để tiết kiệm điện và nước cho sản xuất khí nén; Sử dụng bộ biến tần tiết kiệm điện năng; …

Trần Liễu