Thứ sáu, 01/11/2024 | 23:27 GMT+7

Tạo dựng thương hiệu xanh nhờ tiết kiệm năng lượng

02/12/2011

Với những giải pháp đồng loạt và hệ thống, mức tiêu thụ năng lượng của Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội đã giảm khoảng 10-20% so với định mức chung của Tổng công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (SABECO)

Với những giải pháp đồng loạt và hệ thống, mức tiêu thụ năng lượng của Công ty CP Bia Sài Gòn - Hà Nội đã giảm khoảng 10-20% so với định mức chung của Tổng công ty Bia - Rượu - NGK Sài Gòn (SABECO). Đây cũng chính là một trong những điển hình của Hà Nội về thực hiện các giải pháp TKNL. Phóng viên Bản tin TKNL đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Biên - Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật về vấn đề này.

Nguyên nhân nào đã khiến Công ty thực hiện các giải pháp TKNL, vốn đòi hỏi suất đầu tư tương đối lớn mà hiệu quả lại về lâu dài, trong khi với một doanh nghiệp, lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu, thưa ông?

Công ty CP Bia Sài Gòn – Hà Nội, trực thuộc SABECO có công suất 90 triệu lít bia/năm với sản phẩm chính là bia 333. Tôi cho rằng TKNL không đơn thuần là các giải pháp phải đầu tư vốn lớn mà ít lợi nhuận. Thậm chí, đây chính là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh, uy tín trên thị trường. Do vậy, ngay từ khi mới bắt đầu xây dựng, Công ty đã chủ động đề ra các kế hoạch nhằm áp dụng nhiều giải pháp TKNL từ đơn giản như nâng cao ý thức sản xuất cho công nhân đến phức tạp, đòi hỏi đầu tư lớn như trang bị công nghệ hiện đại cho sản xuất. Thực tế cho thấy, những giải pháp TKNL dù đơn giản hay phức tạp đều mang lại những lợi nhuận không nhỏ cho Công ty.

Lợi nhuận từ các giải pháp đòi hỏi suất đầu tư lớn thì có thể dễ dàng hiểu được. Còn lợi nhuận lớn từ những giải pháp đơn giản mang lại là gì, thưa ông?

Ngay từ khi bắt đầu đưa nhà máy đi vào sản xuất, Công ty đã đề ra những thông số tối ưu và áp dụng triệt để các giải pháp để đạt được các thông số tối ưu đó. Đầu tiên, Công ty chú trọng vào việc làm sao nâng cao được ý thức của anh em công nhân trong sản xuất, nhằm tiết kiệm các nguyên liệu đầu vào như than, điện, nước.

Cụ thể, ngay từ những khâu đơn giản như lau rửa nhà máy, do thói quen, đầu tiên công nhân thường sử dụng nước để lau rửa sàn nhà. Tuy nhiên giải pháp này lại gây mất vệ sinh khi đi lại, chưa kể việc phát sinh một lượng lớn nước thải. Chính vì vậy, thay vì sử dụng nước để lau, công nhân đã sử dụng giải pháp lau khô, từ đó nền nhà xưởng luôn sạch ráo, tiết kiệm nước và giảm một lượng nước lớn thải ra môi trường.

19d7d59b1_bia.jpg

Hệ thống lò hơi được chạy hoàn toàn bắng khí gas từ bể lên men yếm khí của hệ thống xử lý nước thải

Một giải pháp TKNL đơn giản khác mà bất cứ một doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện là cải thiện hệ thống chiếu sáng. Trước đây, ở các khu nhà xưởng, hành lang hay khuôn viên của nhà máy thường được chiếu sáng bằng đèn cao áp. Hệ thống này mặc dù chiếu sáng tương đối tốt nhưng “ngốn” điện khủng khiếp. Chưa kể việc khi có điện lại sau khi mất điện đột ngột thì phải mất khoảng 10-15 phút sau đèn mới sáng lại, rất mất thời gian và ảnh hưởng đến sản xuất. Vì vậy, Công ty đã quyết định thay thế hệ thống đèn cao áp trong nhà xưởng bằng đèn huỳnh quang T8. Hệ thống này có thể đáp ứng được yêu cầu chiếu sáng ở toàn bộ khu nhà xưởng mà công suất tiêu thụ điện chỉ bằng 1/10 so với đèn cao áp. Mới đây, hệ thống đèn cao áp ở hành lang, khuôn viên cũng được thay thế hoàn toàn bằng đèn pha, không chỉ giúp chiếu sáng hiệu quả mà còn rất đẹp. Đặc biệt, thay vì phải sử dụng khoảng 24 đèn cao áp cho chiếu sáng hàng lang và khuôn viên thì khi thay sang đèn pha, số lượng bóng đèn phải sử dụng chỉ bằng một nửa, lượng điện tiêu thụ chỉ bằng 20% so với hệ thống cũ.

Ngoài các giải pháp đơn giản đó, những giải pháp phức tạp hơn như đầu tư công nghệ đã được áp dụng như thế nào và hiệu quả mang lại ra sao, thưa ông?

Sau khi thấy được những hiệu quả mà các giải pháp đơn giản đã đạt được, Công ty quyết tâm đầu tư mạnh tay hơn cho trang thiết bị công nghệ. Cụ thể, tất cả các thiết bị sử dụng điện của Công ty đều được lắp biến tần để giảm lượng điện năng tiêu thụ.

7e7f71d67_bia_sai_gon_ha_noi_2.jpg

Một trong những thiết bị tiêu tốn nhiều điện năng nhất trong quá trình nấu bia là nồi đun hoa. Do vậy, đây chính là thiết bị mấu chốt được áp dụng các giải pháp TKNL. Cụ thể, Công ty đã đầu tư một bộ gia nhiệt nhằm tận dụng hơi bốc ra từ nồi hoa khi dịch bia sôi để quay lại gia nhiệt dịch mới, giúp giảm thiểu một lượng dầu lớn để đun sôi dịch bia. Bên cạnh đó, trong quá trình trao đổi nhiệt, lượng nước ngưng rất nhiều. Thay vì thải bỏ lượng nước đó đi, Công ty đã tận dụng lại chuyển về cho lò hơi, vừa làm giảm lượng tiêu thụ dầu để đun nóng lò hơi, vừa tiết kiệm nước đáng kể. Do vậy, thay vì phải xây dựng một hệ thống nước riêng để cung cấp cho lò hơi như trước đây, lượng nước ngưng này đủ để cung cấp cho lò hơi. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có 3 nhà máy bia có bộ phận này và nhiều đơn vị đã đến Công ty chúng tôi để học tập mô hình này.

Một giải pháp TKNL mà chúng tôi thường gọi đùa là “đặc sản” của nhà máy chính là tận dụng gas từ hệ thống xử lý nước thải. Cụ thể, nước thải sau quá trình sản xuất trước khi đưa vào xử lý sẽ có 1 công đoạn là lên men yếm khí, tạo ra khí gas. Bình thường, các nhà máy sẽ xử lý lượng khí gas này bằng cách đốt bỏ vì khí gas thường có mùi rất khó chịu khi xả ra môi trường. Điều này vừa gây ảnh hưởng đến môi trường, vừa gây lãng phí. Do vậy, Công ty đã gom lại lượng khí gas này, cho vào bình chứa để tận dụng đốt lò hơi, tạo thành hơi nước, sử dụng để gia nhiệt nồi nấu và thanh trùng lon chai. Toàn bộ khí gas này đủ cho lò hơi nhà máy hoạt động 24/24h và thay thế được khoảng 10% tổng tiêu thụ than, dầu của nhà máy.

Sau những giải pháp đầu tư bài bản như vậy, hiệu quả TKNL mang lại như thế nào, thưa ông?


Sau những giải pháp đó, lượng tiêu hao nguyên nhiên liệu của Công ty đã giảm khoảng 10-20% so với định mức chung toàn Tổng công ty đề ra (định mức chung này đã được điều chỉnh giảm 10% so với định mức toàn ngành sản xuất bia). Cụ thể, lượng dầu FO được sử dụng là 30,05kg/1000 lít (định mức chung của Tổng công ty là 33kg); Tiêu thụ điện 108 kWh/1000 lít (định mức chung là 110kWh); Tiêu thụ nước là 5,1 m3/1000 lít (định mức chung là 6,2 m3). Về giá trị kinh tế, mỗi năm, Công ty tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng từ việc giảm tiêu hao nhiên liệu đầu vào.

Trong quá trình triển khai, đâu là những khó khăn mà Công ty gặp phải, thưa ông?

Cái khó nhất là chúng tôi là không có kiến thức. Các giải pháp TKNL được triển khai hoàn toàn là do từ kinh nghiệm của bản thân Công ty thu được sau quá trình tiến hành sản xuất, nói nôm na là “vấp” ở đâu thì sửa ở đấy, thấy cái gì hay hay thì mình làm, chứ thực ra lúc đầu, các giải pháp không được thực hiện một cách hệ thống, nên hiệu quả thu được chưa phải là cao nhất. Bên cạnh đó, vốn cũng là trở ngại. Bởi đây hoàn toàn là các giải pháp Công ty tự bỏ vốn ra đầu tư nên phải đầu tư dần dần. Hạng mục đầu tư đèn pha cho chiếu sáng khuôn viên Công ty chính là hạng mục cuối cùng. Dự kiến, sau khi hoàn thành, lượng điện năng tiêu thụ sẽ giảm nhiều hơn nữa. Công ty đang đề ra mục tiêu cuối năm nay sẽ đạt mức giảm khoảng 30% tiêu hao nhiên liệu so với định mức chung của Tổng công ty.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Phương