Thứ bảy, 23/11/2024 | 02:50 GMT+7

Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo hướng đến phát triển bền vững

26/08/2011

Tiềm năng về phát triển NLTT tại Việt Nam là rất lớn với các dự án về phong điện, điện mặt trời, địa nhiệt, khí sinh học, sinh khối và nhất là giá thành sản xuất đang ngày càng giảm sẽ là điều kiện thuận lợi cho nước ta phát triển NLTT tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng phục vụ phát triển bền vững và một nền công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường cũng như tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực canh tranh cho doanh nghiệp, hướng đến nền kinh tế xanh, năng lượng xanh, việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT), sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được chú trọng và đẩy mạnh thực hiện.

2f16c146c_news_272.jpg

Tiến sĩ Hoàng Tiến Dũng - Viện trưởng Viện Năng lượng Bộ Công Thương, cho biết, phát triển NLTT là hết sức cần thiết. Phát triển NLTT là phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết việc làm cho người lao động hướng đến phát triển bền vững, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu… Tiềm năng về phát triển NLTT tại Việt Nam là rất lớn với các dự án về phong điện, điện mặt trời, địa nhiệt, khí sinh học, sinh khối và nhất là giá thành sản xuất đang ngày càng giảm sẽ là điều kiện thuận lợi cho nước ta phát triển NLTT tạo phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tại TP.HCM, trong Quy hoạch phát triển điện lực TP.HCM giai đoạn đến năm 2015, có xét đến 2020 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt, TP.HCM sẽ thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo từ rác, gió và điện mặt trời, để vừa sản xuất điện năng, vừa giải quyết các vấn đề môi trường.

Theo Chiến lược phát triển NLTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đang trình Chính phủ phê duyệt thì cần phát triển và sử dụng nguồn NLTT độc lập nhằm đáp ứng mục tiêu điện khí hóa; Đầu tư phát triển các nhà máy phát điện tái tạo nối lưới; Khuyến khích và phát triển sử dụng các nguồn NLTT để cung cấp nhiệt năng; Đẩy mạnh việc phát triển và sử dụng các dạng nhiên liệu sinh học; Phát triển mạnh mẽ thị trường công nghệ NLTT, ngành công nghiệp sản xuất máy móc thiết bị và cung cấp dịch vụ trong nước; Tăng cường tiềm lực cho nghiên cứu, phát triển chuyển giao và ứng dụng các dạng NLTT, đặc biệt là các dạng công nghệ năng lượng mới,… Bên cạnh đó, trong mục tiêu của Tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn 2030 và kế hoạch phát triển điện từ các nguồn NLTT, ưu tiên phát triển nguồn điện tái tạo, tăng tỷ lệ điện tái tạo trong cơ cấu sản xuất điện đạt 4,5% vào năm 2020 và 6% năm 2030. Tỷ trọng công suất các nguồn điện NLTT đến năm 2020 là 5,6% và 9,4% vào năm 2030…

Trong bối cảnh đó, nhiều DN đã thể hiện chủ ý tham gia vào thị trường NLTT nước ta, nhất là điện gió. Ông Nguyễn Xuân Thắng - Giám đốc toàn quốc GE Energy Việt Nam, thuộc GE Energy, cho biết, so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, vùng biển Việt Nam được xem là nơi có luồng gió tốt nhất để phát triển các dự án năng lượng gió, đặc biệt là ở khu vực miền Trung. Với thuận lợi này, GE Energy mong muốn sẽ đầu tư vào các dự án phát triển năng lượng gió tại Việt Nam thông qua việc hợp tác góp vốn với các chủ đầu tư có dự án tốt tại Việt Nam, đồng thời, GE cũng nhìn thấy cơ hội cung cấp các thiết bị cho các dự án phát triển điện gió tại đây.

Đồng thời, để hướng đến sự phát triển bền vững và nâng cao sức cạnh tranh cho DN nói riêng và nền kinh tế - xã hội của đất nước nói chung cần xây dựng những mô hình phát triển bền vững sử dụng NLTT thông qua việc liên kết, trao đổi kinh nghiệm phát triển từ những quốc gia điển hình trên thế giới. Ông Nguyễn Đức Vinh - Trung tâm Swedish Centec Vietnam, cho biết, Việt Nam cần học hỏi mô hình thành phố bền vững Symbio City của Thụy Điển trong việc phát triển bền vững thông qua việc sử dụng các nguồn NLTT và bền vững thân thiện với môi trường. Hiện, Trung tâm Swedish Centec Vietnam đã tiến hành triển khai mô hình này tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thái Nguyên và dự kiến triển khai tại Bình Định, Đà Nẵng, TP.HCM, Vũng Tàu,…

Nếu thành công trong mô hình này tại Việt Nam sẽ góp phần đưa các đô thị phát triển bền vững, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ sạch và NLTT góp phần thiết thực vào việc tăng cường lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam, cho khu vực tư nhân hướng đến việc tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Bên cạnh nhiều chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ cho sự phát triển NLTT tại Việt Nam trong thời gian qua, để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng gió, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2011/QĐ/TTg  ngày  29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam. Đây được xem là hành lang pháp lý thiết thực thúc đẩy phát triển năng lượng gió tại nước ta.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển NLTT hướng đến phát triển bền vững thì Việt Nam cần tập trung đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, trang thiết bị công nghệ để khai thác có hiệu quả tiềm năng NLTT, đồng thời cần nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp nhằm thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào phát triển thị trường NLTT và năng lượng mới tại Việt Nam trong tương lai.

Theo Báo Kinh tế VN