Thứ bảy, 23/11/2024 | 22:35 GMT+7

“Kiến trúc xanh” ở Côn Đảo

26/08/2011

“Kiến trúc xanh” đang ngày càng được đề cập đến nhiều ở Việt Nam. Nhưng có một thực tế là vẫn còn rất nhiều người nhìn các công trình kiến trúc xanh như một món hàng xa xỉ, vì chi phí đầu tư ban đầu cho một công trình kiến trúc xanh có thể cao hơn một công trình bình thường hai đến ba lần

“Kiến trúc xanh” đang ngày càng được đề cập đến nhiều ở Việt Nam. Nhưng có một thực tế là vẫn còn rất nhiều người nhìn các công trình kiến trúc xanh như một món hàng xa xỉ, vì chi phí đầu tư ban đầu cho một công trình kiến trúc xanh có thể cao hơn một công trình bình thường hai đến ba lần, do những yêu cầu về mặt vật liệu và thiết bị để có thể xây dựng và khai thác công trình một cách hiệu quả nhất.

Trong khi đó, hiệu quả chỉ có thể nhận thấy sau một thời gian dài sử dụng, chứ không phải là một cái gì đó có thể thấy ngay trước mắt. Vậy nhận định đó đúng hay sai? Kiến trúc xanh có phải chỉ dành riêng cho những người lắm tiền nhiều của?

Khu sinh hoạt cộng đồng tổ chức theo mô hình khu chợ nông thôn Việt Nam với những gian hàng có vách ngăn bằng các cửa sổ cũ. Vật liệu hoàn thiện gỗ, tre, đá… được mang về từ các miền đất nước.

Nghiên cứu một cách cụ thể những mục tiêu của “kiến trúc xanh” cho thấy nếu bỏ qua những yếu tố về công nghệ khoa học mà đi kèm là những vật liệu xây dựng tiên tiến, thì về cơ bản, những mục tiêu mà “kiến trúc xanh” hướng tới rất gần với những giá trị của kiến trúc truyền thống Việt Nam: sự hoà hợp với môi trường xung quanh, sự thoải mái cho người sử dụng, sử dụng vật liệu địa phương...

Một trong những ví dụ tiêu biểu cho nhận định này là khu villa nghỉ dưỡng Six Senses Hideaway ở Côn Đảo. Công trình này được xây dựng hướng tới những mục tiêu của “kiến trúc xanh” như đã nêu ở trên, nhưng có sự điều chỉnh cho phù hợp với mội trường khí hậu của Việt Nam. Ngôi nhà truyền thống của Việt Nam thường quay về “hướng nam” (lấy vợ đàn bà, làm nhà hướng nam). Trên cùng quan điểm đó, toàn bộ các villa tại khu nghỉ dưỡng Six Senses đều quay ra biển, vừa để đón gió, vừa để khai thác tầm nhìn ra đại dương bao la.

59a4143dc_kientrucxanh03.jpg

Thực chất thì khi quay ra biển để đón gió, các villa này đã quay về hướng đông bắc, do đó mặt trước của các villa (vốn là những mảng kính rộng để tạo tầm nhìn tối đa ra biển) chịu tác động trực tiếp của mặt trời trước 12 giờ. Các kiến trúc sư đã xử lý bằng cách đưa phần mái nhà vươn rất dài ra phía trước, giúp cho toàn bộ mặt kính phía trước nằm trong vùng bóng mát che phủ, qua đó giúp cho không gian bên trong nhà không bị tích tụ hơi nóng từ bức xạ của mặt trời, đồng thời vẫn đảm bảo được cường độ ánh sáng tự nhiên cho không gian bên trong này. Do đó, nhu cầu sử dụng máy điều hoà trong các villa chỉ thực sự cần thiết vào khoảng giữa trưa, khi nhiệt độ ngoài trời vào khoảng 35 – 36 độ.

Phía trước của các villa, những hàng dừa với thân cao vút, giúp cho gió không bị cản lại, trong khi vẫn tạo bóng mát cho khoảng sân phía trước khi mặt trời đứng bóng. Phía sau là một khoảng vườn nhỏ trồng rất nhiều chuối, loại cây thân thấp và có lá to để hạn chế tác động của nắng phía tây vào buổi chiều. Hình ảnh này gợi lại hình ảnh của ngôi nhà truyền thống “phía trước trồng cau, phía sau trồng chuối” vẫn gặp trong ca dao tục ngữ Việt Nam.

 1c381b8f7_kientrucxanh02.jpg

Những mái hiên dài, tạo bóng mát cho công trình

Phía trước của ngôi nhà truyền thống thường có cái ao rất rộng để khi gió thổi qua khu vực này sẽ lấy hơi ẩm của mặt nước và đem vào nhà. Tương tự như vậy, phía trước các villa của Six Senses cũng là các mặt nước để tạo độ ẩm cho gió. Khác biệt là ở chỗ nếu như trong ngôi nhà truyền thống, mặt nước là ao để nuôi cá, thì ở các villa này, mặt nước là các hồ bơi để du khách thả mình thư giãn trong nắng và gió của Biển Đông.

Toàn bộ các villa ở Six Senses đều có vật liệu hoàn thiện là gỗ, đá tự nhiên được đưa về từ các miền trong cả nước. Một điểm độc đáo là các kiến trúc sư đã sử dụng các cánh cửa và cửa sổ lấy từ các ngôi nhà truyền thống ở miền Trung để ghép lại thành các vách ngăn cho các gian hàng xung quanh khu vực sinh hoạt cộng đồng của khu nghỉ dưỡng, được xây dựng theo mô hình của khu chợ truyền thống của nông thôn Việt Nam.

Hệ thống mái dốc của các villa cũng tạo điều kiện cho việc thu nước mưa từ mái và sử dụng làm nước tưới tiêu cho các khu vườn trong khu nghỉ dưỡng. Các phương tiện đi lại trong khu nghỉ dưỡng là xe đạp hoặc xe điện, hoàn toàn không có các phương tiện sử dụng xăng dầu.

c5b0d76da_kientrucxanh05.jpg

Điều nuối tiếc ở đây là tại nơi có nguồn nắng và gió gần như vô tận này, không thấy sự hiện diện của các tấm pin năng lượng mặt trời, của các quạt gió có thể chuyển năng lượng của gió thành điện năng, của một hệ thống lọc và xử lý nước để lượng nước mưa thu được có thể sử dụng làm nước sinh hoạt…

Điều đó thực chất là một trở ngại chung cho việc xây dựng các công trình “kiến trúc xanh” ở Việt Nam khi đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn. Nhưng những phân tích ở trên đã cho thấy rằng, vẫn có thể xây dựng “kiến trúc xanh” ở Việt Nam, dù rằng vẫn chưa thể đạt đến mức độ “xanh” tuyệt đối, bởi vì những yếu tố cơ bản nhất để tạo ra một công trình “kiến trúc xanh” trong bối cảnh Việt Nam thực chất đã nằm ngay trong tiềm thức của mỗi con người chúng ta.

Làm sao để có thể xác định một cách cụ thể như thế nào là “kiến trúc xanh”?

Năm 2004, sau một thời gian dài nghiên cứu và tổng hợp, chính phủ Pháp đưa ra cho công chúng 14 mục tiêu của công trình “kiến trúc xanh” - HQE (Haute qualité environnementale). Các mục tiêu này được chia ra thành bốn nhóm:

Nhóm 1: xây dựng công trình

– Sự hoà hợp của công trình với bối cảnh xung quanh, cả về mặt tự nhiên và xã hội.
– Sự lựa chọn hợp lý về phương thức và vật liệu xây dựng đối với từng vùng, từng địa điểm, ưu tiên sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương, vật liệu có khả năng tái sử dụng, vật liệu không tiêu tốn nhiều năng lượng trong quá trình sản xuất.
– Công trường xây dựng sạch, không gây ảnh hưởng đến đời sống người dân lân cận.

Nhóm 2: khai thác công trình

– Giảm thiểu việc tiêu thụ năng lượng: hạn chế lượng nhiệt thất thoát ra bên ngoài, hạn chế sự trao đổi nhiệt trong và ngoài công trình, sử dụng các nguồn năng lượng có khả năng tái tạo...
– Giảm thiểu việc tiêu thụ nước: sử dụng các thiết bị vệ sinh tiết kiệm nước, có hệ thống thu, lọc và tái sử dụng nước mưa, hệ thống lọc nước thải.
– Giảm thiểu lượng rác thải trong quá trình sinh hoạt, có sự phân loại rác thải ngay từ đầu để tạo thuận lợi cho quá trình tái chế và tái sử dụng.
– Giảm thiểu chi phí bảo trì và sửa chữa công trình bằng cách tạo điều kiện dễ dàng thuận lợi cho việc bảo trì và sữa chữa ngay từ khâu thiết kế.

Nhóm 3: sự thoải mái cho người sử dụng


– Kiểm soát nhiệt độ bên trong công trình để duy trì nhiệt độ cân bằng cho cả mùa hè và mùa đông.
– Kiểm soát độ ồn trong công trình.
– Đảm bảo ánh sáng tự nhiên trong công trình, cùng với việc sử dụng hệ thống chiếu sáng nhân tạo một cách hiệu quả nhất.
– Kiểm soát và xử lý mùi trong công trình: đảm bảo sự thông gió một cách hiệu quả cho công trình, có biện pháp ngăn chặn các nguồn khí ô nhiễm.

Nhóm 4: sức khoẻ của người sử dụng

– Sự thông thoáng và sạch sẽ của không gian trong công trình: có ánh sáng tự nhiên, có luồng khí vào và ra...
– Chất lượng nước sử dụng trong công trình.
– Chất lượng không khí trong công trình.

Những mục tiêu trên có thể giúp định ra một khái niệm sơ bộ về một công trình “kiến trúc xanh”: giảm thiểu tác động của công trình đến môi trường xung quanh trong cả quá trình xây dựng cũng như sử dụng, sử dụng năng lượng và nguồn nước một cách hiệu quả, đem đến cho người sử dụng cảm giác thoải mái, có biện pháp đảm bảo các vấn đề liên quan đến sức khoẻ của người sử dụng.

ThS.KTS Đỗ Đăng Khoa