Thứ bảy, 21/12/2024 | 20:47 GMT+7

Kiểm toán năng lượng xí nghiệp cấp nước Dĩ An- Bình Dương

12/07/2011

Với 2 phương án khả thi, xí nghiệp cấp nước Dĩ An có cơ hội tiết kiệm chi phí năng lượng khoảng 2,8 tỷ đồng mỗi năm, thời gian hoàn vốn chỉ khoảng 1 năm. Từ kết quả này nhà máy đang lên kế hoạch triển khai tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương dưới sự ủy nhiệm của Văn phòng tiết kiệm năng lượng- Bộ Công Thương đã tiến hành thực hiện kiểm toán năng lượng đối với xí nghiệp cấp nước Dĩ An.

b9ffdfcfb_di_an_3.jpg

Thực hiện các phương án tiết kiệm năng lượng xí nghiệp có cơ hội tiết kiệm khoảng 2,8 tỷ đồng/năm

Với 2 phương án khả thi, xí nghiệp cấp nước Dĩ An có cơ hội tiết kiệm chi phí năng lượng khoảng 2,8 tỷ đồng mỗi năm, thời gian hoàn vốn chỉ khoảng 1 năm. Từ kết quả này nhà máy đang lên kế hoạch triển khai tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

Xí nghiệp cấp nước Dĩ An trực thuộc công ty TNHH MTV Cấp thoát nước môi trường Bình Dương chuyên sản xuất nước sạch. Mặc dù thiết bị và dây chuyền được trang bị tương đối tốt song với năng lực sản xuất khoảng 23 triệu m3 nước sạch/năm, năng lượng tiêu thụ tại nhà máy vẫn khá cao. Số liệu thống kê năm 2009 cho thấy, nhà máy tiêu thụ hết 5,2 triệu Kwh điện năng và trên 33 nghìn lít dầu. Trung bình mỗi tháng chi phí điện năng của nhà máy là 464 triệu đồng. Khu vực tiêu thụ lớn tập trung chủ yếu ở hệ thống sản xuất với xấp xỉ 95%.

Sử dụng hệ thống chiếu sáng hiệu quả


Mặc dù chỉ chiếm 2% tổng năng lượng tiêu thụ của toàn nhà máy song hệ thống chiếu sáng tại đây cũng có tiềm năng tiết kiệm chi phí đáng kể. Hiện tại, qua quan sát của nhóm kiểm toán năng lượng đèn chiếu sáng xí nghiệp đang sử dụng bao gồm đèn huỳnh quang công suất T10-40W tăng pô điện từ 180 bóng; đèn compact 36W 50 bóng và đèn cao áp 250W 6 bóng.

5d5676cd4_di_an_1.jpg

Sản xuất nước uống đóng chai  tại Xí nghiệp Cấp nước Dĩ An

Anh Phan Văn Công, chuyên viên Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương phân tích, loại bóng đèn T10-40W là công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng đang được khuyến khích chuyển sang sử dụng chủng loại T8-36W có độ sáng tương đương nhưng tiêu thụ điện năng thấp hơn. Thêm vào đó, các bộ chấn lưu sắt từ tổn thất nhiều điện năng (10-12W/ballast) cũng nên thay thế bằng ballast điện tử chỉ tiêu thụ chưa đến 4W. Thực hiện thay thế cả bóng đèn và ballast điện tử sẽ giúp xí nghiệp tiết kiệm được 30% điện năng tiêu thụ cho cả hệ thống chiếu sáng.

Với 180  bóng T10-40W đang sử dụng, tiến hành thay thế xí nghiệp sẽ cần đầu tư 8,6triệu đồng, mỗi năm tiết kiệm khoảng 8,4 triệu đồng. Như vậy chỉ 13 tháng xí nghiệp đã thu hồi được đầu tư ban đầu.

Lắp biến tần cho hệ thống bơm nước sạch

Hiện tại Xí nghiệp cấp nước Dĩ An đang sử dụng 8 động cơ không đồng bộ 3 pha công suất 132kW và 3 động cơ không đồng bộ 3 pha công suất 160kW. Tất cả các máy bơm đều khống chế lưu lượng ngõ ra theo yêu cầu của khách hàng sử dụng và khống chế lưu lượng khoảng 60-90% lưu lượng cực đại nên điện năng tiêu thụ rất lớn.

6c96d1efc_di_an2.jpg

Hệ thống bơm nước sạch có tiềm năng tiết kiệm năng lượng rất lớn


Trước thực tế đó, các chuyên gia đã đề xuất doanh nghiệp giải pháp lắp đặt hệ thống biến tần thay thế phương pháp điều khiển ON/OFF.Cách làm này không chỉ đem lại lợi ích tiết kiệm năng lượng lớn mà còn có khả năng bảo vệ động cơ, giúp điều chỉnh lưu lượng dễ dàng, chính xác.

Hệ thống bơm nước sạch công suất 160 kW, trước khi lắp biến tần công suẩt tiêu thụ là 1,4 triệu Kwh. Lắp đặt biến tần thử nghiệm cho thấy, công suất tiêu thụ chỉ còn 1,1 triệu KWh. Mỗi năm sản lượng tiết kiệm sẽ khoảng 280 nghìn Kwh tương đương 300 triệu đồng. Như vậy với 3 động cơ đang sử dụng, mỗi năm nhà máy tiềm năng tiết kiệm chi phí năng lượng sẽ khoảng 900 triệu đồng.

Tính toán tương tự với hệ thống bơm nước sạch công suất 132kW cho thấy, mỗi năm nhà máy cũng có thể tiết kiệm khoảng 227 nghìn KWh/động cơ tương đương 240 triệu đồng. Với 6 động cơ, ước tính nhà máy sẽ tiết kiệm gần 1,5 tỷ đồng/năm.

Tổng hợp các phương án đề xuất, nhà máy cần đầu tư khoảng 2,9 tỷ đồng, lợi ích mang lại hàng năm tương đương 2,81 tỷ đồng. Như vậy, thời gian hoàn vốn cho các dự án tiết kiệm năng lượng khoảng 1 năm.

Ông Trần Chiến Công, giám đốc xí nghiệp cho hay “Bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh, vấn đề quy hoạch sử dụng năng lượng hợp lý đang được ban lãnh đạo nhà máy rất chú trọng. Bằng chứng là nhà máy có được sự đầu tư hệ thống trang thiết bị tốt, hoàn chỉnh, đội ngũ nhân viên kỹ thuật vận hành nhiều kinh nghiệm. Trong thời gian tới nhà máy sẽ thực hiện triển khai sớm các giải pháp tiết kiệm năng lượng nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất”.

Hùng Phong