Thứ sáu, 22/11/2024 | 16:50 GMT+7

Tưới tiết kiệm trên đồi chè ATK Văn Hán

24/11/2021

Trên hầu hết những đồi chè bát úp ở xã Văn Hán (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) nay đã sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay...

Xu thế tất yếu
Đưa chúng tôi đi thăm những nương chè đẹp của xã, ông Nguyễn Đức Sen (Chủ tịch Hội nông dân xã Văn Hán) khoe, từ chỗ là vùng lõm trong sản xuất chè, trong một thập kỷ trở lại đây, Văn Hán bứt phá trở thành vựa chè của huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cả về diện tích và sản lượng. Bà con Văn Hán cũng đang xây dựng những thương hiệu chè mới với chất lượng và giá trị cao, dần chiếm lĩnh thị trường. Nói về hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay, ông Sen cho hay, đó chính là đặc trưng mới của xã. Chỉ 10 năm trước, xã mới có hơn 400 ha chè, thì nay, diện tích đã xấp xỉ 1000 ha. Điều đặc biệt là người đi sau lại có sự chuyển đổi mạnh mẽ do sự đúc rút trong quy trình sản xuất. Đó là việc đầu tư đồng bộ hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay tự động. Mới có chuyện nói rằng chè là đặc sản của Thái Nguyên nhưng hàng rào cọc nhựa van xoay trên đồi chè thì riêng có ở Văn Hán. Tính ra, trên 80% diện tích đồi chè Văn Hán được đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay, tương đương với xấp xỉ 800 ha chè kinh doanh. Chỉ những đồi chè mới trồng hoặc già cỗi sắp được trồng thay thế mới chưa được lắp hệ thống tưới nói trên.
Hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay làm thay đổi phương thức sản xuất chè của người dân xã ATK Văn Hán. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Đồi chè của gia đình anh Nguyễn Văn Lâm (Xóm Phả Lý) được thiết kế bởi những vòng tròn đồng tâm từ đỉnh thoải dần xuống chân đồi. Chị Nông Thị Mơ (vợ anh Lâm) cho chúng tôi trải nghiệm việc phun mưa trên từng nương chè. Muốn xem tưới ở đồi nào thì chị chỉ cần vặn mở van của đường ống dẫn nước lên đồi chè đó.
Theo hạch toán, hiện nay, hệ thống tưới tiết kiệm van xoay có giá trị đầu tư không cao nhưng lại mang đến nhiều tiện ích. Người dân chỉ cần có một họng nước (Nguồn nước tụ nhiên hoặc khoan giếng) rồi nối hệ thống vòi dẫn nước lên đồi chè. Những đồi chè có diện tích liền khoảnh càng rộng thì giá trị đầu tư càng thấp. Tại những vị trí người dân được hỗ trợ đầu tư lắp đặt, hệ thống tưới tập trung chỉ có giá trị 15 triệu đồng/ha.
Lợi ích lớn
Xóm Hòa Khê 1 (xã Văn Hán) có gần 100% số hộ dân làm chè. Tổng diện tích chè toàn xóm hiện đạt 80ha. Do chất lượng tốt, chè bán ra thị trường từ 200-300 nghìn đồng/ kg, thậm chí một số hộ bán tới 700 nghìn đồng/kg. Tính bình quân, mỗi năm làng nghề chè truyền thống xóm Hòa Khê 1 xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh được khoảng 40 tấn chè búp khô, doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm.
Cây chè có vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội ở xã Văn Hán. Ảnh: Đồng Văn Thưởng.
Ông Đoàn Văn Thái (Xóm Hòa Khê 1, người có nhiều năm được tôn vinh cấp tỉnh, cấp huyện vì có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi) cho biết, kết quả của những con số trên có sự đóng góp rất lớn của yếu tố thủy lợi. Hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay làm thay đổi lớn trên những nương chè. Thổ nhưỡng Văn Hán với liên tiếp những đồi cao thấp xen kẽ, cách tưới chè kiểu cũ không cho phép việc chủ động theo mùa vụ. Người làm chè không phải trông chờ trời mưa hay vác ống chèo hết đồi nọ đến nương kia.
Chính bởi việc tưới chè tiện lợi hơn, lại tiết kiệm được công chăm sóc nên với 1ha chè lai sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè của gia đình ông Thái thuộc hàng đặc sản của địa phương, luôn bán với giá cao so với thị trường, hằng năm thu trên 400 triệu đồng. Nhằm phát triển mở rộng sản xuất, con trai ông là Đoàn Văn Lộc, 29 tuổi, đã đăng ký thành lập HTX chè Thuỳ Lộc. Mới thành lập từ tháng 10 năm 2019, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid song nhờ uy tín lâu năm của gia đình nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX khá hiệu quả. Hiện, Lộc liên kết với gia đình bà con cô bác và nhiều hộ trong xóm để thu mua nguyên liệu. Lộc đang đầu tư làm những sản phẩm chè cao cấp để nâng cao uy tín, giá trị của chè Hoà Khê nói riêng, chè Văn Hán - Đồng Hỷ nói chung. Sản phẩm chè Lộc Thuỳ có giá đến 2 triệu đồng/kg vẫn được tiêu thụ tốt.
Ông Đoàn Văn Vạn (trưởng xóm Hòa Khê 1) cho biết, ích lợi rất lớn từ hệ thống tưới van xoay là người làm chè đã chủ động sản xuất được chè đông, tăng  từ 6,7 lứa lên chắc ăn 8 lứa/năm. Nếu như trước đây, sau khi thu hái xong lứa chè chính vụ vào cuối tháng 9, người làm chè  thường không chăm sóc mà để cây chè phát triển tự nhiên rồi đốn, đến sau Tết Nguyên đán mới thu hái lứa chè xuân đầu tiên. Khi đầu tư hệ thống tưới van xoay, chè đã được thu hái thêm 1 - 2 lứa. Giá bán chè vụ đông luôn tăng gấp 2-3 lần và rất đắt hàng nên người dân rất chú trọng khâu chăm sóc để có nguồn thu ổn định
Ông Nguyễn Xuân Hiền (Chủ tịch UBND xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ) cho biết, thay đổi từ yếu tố thủy lợi mà cụ thể là hệ thống tưới tiết kiệm bằng van xoay đã làm thay đổi tích cực phương thức sản xuất chè của địa phương. Với doanh thu xấp xỉ 100 tỉ đồng/năm, cây chè góp phần thay đổi diện mạo đời sống người dân. Xã có 7 HTX, 17 làng nghề với hàng chục ha chè đã và đang được sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, giá trị  cao như VietGap, hữu cơ...Cây chè ngày càng có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội của địa phương.
Theo nongnghiep.vn