Thứ bảy, 02/11/2024 | 03:31 GMT+7

Hiệu quả từ công nghệ điều khiển xa trong giám sát, vận hành lưới điện tại TP. Hồ Chí Minh

17/09/2021

Tính đến năm 2021, Tổng Công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã có 55/55 trạm biến áp 110kV điều khiển từ xa, trong đó có 48 trạm biến áp vận hành không người trực.

100% trạm biến áp 220kV được giám sát từ xa; 100% trạm biến áp 110kV và lưới điện 22kV đã được điều khiển từ xa..., Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã và đang là đơn vị tiên phong của Tập đoàn Điện lực Việt Nam về xây dựng lưới điện thông minh, nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
Phát triển lưới điện thông minh
Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết, với phương châm “Điện luôn đi trước một bước”, những năm qua, EVNHCMC luôn nỗ lực đảm bảo cung cấp điện ổn định, liên tục với chất lượng ngày càng cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Đặc biệt, EVNHCMC đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng lưới điện thông minh theo chủ trương của Chính phủ, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Trung tâm Điều khiển xa của EVNHCMC giám sát lưới điện phân phối trên địa bàn toàn Thành phố 
Năm 2017, EVNHCMC đưa vào vận hành trung tâm điều khiển lưới điện phân phối đầu tiên của ngành Điện. Đây là trung tâm điều khiển thông minh, đạt chuẩn quốc tế, quản lý và vận hành toàn bộ các trạm biến áp 220/110kV và lưới điện 22kV thông qua hệ thống SCADA/DAS/DMS. Từ đây, lưới điện của TP. Hồ Chí Minh được chuyển đổi từ phương thức vận hành thủ công, phụ thuộc nhiều vào con người sang vận hành tự động. Tại đây, những kỹ sư trực vận hành có thể theo dõi, giám sát các TBA, thiết bị điện trên hệ thống lưới điện theo thời gian thực.
Song song đó, EVNHCMC cũng triển khai đồng loạt công tác trang bị và nâng cấp hệ thống trang thiết bị cho các phòng trực vận hành tại các công ty điện lực và Công ty Lưới điện Cao thế TP Hồ Chí Minh. Các hệ thống SCADA và tự động hóa được kết nối với trung tâm điều khiển, đảm bảo việc theo dõi vận hành và xử lý từ xa đồng bộ và đạt hiệu quả cao.
Đến nay, EVNHCMC đã kết nối tín hiệu SCADA phục vụ giám sát vận hành từ xa 100% TBA 220kV; điều khiển từ xa 100% TBA 110kV. Đồng thời, triển khai giám sát, điều khiển xa theo mô hình Mini-SCADA cho 770/770 tuyến dây 22kV; triển khai mô hình tự động hóa DAS/DMS cho 04 công ty điện lực  với 148 tuyến dây 22kV, trong đó có 58 tuyến dây tự động hóa hoàn toàn; tỷ lệ thao tác từ xa lưới điện thành công đạt trên 99%, tỉ lệ chuyển tải sự cố dưới 5 phút đạt trên 81%. Đối với điện hạ áp, EVNHCMC đang thực hiện ở bước giám sát thông qua hệ thống công tơ điện tử đo xa như: tình trạng mất điện và có điện khách hàng, tình trạng quá tải và điện áp, hiện tượng mất cân bằng pha của các trạm biến áp công cộng...
Với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ tự động hóa, điều khiển xa, độ tin cậy cung cấp điện của EVNHCMC đã không ngừng được cải thiện. Chỉ số SAIFI (số lần mất điện trung bình của lưới điện phân phối) giảm từ 5,11 lần (năm 2016) xuống còn 0,59 lần (năm 2020); chỉ số SAIDI (thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối) giảm từ 514 phút (năm 2016) xuống còn 44 phút (năm 2020), đứng đầu trong 5 tổng công ty điện lực. EVNHCMC cũng đã góp phần giúp ngành Điện và Quốc gia đạt được 8/8 điểm kỹ thuật do Tổ chức Doing Business chấm điểm về tiếp cận điện năng vào năm 2020.
Đến năm 2023, tỷ lệ tự động hóa đạt 100%
Theo Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, hiện độ tin cậy cung cấp điện của EVNHCMC đã tiệm cận với năng lực vận hành lưới điện. Do đó, việc cải thiện chỉ số này càng ngày càng khó khăn hơn. Để đưa chỉ số SAIFI đạt dưới 0,5 lần và SAIDI đạt dưới 50 phút trong giai đoạn 2021-2025, EVNHCMC xác định, tự động hóa, số hóa lưới điện là nhiệm vụ trọng tâm.
Chỉ số SAIFI, SAIDI của EVNHCMC giai đoạn 2016-2020
Theo đó, thời gian tới, EVNHCMC sẽ ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác quản lý, vận hành lưới điện, phấn đấu tỷ lệ tự động hóa lưới điện đạt 75% vào năm 2022 và đạt 100% vào năm 2023.
EVNHCMC cũng đảm bảo các tuyến dây có đủ thiết bị giao liên có chức năng SCADA tại phân đoạn cuối và xem xét bổ sung thêm tại các phân đoạn giữa, nhằm tăng hiệu quả chuyển tải để đáp ứng tiêu chí vận hành N-1; đảm bảo phối hợp với các thiết bị bảo vệ (Recloser, máy cắt) và các bộ chỉ báo sự cố (FI) hiện hữu.
Song song đó, EVNHCMC cũng xây dựng bộ tiêu chí chuyên nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa cho đội ngũ kỹ sư, điều độ viên, nhân viên vận hành; tổ chức các chương trình đào tạo, bồi huấn sát hạch hàng năm. Đồng thời, xây dựng đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật đủ trình độ, năng lực, làm chủ được các công nghệ mới, đặc biệt là các công nghệ mới về hệ thống SCADA/DAS/DMS, đảm bảo đến năm 2025, các công ty điện lực đều có đội ngũ các kỹ sư và công nhân đạt tiêu chí chuyên nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa.
Theo: EVN