Dự báo tăng trưởng điện thương phẩm trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021- 2030 bình quân khoảng 15%/năm. Vì vậy, việc tiết kiệm năng lượng, nhất là trong sản xuất công nghiệp có vai trò quan trọng, góp phần giảm áp lực cho ngành điện, doanh nghiệp (DN).
Hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Công ty cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang LGG, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang).
Đầu tư trang thiết bị hiện đại
Thực hiện Chỉ thị số 20, ngày 7/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025 (Chỉ thị 20) và Kế hoạch số 1502, ngày 8/5/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019- 2030 trên địa bàn tỉnh (Kế hoạch 1502), Sở Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị ký cam kết tiết kiệm điện, nhất là với DN ở các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 tiết kiệm tối thiểu 5,1%/tổng sản lượng điện tiêu thụ.
Công ty TNHH Youngone Bắc Giang, Khu công nghiệp Đình Trám (Việt Yên) chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu là đơn vị điển hình về tiết kiệm điện. Trung bình mỗi năm giá trị xuất khẩu của đơn vị đạt 40 triệu USD, tiêu thụ lượng điện lớn. Hằng năm, DN thực hiện kiểm toán năng lượng và thành lập Đội kiểm tra, giám sát vận hành máy móc, thiết bị. Đội có nhiệm vụ rà soát, kiểm tra, sửa chữa và đề xuất thay thế trang thiết bị, ban hành kế hoạch quản lý năng lượng. Theo kế hoạch đề ra, hết năm 2021, Công ty bố trí hàng trăm tỷ đồng thay thế đồng bộ trang thiết bị hiện đại, tiết kiệm điện.
Đến nay, đơn vị đã thay 70% hệ thống đèn chiếu sáng huỳnh quang sang bóng đèn Led, bố trí cụm chiếu sáng hợp lý; thay thế hoàn toàn thiết bị sản xuất mới, mua máy tự động như: Máy cắt, may, thêu, nén khí, làm mát. Cùng đó, lãnh đạo DN tổ chức lại sản xuất theo ca kíp, hạn chế tối đa làm việc vào giờ cao điểm để giảm chi phí tiền điện… Với cách làm này, trung bình mỗi tháng đơn vị giảm 30-40% mức tiêu hao năng lượng; đồng thời giúp giảm chi phí đầu vào, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tương tự, Công ty cổ phần Tổng công ty May Bắc Giang LGG, xã Nghĩa Hòa (Lạng Giang) cũng nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm do thực hiện hiệu quả nhiều chương trình tiết kiệm điện. Cuối năm 2020, đơn vị đầu tư hơn 12 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên mái nhà. Tổng công suất hệ thống điện năng lượng mặt trời đạt 1 MW.
Sau khi đưa vào sử dụng, nguồn điện bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất cho 6 xí nghiệp. Đơn vị ước tính mỗi năm tiết kiệm từ 3-5 tỷ đồng chi phí về điện. Mặc dù đã sử dụng nguồn năng lượng mặt trời, Công ty vẫn đề ra quy định và giám sát chặt chẽ việc quản lý người lao động thực hiện tiết kiệm điện bằng việc tắt các thiết bị khi không sử dụng; thường xuyên duy tu, bảo dưỡng hệ thống máy móc, trang thiết bị sử dụng điện.
Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết DN đều quan tâm thực hiện tiết kiệm điện. Năm 2020, qua thực hiện Chỉ thị 20 và Kế hoạch 1502, các DN tiết kiệm được khoảng 86 triệu kWh, đạt kế hoạch đề ra. Ngoài ra, nhiều DN còn tham gia hưởng ứng hoạt động giờ trái đất, điều chỉnh phụ tải giúp tiết kiệm, giảm áp lực cho ngành điện.
Chú trọng phát triển điện mặt trời mái nhà
Đánh giá về hiệu quả qua thực hiện Chỉ thị 20 và Kế hoạch 1502, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định, hoạt động này đã được các DN chủ động hưởng ứng. Hiện toàn tỉnh có 213 DN có sản lượng điện lớn hơn 1 triệu kWh/năm ký biên bản thỏa thuận tham gia chương trình tiết kiệm điện; 38/50 đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm thực hiện kiểm toán năng lượng.
Có được kết quả này là do hằng năm Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Bắc Giang, Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh rà soát, xác định DN sử dụng năng lượng trọng điểm để thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc, gửi báo cáo về Sở. Dựa trên kết quả này, Sở đánh giá, phân loại, đưa ra giải pháp tốt nhất cho DN trong thời gian tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Đức Hoàn, Phó Giám đốc Sở Công Thương, hiện nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh vẫn sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu, trong khi trình độ đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên vận hành còn có mặt hạn chế nên vẫn để xảy ra tình trạng lãng phí nguồn điện. Do vậy, khi chưa đủ điều kiện thay đổi toàn bộ công nghệ, các DN cần xem xét thay thế một số bộ phận bằng thiết bị biến tần để tiết kiệm điện; tập trung nâng cao ý thức của người lao động về tiết kiệm điện.
Mới đây, Sở Công Thương đã có văn bản đề xuất với UBND tỉnh về việc phát triển các dự án điện mặt trời mái nhà. Sở đã đề nghị Bộ Công Thương bổ sung quy hoạch 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời có công suất 50 MVA tại huyện Việt Yên và Yên Thế; quy hoạch các dự án điện mặt trời mái nhà tại các khu, cụm công nghiệp với tổng công suất 2.320 MVA (tương ứng khoảng 40% diện tích mái nhà xưởng).
Theo thống kê của Sở Công Thương, năm 2020, nhiều DN sản xuất quy mô lớn có sản lượng tiết kiệm điện tiêu biểu như: Công ty TNHH Fuhong precision component Bắc Giang, tiết kiệm 2000 kW; Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc 2000 kW, Công ty cổ phần Xi măng Bắc Giang 3500 kW, Công ty TNHH SI Flex Việt Nam 500 kW… |
Theo: Báo Bắc Giang