Tỉnh Long An và Tiền Giang là vùng chuyên canh thanh long lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích hơn 21.000 ha. Thời gian gần đây, nhiều nhà vườn ở đây đã áp dụng phương pháp xông đèn để sưởi ấm cho cây, nhằm kích thích cây ra hoa trái vụ. Nhiều nông dân cho biết việc sử dụng bóng đèn compact để xông thanh long giúp giảm khoảng 70% điện năng tiêu thụ mà vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng.
Nông dân trồng thanh long áp dụng kỹ thuật xông đèn cho hoa ra trái vụ vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng và bán được giá. (Ảnh: Internet)
Theo chia sẻ của nhiều bà con trồng thanh long, để kích thích cây ra hoa trái vụ thì dau thu hoạch vụ chính cần cắt tỉa cành già, cành sâu bệnh, phun thuốc trừ sâu bệnh, tắm trụ... Sau đó tiến hành bón phân để nuôi cành khỏe giúp mầm hoa ra đồng loạt và tốt hơn.
Bước tiếp theo là lựa chọn bóng đèn xông cho vườn thanh long phù hợp, đặc biệt nên chọn đèn compact để tiết kiệm điện. Nhiều nông dân cho biết việc sử dụng bóng đèn compact để xông thanh long giúp giảm khoảng 70% điện năng tiêu thụ mà vẫn đảm bảo năng suất cho cây trồng.
Đặc biệt, sử dụng công nghệ tưới nước tự động đã giúp nông dân tiết kiệm được 80% công lao động, tiết kiệm điện năng và nước tưới. Việc trồng thanh long ứng dụng công nghệ cao mang lại lợi nhuận tăng bình quân khoảng 2,5 - 5 triệu đồng/ha.
Ông Lê Văn Hữu, nông dân ở xã Long Bình Điền, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trồng thanh long ruột đỏ cho biết: Hơn 4 năm nay, ông áp dụng kỹ thuật xông đèn để cây cho hoa trái vụ nhằm nâng cao giá trị cây thanh long. Đây là cách làm tránh trùng với thời điểm chính vụ thường bán mất giá. Thanh long mỗi năm xông đèn xử lý cho thu hoạch trung bình 3 đến 4 lần. Ngoài ra, xen kẽ trong đó, còn thu hoạch từ 4 đến 5 lần ra trái tự nhiên nhưng sản lượng không nhiều.
Ông Phan Thanh Quang trong vườn thanh long được thắp sáng bằng đèn compact tiết kiệm điện. (Ảnh: Báo Tiền Phong)
Ông Phan Thanh Quang, nông dân ở xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang là một trong những hộ sử dụng đèn compact thay cho đèn sợi đốt rất hiệu quả. Theo chia sẻ, ban đầu ông cũng rất ngại đổi đèn compact vì chi phí cao, trong khi chưa biết hiệu quả thế nào nên ông rất dè dặt sử dụng xen kẽ giữa bóng đèn vừa đèn dây tóc và đèn compact. Sau một mùa thử nghiệm, thấy hiệu quả ra trái cây thanh long không bị ảnh hưởng gì nên ông đã quyết định thay toàn bộ bóng đèn sợi đốt bằng bóng compact.
Ông Quang cho biết, với công suất 20W của bóng đèn compact, chỉ bằng 1/3 công suất bóng đèn sợi đốt, sau khi chuyển đổi, ông đã giảm được 2/3 chi phí tiền điện. Với diện tích trên 6 công đất (1 công bằng 1.000m2) trồng thanh long, trước đây trung bình mỗi tháng ông phải trả hơn chục triệu tiền điện thì hiện nay, số tiền đó chỉ còn vài triệu.
Với những tính năng vượt trội, mô hình chiếu sáng bằng bóng đèn compact trên cây thanh long không chỉ giải quyết bài toán khó về thiếu hụt nguồn điện cho thanh long mà còn giúp người nông dân tiết kiệm sản xuất khi kích thích cho cây ra hoa trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mai Anh