Thứ hai, 23/12/2024 | 00:57 GMT+7

Xi măng Lam Thạch tiết kiệm 13,2 tỷ đồng mỗi năm nhờ giải pháp năng lượng

06/09/2021

Giảm 3-5% chi phí sản xuất clinker, giảm tiêu hao than, làm lợi mỗi năm 13,2 tỷ đồng,…là những lợi ích mà sáng kiến “Nghiên cứu ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker” mang lại.

Đề tài thiết thực
Tại Việt Nam, sản xuất xi măng là ngành công nghiệp thải lượng lớn khí thải ra môi trường. Trong khi đó, các loại than nội địa để làm nhiên liệu đốt ngày càng hạn chế. Theo ông Cao Tường Huy - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh, riêng tại địa phương này, dự báo đến năm 2030, nguồn chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn tỉnh sẽ lên đến 3.000 tấn/ngày. Tuy nhiên, chất thải công nghiệp thông thường hiện nay được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt, gây ô nhiễm môi trường.
Xuất phát từ thực trạng đó, ông Ngô Hữu Thế - Kỹ sư vật liệu silicat, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh cùng các cộng sự đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker” tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch nhằm tiết giảm chi phí sản xuất clinker và góp phần bảo vệ môi trường.
Dây chuyền sấy chất thải rắn công nghiệp làm nguyên liệu thay thế tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch, phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Theo ông Ngô Hữu Thế, chất thải rắn công nghiệp thông thường được thu gom từ các nguồn khác nhau về kho chứa, qua máy băm tạo ra các mảnh vụn chất thải, sau đó đưa qua hệ thống máy sấy quay. Máy sấy quay được thu hồi nhiệt dư của lò nung clinker để sấy. Chất thải đi ra khỏi mấy sấy quay có hàm lượng ẩm thấp (chất thải khô) sau đó được đưa lên cyclon rót vào lò nung clinker. Quá trình vận chuyển chất thải từ máy băm, máy sấy đến lò nung đều được thực hiện trong hệ thống băng tải khép kín, không làm ảnh hưởng ra môi trường làm việc bên ngoài.
“Hiện nay trên thế giới, việc áp dụng chu trình đồng xử lý chất thải công nghiệp đã rất phổ biến. Một số nước như Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc… đã đưa tỷ lệ sử dụng chất thải thay thế nhiên liệu lên tới 50%. Tại những nước này, nhiều lò nung clinker không đơn thuần chỉ là sản xuất sản phẩm mà còn giữ chức năng chủ yếu là xử lý chất thải” – ông Thế cho biết. 
Sản xuất xi măng là ngành công nghiệp thải lượng lớn khí thải ra môi trường. (Ảnh minh họa: ximang.vn)
Nhà máy Xi măng Lam Thạch của Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh thực hiện sản xuất clinker xi măng với công suất thiết kế sản xuất 1.200 tấn clinker/ngày. Trong quá trình sản xuất, Nhà máy phải sử dụng một lượng lớn than đá và dầu. Theo ông Ngô Hữu Thế, các chất thải khi đốt cháy có sinh một lượng nhiệt đáng kể, cụ thể: da giầy vụn từ 3.548 ÷3.600 Cal/g; vải 4.752 Cal/g; meck trắng 5.980 Cal/g. Qua lấy mẫu, trung bình các nguồn chất thải cho nhiệt lượng 4.538 Cal/g. Ông Thế cho biết, khi tận dụng được sẽ có hiệu quả tốt về nguồn năng lượng, đồng thời giảm phát thải chất thải phải xử lý.
Được biết, đề tài nghiên cứu "Ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker" tại Nhà máy Xi măng Lam Thạch được UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép thử nghiệm từ tháng 3/2021. Đến tháng 8/2021, sau 6 tháng vận hành thử nghiệm, Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã tiếp nhận hơn 2.200 tấn chất thải bao gồm gỗ, giấy, ni lông, nhựa cứng, bùn thải, đế giày… của Công ty Than Nam Mẫu, Công ty TNHH Giày da Sao Vàng, Công ty TNHH MTV Anh Đức, Công ty TNHH Tùng Bách, Công ty CP Thành Đại Phúc Mỹ để thay thế một phần than. Qua vận hành thử nghiệm cho thấy, với 1 tấn chất thải, Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh tiết giảm được 12.400 đồng/tấn clinker.
Một sáng kiến – Nhiều lợi ích
Theo tính toán, sáng kiến ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker khi đưa vào vận hành sẽ làm lợi mỗi năm 13,2 tỷ đồng. Sau khi hết thời gian khấu hao 5 năm thì lợi ích kinh tế sẽ được nâng cao hơn.
Tác giả của sáng kiến cho biết thêm, điểm nổi bật nhất của sáng kiến ứng dụng đồng xử lý chất thải rắn thông thường làm nguyên nhiên liệu thay thế trong lò nung clinker là giải quyết được bài toán về môi trường. Sáng kiến này sẽ giải quyết được vấn đề phát thải chất thải ngày càng tăng, thay thế các công nghệ xử lý chất thải lạc hậu hiện nay như đốt thông thường, chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn quỹ đất chôn lấp.
Bên cạnh đó, sáng kiến còn giúp tận dụng được nguồn năng lượng do đốt chất thải để lấy năng lượng nung clinker, giảm tiêu hao than khi nung clinker, từ đó giúp giảm phát thải khí CO2 khi đốt than. 
90% sản lượng clinker và xi măng của Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh được xuất khẩu ra nước ngoài. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)
Không những vậy, sáng kiến của ông Ngô Hữu Thế và các cộng sự còn có thể tạo thêm 15 vị trí việc làm mới cho người lao động vận hành dây chuyền thiết bị. Trong khi đó, các doanh nghiệp có phát sinh chất thải rắn công nghiệp trong hoạt động sản xuất cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí xử lý lượng chất thải này.
Tháng 4/2021, Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chủ trương cho phép thực hiện hoạt động đồng xử lý rác thải công nghiệp thông thường tại lò nung sản xuất xi măng của Nhà máy Xi măng Lam Thạch. Với những ưu điểm vượt trội của sáng kiến này, Công ty Cổ phần Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh đã ký hợp đồng tiêu thụ chất thải rắn với nhiều doanh nghiệp khác của tỉnh, trong đó có 5 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng ngay trong thời gian thử nghiệm. 
Được biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ ký hợp đồng xử lý với các đơn vị phát thải tỉnh ngoài, với mục tiêu góp phần vì một Việt Nam phát triển bền vững.
Bích Phương