Thứ bảy, 02/11/2024 | 05:39 GMT+7

“Số hóa” để nâng cao hiệu quả công tác quản lý vận hành lưới điện truyền tải tại Khánh Hòa

08/08/2021

Truyền tải điện Khánh Hòa (Công ty Truyền tải điện 3) hiện đang quản lý vận hành hai trạm biến áp 220kV, hơn 232 km đường dây 220kV đi qua nhiều vùng địa hình khác nhau. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả công tác vận hành, đơn vị đã ứng dụng nhiều thành tựu khoa học công nghệ để đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định.

Ông Nguyễn Kim Đồng, Giám đốc Truyền tải điện Khánh Hòa cho biết: Trong số đường dây đơn vị quản lý có hơn 40km đường dây nằm trong vùng nguyên liệu mía và hơn 80km đường dây đi qua khu vực vùng rừng trồng, do đó nguy cơ cháy mía, cháy rừng dẫn đến sự cố lưới điện rất cao vào các mùa khô và mùa vụ thu hoạch mía, lâm sản từ tháng 1 đến tháng 8 hàng năm. Cùng với đó, các hiện tượng thời tiết bất thường giông sét đầu mùa mưa cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý vận hành của đơn vị.
Đội Truyền tải điện Cam Ranh sử dụng Flycam để kiểm tra cách điện và phụ kiện tại vị trí 340 (đường dây 220kV Thiên Tân - Nha Trang)
Như các năm trước, các giải pháp quản lý vận hành nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa sự cố vào cao điểm mùa khô như: phát quang chống cháy hành lang tuyến, tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, tuần canh chống cháy mía; tiến hành vệ sinh cách điện hotline, offline; triển khai kiểm tra soi phát nhiệt tiếp xúc các thiết bị trạm và đường dây khi có tải cao, nắng nóng; bảo dưỡng, tăng cường hệ thống tiếp địa, tăng cường tiếp địa dòng, hệ thống thu sét chủ động…đơn vị vẫn tiếp tục tiến hành một cách triệt để, quyết liệt nhằm kịp thời xử lý các hiện tượng bất thường xảy ra trên đường dây cũng như trong trạm biến áp.
Từ đầu năm nay, đơn vị đã đẩy mạnh hơn nữa việc áp dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý vận hành và đã có những hiệu quả nhất định. Hiện nay, Truyền tải điện Khánh Hòa có tổng cộng 6 camera 4G quan sát hành lang được lắp đặt tại các vị trí trọng điểm của các đường dây, trong đó camera Tuya Smart, có khả năng nhận diện chuyển động trong phạm vi quan sát, tự động chụp ảnh và gửi cảnh báo về điện thoại di động người dùng.
Các camera này được luân chuyển tại những khoảng cột có vùng mía đến thời kì thu hoạch, tại các điểm giao chéo tuyến cao tốc Cam Ranh – Nha Trang với đường dây 220kV Thiên Tân– Nha Trang, hoặc tại các khoảng cột đang có rừng trồng keo, bạch đàn của các đường dây 220kV Krông Buk – Nha Trang, 220kV Tuy Hòa – Nha Trang … từ đó có thể quan sát từ xa, kiểm soát nhanh chóng, kịp thời các diễn biến bất thường có thể gây nguy hiểm đến lưới điện.
Hình ảnh camera giám sát khoảng cột 314 - 315 (đường dây 220kV Thiên Tân - Nha Trang) - thi công đường Tỉnh lộ 2 - Diên Khánh - Khánh Hòa
Ngoài ứng dụng công nghệ Camera 4G, các Đội Truyền tải điện Nha Trang và Cam Ranh cũng đã được đơn vị trang bị Flycam phục vụ công tác kiểm tra thiết bị đường dây. Các thiết bị này đã hỗ trợ rất nhiều công sức, giúp người công nhân dễ dàng, thuận tiện phát hiện các tổn thương, bất thường trên dây dẫn, dây chống sét, chuỗi phụ kiện, cách điện…với hình ảnh thu nhận khá rõ ràng, làm sơ sở để đánh giá mức độ tổn thương hay hư hỏng, từ đó đề ra giải pháp và kế hoạch xử lý.
“Sau hơn 3 tháng đưa thiết bị bay vào sử dụng, các Đội đường dây của đơn vị đã điều khiển Flycam tới hơn 120 vị trí cột và khoảng cột (khoảng 60 km đường bay), phát hiện nhiều điểm có nguy cơ mất an toàn trên đường dây từ đó sớm có kế hoạch xử lý. Đơn vị cũng đã trang bị cho Phòng Kỹ thuật Flycam Dji Mavic 2 Enterprise Dual ngoài chức năng chụp hình thông thường như các dòng Flycam khác, còn có thể đo được đo nhiệt độ các đối tượng trong khung hình, rất thuận tiện để kiểm tra soi phát nhiệt các thiết bị đang vận hành của Trạm và các mối nối, điểm tiếp xúc của đường dây”, ông Nguyễn Kim Đồng, Giám đốc TTĐ Khánh Hòa cho biết.
Hình ảnh camera giám sát khoảng cột giao chéo đường cao tốc đoạn Cam Ranh - Nha Trang đang thi công, tại vị trí 155 (đường dây 220kV Thiên Tân - Nha Trang).
Đơn vị cũng đang thử nghiệm loại camera AI nhận diện và gửi tín hiệu cảnh báo khi có đám cháy xảy ra; cảm biến theo dõi rò khí SF6 các máy cắt; lắp camera nhận diện hình ảnh tại các trạm để hỗ trợ công tác bảo vệ an ninh, quản lý ca trực và các đơn vị đến công tác; thử nghiệm đo dòng rò Chống sét van online…Song song đó, việc khai thác và sử dụng các phần mềm dùng chung như: Phần mềm quản lý sản xuất kinh doanh (ERP); quản lý kỹ thuật (PMIS); quản lý nhân sự (HRMS); đánh giá hiệu quả công việc (KPI)...và triển khai các báo cáo điện tử, nhật ký điện tử, phiếu kiểm tra online đã thực sự đem lại kết quả tích cực cho công tác quản lý vận hành của đơn vị.
Có thể nói, lưới điện của Truyền tải điện Khánh Hòa trong giai đoạn mùa khô hạn vẫn đang hết sức căng thẳng và khó khăn. Vẫn còn đó nguy cơ cháy từ các cung đoạn đường dây qua khu vực mía, rừng trồng; đường dây vận hành đầy, quá tải từ các nhà máy điện năng lượng tái tạo, điện mặt trời; nguy cơ mất an toàn do công việc sửa chữa bảo dưỡng thường vào ban đêm tối; ảnh hưởng do giông sét, gió lốc, lũ lụt trong mùa mưa bão đã cận kề… Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid - 19 hiện đang diễn biến rất phức tạp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, với nguy cơ lây nhiễm rất cao, nên ngoài thực hiện các nhiệm vụ sản xuất trên cơ sở kết hợp các phương án phòng chống dịch, thì việc triển khai ứng dụng nhiều hơn nữa các giải pháp công nghệ mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng trong công tác quản lý vận hành, là hết sức cần thiết và phù hợp với tình hình hiện nay, nhằm hoàn thành mục tiêu kép là phòng chống dịch hiệu quả và đảm bảo truyền tải điện liên tục, ổn định, an toàn.
Theo Petrotimes