Thứ sáu, 01/11/2024 | 21:27 GMT+7

Điện lực Miền Bắc giảm tỷ lệ tổn thất điện năng xuống còn 4,39%

28/05/2021

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, tổn thất điện năng của EVNNPC thực hiện đạt 4,39%, thấp hơn 0,33% so với cùng kỳ năm 2020.

Xác định giảm tổn thất điện năng (TTĐN) là một trong những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng trong sản xuất kinh doanh. Thời gian qua, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã quan tâm phấn đấu giảm tổn thất điện năng và đạt được kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, lũy kế 4 tháng đầu năm 2021, tổn thất điện năng của EVNNPC thực hiện đạt 4,39%, thấp hơn 0,33% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng công ty đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm hoàn thành chỉ tiêu tổn thất ở mức ≤4,55% trong năm 2021.

Để có được những kết quả trên, EVNNPC thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện giảm tổn thất điện năng tại các đơn vị, phân tích, đánh giá xác định nguyên nhân gây tổn thất đối với các cấp điện áp, trạm biến áp và các đường dây, từ đó đưa ra các biện pháp giảm TTĐN hợp lý cho từng khu vực.

EVNNPC chú trọng công tác kiểm tra, rà soát các TBA để xác định nguyên nhân gây tổn thất điện năng

Bên cạnh đó, EVNNPC cũng thực hiện nghiêm quy định kiểm tra định kỳ, thay thế công tơ, TU, TI hư hỏng/không còn phù hợp. Trong 4 tháng đầu năm, toàn Tổng công ty thay định kỳ được 964.331 công tơ, đạt tỷ lệ 47,1% kế hoạch năm 2021. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý vi phạm trong sử dụng điện. Trong 4 tháng đầu năm 2021, toàn Tổng công ty thực hiện kiểm tra gần 1,3 triệu lượt khách hàng, xử lý 35.411 trường hợp hư hỏng sai lệch đo đếm và vi phạm sử dụng điện. 

Bà Đỗ Nguyệt Ánh – Tổng Giám đốc EVNNPC cho rằng, trên thực tế, dư địa để giảm TTNĐ của Tổng công ty vẫn còn khá lớn; một số đơn vị vẫn đang thực hiện giảm TTĐN một cách thụ động. Để đạt được mục tiêu đề ra, giảm tổn thất điện năng về ≤4,55% trong năm 2021, bà Đỗ Nguyệt Ánh yêu cầu các Công ty Điện lực/Điện lực cần thực hiện quyết liệt các giải pháp trọng tâm; gắn trách nhiệm cụ thể từng cá nhân với kết quả giảm TTĐN của đơn vị. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các số liệu về kĩ thuật, kinh doanh...đảm bảo có cơ sở để xác định  chính xác các nguyên nhân gây tổn thất, từ đó có các giải pháp phù hợp

Đặc biệt, thời gian tới các đơn vị cần thay đổi phương thức quản trị đối với công tác giảm TTĐN. Cụ thể, cần chỉ tiêu hóa, cá nhân hóa tất cả các nội dung, trong đó gắn trách nhiệm cá nhân trong việc chấm điểm KPI, xét hoàn thành nhiệm vụ gắn với trách nhiệm người đứng đầu, xét thực hiện chi trả tiền lương cho người lao động theo các chỉ tiêu Tổng công ty giao, bà Đỗ Nguyệt Ánh nhấn mạnh.

Mai Anh