Ông Jose W. Fernandez lưu ý thêm, khoản đầu tư chủ yếu sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Ngoài ra, các công ty này đều có nghĩa vụ và đã cam kết với cổ đông cùng khách hàng rằng họ sẽ chỉ sử dụng năng lượng tái tạo, do đó việc đầu tư sẽ còn phụ thuộc vào tiến độ pháp lý về năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Thứ trưởng Mỹ Jose Fernandez chiều 25/1. Ảnh: VGP
Việt Nam hiện đang nỗ lực thu hút các nhà sản xuất chip quốc tế và thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo. Nhưng cho đến nay vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định cho phép mở rộng ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và gió trên đất liền cũng như phát triển các trang trại gió ngoài khơi.
Việt Nam đang xem xét áp dụng cơ chế quản lý cho phép các nhà máy đàm phán giá điện trực tiếp với nhà sản xuất thay vì mua từ nhà điều hành mạng lưới điện quốc doanh. Chính phủ cũng đang nỗ lực thông qua các quy định về năng lượng gió ngoài khơi, bao gồm cả việc chỉ định sử dụng không gian biển, nhưng sự chậm trễ cho đến nay đã cản trở tiến độ trong thời gian dài.
Sự bùng nổ năng lượng tái tạo ở Việt Nam trong những năm gần đây do lắp đặt rộng rãi các tấm pin mặt trời và tua-bin gió trên đất liền đã phần nào bị ảnh hưởng bởi nhiều khó khăn trong việc kết nối các dự án với lưới điện, vốn cũng cần được nâng cấp đáng kể để xử lý năng lượng tái tạo.
Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Jose W. Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường Jose W. Fernandez sẽ có chuyến công du 3 nước châu Á bao gồm Việt Nam, Philippines và Hàn Quốc từ ngày 22/1 tới ngày 1/2. Theo đó, Việt Nam là chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du này. Tại Việt Nam, Thứ trưởng Fernandez sẽ tập trung gia tăng cơ hội thương mại, thúc đẩy năng lượng sạch, hợp tác chuỗi cung ứng và chip bán dẫn, đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Biden vào tháng 9/2023 và việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. |
Hương Linh