Thứ sáu, 27/12/2024 | 03:10 GMT+7

Thời điểm để doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào ngành năng lượng Việt Nam

09/01/2024

Hiện là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào thị trường năng lượng Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ hoan nghênh và ủng hộ tầm nhìn cũng như hành động của Chính phủ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm phát thải carbon. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam có tiềm năng lớn để trở thành một trong những quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời là đối tác chiến lược của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự về khí hậu toàn cầu. Cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ sẵn sàng đóng góp chuyên môn, công nghệ và vốn, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng đã đề ra.
Việt Nam có tiềm năng lớn về phát triển năng lượng tái tạo. Ảnh: Đức Thanh
Trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP vượt trội, 6-7%/năm, trong khi nhu cầu cung cấp điện thường xuyên tăng trên 10% trong giai đoạn 2016-2020. Dự báo nhu cầu này tiếp tục tăng trưởng ở mức 8-9%/năm, đòi hỏi tăng trưởng công suất lắp đặt khoảng 6 GW/năm. Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch Điện VIII) nhấn mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để sản xuất điện, đồng thời hạn chế việc phát triển hơn nữa công suất nhiệt điện than.
Chính phủ Việt Nam cũng đặt mục tiêu đưa vào vận hành 22.400 MW LNG vào năm 2030 (từ con số 0 hiện nay) trong Quy hoạch Điện VIII vừa được phê duyệt. Là một trong những thành viên Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham), Tập đoàn AES đã đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam trong hơn 12 năm qua, với cam kết hỗ trợ quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Ngoài ra, các thành viên AmCham cũng đầu tư vào nhà máy điện turbin khí chu trình hỗn hợp và dự án kho cảng LNG mới trị giá hàng triệu USD. Các dự án này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nhằm loại bỏ sự phụ thuộc vào than và cũng là cầu nối cho quá trình chuyển đổi xanh của ngành năng lượng.
Nhà máy điện turbin khí chu trình hỗn hợp và dự án kho cảng LNG mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai năng lượng của Việt Nam bằng cách đa dạng hóa cơ cấu năng lượng với nguồn LNG nhập khẩu và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Việt Nam về điện bền vững với giá cả phải chăng. Các dự án này cũng sẽ giúp cải thiện an ninh nguồn cung bằng cách cung cấp nguồn năng lượng ổn định khi ngày càng có thêm nhiều nguồn năng lượng tái tạo được đưa vào sử dụng.
Hơn thế nữa, AES và các công ty của tập đoàn này ở Việt Nam vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và phát triển các cơ hội đầu tư mới, hỗ trợ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng bằng pin (BESS).
Việt Nam đang trong bước ngoặt lịch sử cho giai đoạn tiếp theo của hành trình phát triển. Cùng với xu hướng phát triển bền vững, các tập đoàn đa quốc gia đang tiếp tục xem xét dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực bán dẫn mà cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ khác.
Một trong những yếu tố then chốt để các tập đoàn bán dẫn đa quốc gia như Amkor Technology vừa khánh thành nhà máy sản xuất chip mới nhất trị giá 1,6 tỷ USD tại tỉnh Bắc Ninh vào tháng 10/2023, là khả năng tiếp cận năng lượng xanh để họ có thể đạt được tham vọng Net Zero của mình trong lĩnh vực này trước giai đoạn 2030-2040.
Do đó, đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư Hoa Kỳ đầu tư vào thị trường năng lượng Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo như dự án năng lượng mặt trời trên mái nhà.
Để thu hút thêm đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vào lĩnh vực năng lượng của Việt Nam, tôi cho rằng, Chính phủ cần phải chú trọng một số vấn đề.
Chính phủ Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc tạo môi trường thuận lợi cho quá trình chuyển đổi năng lượng, như xây dựng Quy hoạch Điện VIII, Chiến lược Phát triển năng lượng tái tạo và Thỏa thuận Hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng. Tuy nhiên, vẫn còn một số rào cản và thách thức cần giải quyết để thu hút thêm đầu tư từ cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ vào thị trường Việt Nam.
Một số thách thức chính đối với ngành năng lượng vẫn còn tồn tại, như các rào cản chính sách, thời gian phê duyệt và thiết kế xây dựng thị trường còn chậm trễ. Trong khi đó, năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo khác đang phát triển nhanh chóng mà chưa có được hệ thống truyền tải điện đáng tin cậy hơn, dẫn đến quá tải hạ tầng truyền tải và mất ổn định lưới điện.
Quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam sang các nguồn năng lượng sạch hơn và xanh hơn sẽ là yếu tố quan trọng để chống lại khủng hoảng khí hậu và đảm bảo sự ổn định trong khu vực.
Tăng trưởng của ngành điện trong tương lai sẽ dẫn đến việc doanh nghiệp tiếp tục đầu tư vào sản xuất. Nhưng đầu tư sản xuất đòi hỏi phải tiếp cận được nguồn điện ổn định. Do đó, để đáp ứng kỳ vọng tăng trưởng, Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương triển khai các dự án điện lớn trong thời gian tới.
Chính phủ Việt Nam có thể hợp tác với Chính phủ Hoa Kỳ trong vấn đề cung cấp tài chính cho hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư Hoa Kỳ vào thị trường năng lượng Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo. Ví dụ gần đây nhất là việc Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Hoa Kỳ (DFC) đã ký Ý định thư tài trợ 500 triệu USD cho nhà sản xuất xe điện VinFast để thúc đẩy phát triển giao thông điện hóa. Khoản vay này sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc thành lập các cơ sở nghiên cứu, phát triển và sản xuất pin lithium-ion của VinFast tại Việt Nam và phải được DFC xem xét và phê duyệt toàn diện.
Theo: Báo Đầu tư