Hội thảo nhằm giới thiệu tổng quan tình hình sử dụng và kế hoạch sử dụng năng lượng hiệu quả của TP. HCM, giới thiệu một số giải pháp đầu tư năng lượng sạch thành công trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM nhấn mạnh, việc giảm mức tiêu thụ năng lượng và chuyển nhu cầu sử dụng điện sang các nguồn có thể tái tạo sẽ làm giảm đáng kể lượng khí thải sinh ra. Trong đó, sử dụng các nguồn năng lượng xanh là một phần quan trọng giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành.
Năm 2023, Sở Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh sản phẩm tiết kiệm năng lượng, năng lượng xanh, phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, qua đó nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Bà Vũ Thị Thu Hằng, cán bộ dự án Hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam (USAID) khẳng định: Tiết kiệm năng lượng cũng như chuyển đổi năng lượng sạch là một trong những mục tiêu rất quan trọng trong quan hệ hợp tác chiến lược của Hoa Kỳ và Việt Nam, nhằm hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng để đạt được mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Sử dụng các nguồn năng lượng xanh là một phần quan trọng giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí vận hành
Theo bà Vũ Thị Thu Hằng, TP.HCM có rất nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, cũng như cơ hội thực hiện tiết kiệm năng lượng hay năng lượng xanh, đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam. USAID thông qua dự án Hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam hợp tác chặt chẽ với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM thực hiện giải pháp về chính sách, cơ chế tài chính cũng như giải pháp về công nghệ để thúc đẩy sản xuất xanh, tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng xanh.
Tại hội thảo, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã chia sẻ kế hoạch thực hiện thời gian tới hướng tới mục tiêu "Net zero" của thành phố vào năm 2050. Kế hoạch có tính đến các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của các ngành năng lượng, điện, công thương, giao thông, môi trường…
Cụ thể, với lĩnh vực giao thông, TPHCM sẽ hướng tới mục tiêu chuyển đổi phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh, điện năng; tăng cường vận tải hành khách công cộng (bao gồm metro, buýt, BRT); phát triển hệ thống xe đạp công cộng chia theo giai đoạn trên địa bàn thành phố, kết nối hệ thống xe đạp chia sẻ với các loại hình giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm (metro)…
Đối với lĩnh vực công nghiệp, dân sinh và thương mại, thành phố khuyến khích và hướng tới áp dụng các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, chế biến, gia công sản phẩm hàng hóa; thúc đẩy chuyển đổi sử dụng công nghệ sạch, công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp. Tăng cường ứng dụng vật liệu xây dựng không nung và các loại vật liệu xây dựng thân thiện môi trường trong xây dựng, khuyến khích phát triển các chương trình điện mặt trời áp mái.
Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Hợp phần 1 - Dự án hỗ trợ kỹ thuật năng lượng phân tán đô thị Việt Nam của USAID tại TP.HCM và Đà Nẵng cho biết, hiện dự án đang đẩy mạnh triển khai tại TP.HCM, qua đó hỗ trợ Thành phố triển khai Nghị quyết 55 -NQ/TW và các chính sách, chương trình về năng lượng sạch.
Đồng thời xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng, đo lường và xác nhận kết quả triển khai chương trình tiết kiệm điện; hỗ trợ và kết nối nguồn lực đầu tư, tài chính xanh để phát triển năng lượng xanh cho TP.HCM.
Khánh An