Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:11 GMT+7

Nhóm Công tác Kỹ thuật 4 về Hiệu quả Năng lượng – Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam (VPEG) tổ chức phiên họp lần thứ 2

12/12/2022

Sự kiện được tổ chức tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và ông Patrick Haverman (Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam).

Toàn cảnh phiên họp
Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang ngày càng có ý nghĩa hơn đối với Việt Nam, khi tại COP 26, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tại cuộc họp lần 1 đầu năm 2022, Nhóm công tác đã cùng nhau đánh giá về các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong giai đoạn 2019 – 2021.
Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và ông Patrick Haverman (Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam) đồng chủ trì phiên họp 
Trên cơ sở đó, các đại biểu đã đi đến thống nhất 1 số chủ đề ưu tiên cho năm 2022 của Nhóm công tác Kỹ thuật về Hiệu quả Năng lượng, trong đó tập trung vào đánh giá và để xuất sửa đổi luật Sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đánh giá chính sách và đề xuất điều chỉnh chính sách về hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực xây dựng, nghiên cứu bài học cho Việt Nam về định mức tiêu hao năng lượng trong một số ngành công nghiệp. Đến nay, một số chủ đề đã và đang được triển khai nghiên cứu, đề xuất và xây dựng trình bày tại cuộc họp này. Các kết quả của các hoạt động này sẽ đóng góp không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng tại Việt Nam, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và thực hiện các cam kết của Chính phủ Việt Nam về đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh.
Sau phần chia sẻ của ông Trịnh Quốc Vũ là phần báo cáo của Ban Thư ký VEPG về việc cập nhật của Ban Thư ký về các hoạt động trong năm 2022 và những chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia, đại biểu đến từ các đơn vị cả trong nước và quốc tế, được điều hành theo từng phần.
Phần 1, cập nhật chính sách về Hiệu quả năng lượng do đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – Bộ Công Thương trình bày với tiêu đề “Nghiên cứu sửa đổi luật Hiệu quả Năng lượng”. Cùng với đó là phần trình bày của đại diện đến từ Chương trình Hợp tác Đối tác Năng lượng Việt Nam (DEPP) với tiêu đề “Vai trò của Hiệu quả năng lượng để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 tới năm 2050”.
Ông Đặng Hải Dũng - đại diện Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững – Bộ Công Thương trình bày nội dung “Nghiên cứu sửa đổi luật Hiệu quả Năng lượng” tại phần 1
Phần 2, với chủ đề Các hoạt động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ghi nhận phần chia sẻ của đại diện Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) với chủ đề Cơ chế tài chính cho các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả - Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam và đại diện Ngân hàng thế giới (WB) với chủ đề Cơ chế tài chính cho các dự án năng lượng hiệu quả: Dự án VSUEE.
Phần 3, do đại diện của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNPD) điều phối và chia sẻ những vấn đề về việc nghiên cứu sử dụng năng lượng hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng.
Phần 4, tổng kết, thảo luận xây dựng kế hoạch năm 2023 với một số mục tiêu chính như: Thảo luận và thống nhất các chủ đề ưu tiên của nhóm Công tác Kỹ thuật 4 năm 2023; thành lập các tổ chuyên trách mới và thảo luận, thống nhất về kế hoạch hoạt động của nhóm Công tác kỹ thuật 4 trong năm 2023.
Nhóm công tác kỹ thuật 4 về Hiệu quả năng lượng là 01 trong 05 nhóm công tác kỹ thuật trực thuộc Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), được thành lập vào năm 2017 bởi Chính phủ Việt Nam và các Đối tác phát triển quốc tế. Mục tiêu chung của VEPG nhằm sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững cho Chính phủ Việt Nam, và thúc đẩy các bên liên quan trong quá trình chuyển dịch năng lượng bền vững, phù hợp với luật pháp quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Quang Ngọc - Phương Loan