Chủ nhật, 05/01/2025 | 11:32 GMT+7

G7 ưu tiên hợp tác năng lượng với Việt Nam

23/05/2022

Theo đề xuất của Anh, các thành viên nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã thống nhất đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên hợp tác năng lượng.

Trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 52 tại Davos, Thụy Sỹ, ngày 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) Alok Sharma, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende; Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành, Tập đoàn Vestas Wind Systems ông Henrik Anderson và Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB) Marcos Troyjo. 
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (phải) làm việc với Chủ tịch COP26 Alok Kumar Sharma tại Davos, Thụy Sỹ. 
Phó thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn nhằm thực hiện các cam kết đã đưa ra tại COP26.
Phó Thủ tướng chia sẻ việc vừa bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng vừa giảm phát thải là một bài toán rất phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nguồn lực, công nghệ, năng lực quản trị. Do đó Việt Nam mong muốn Vương quốc Anh, Liên minh châu Âu (EU) và G7 sớm đưa ra cam kết cụ thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Theo đánh giá của Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma, Việt Nam đã quyết định đúng đắn khi đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại COP26. Đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy triển khai cam kết này, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.
Việt Nam có nhiều thế mạnh về năng lượng tái tạo. Tại cuộc họp tháng 3/2022, theo đề xuất của Anh, các thành viên G7 đã thống nhất đưa Việt Nam vào danh sách các nước G7 ưu tiên hợp tác năng lượng. Trên cơ sở đó, Chủ tịch COP26 mong muốn các nước G7 và Việt Nam sẽ sớm đạt thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững.
Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài tham gia, phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. 
Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII, và hướng đến quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia. Theo đó, tổng nhu cầu về nguồn điện của Việt Nam đến năm 2025 là hơn 100.000MW, năm 2030 là 150.000MW, trong đó, tổng nhu cầu năng lượng tái tạo trung bình chiếm hơn 30% tổng nhu cầu điện.
Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tài chính tham gia, phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.
Khánh An