Thứ sáu, 22/11/2024 | 14:05 GMT+7

Tập đoàn năng lượng Na Uy quan tâm đến dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam

05/05/2022

Ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã có buổi tiếp Đại sứ Na Uy tại Việt Nam và Tập đoàn Equinor (Na Uy), nhằm trao đổi về các vấn đề liên quan đến điện gió ngoài khơi.

Tại buổi gặp, bà Grete Lochen – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam – đánh giá cao những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Na Uy và Việt Nam trong những năm qua, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế biển, năng lượng tái tạo, chống biến đổi khi hậu, phát triển bền vững...
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đánh giá cao những nghiên cứu của Tập đoàn Equinor (Na Uy) phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại địa phương của Việt Nam
Na Uy có đường bờ biển dài, nguồn gió ngoài khơi dồi dào và ngành công nghiệp dầu khí phát triển. Với kinh nghiệm chuyên môn lâu đời về hàng hải và các hoạt động ngoài khơi, Na Uy đang ở một vị trí có một không hai để đóng góp vào thị trường gió ngoài khơi đang ngày càng phát triển. Các công ty và cụm công nghiệp của Na Uy đang tận dụng những kiến ​​thức chuyên môn ngoài khơi đặc biệt là những kinh nghiệm, kỹ năng và kiến ​​thức xây dựng các công trình trên biển của mình, để khẳng định vị thế của mình trên thị trường điện gió ngoài khơi toàn cầu.
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Jens Olaf Økland - Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách về phát triển kinh doanh năng lượng tái tại của Tập đoàn Equinor - cho biết, Tập đoàn Equinor chính thức mở văn phòng đại diện tại Hà Nội. Điều này thể hiện cam kết lâu dài của Chính phủ Na Uy trong việc hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và tại COP 26.
Bà Grete Lochen – Đại sứ Na Uy tại Việt Nam - phát biểu tại buổi tiếp
“Việc mở văn phòng đại diện tại Hà Nội của Tập đoàn Equinor là tín hiệu tốt, nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam hoạch định chính sách thực hiện cam kết biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh. Đây cũng là dấu mốc quan trọng trong chương trình nghị sự hợp tác về kinh doanh giữa Việt Nam – Na Uy” – bà Đại sứ nhấn mạnh.
Equinor là 1 công ty năng lượng lớn của Na Uy (sở hữu của nhà nước Na Uy là 67%), có mặt tại trên 30 quốc gia tham gia phát triển các dự án dầu khí, năng lượng gió, mặt trời. Hiện nay, Tập đoàn này đã hợp tác với Bộ Công Thương về nghiên cứu phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại địa phương của Việt Nam. Nghiên cứu này đã được đề xuất từ tháng 11/2020 và triển khai, có kết quả và đã được Đại sứ quán trao lại báo cáo nghiên cứu cho Bộ Công Thương nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy (1971-2021) tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Na Uy Grete Lochen tháng 10/2021.
Ngoài ra, Equinor và PVN đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc đánh giá, xác định tính khả thi để hợp tác phát triển dự án điện gió ngoài khơi và năng lượng tái tạo tại Việt Nam ngày 25/3/2021. Trong năm 2021, PVN – Equinor đã nghiên cứu đánh giá tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và có văn bản đề xuất vị trí khảo sát điện gió ngoài khơi đến các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Bình và Hải Phòng…
Thứ trưởng Đặng Hoàng An chia sẻ về chính sách của Việt Nam hướng tới phát triển điện gió ngoài khơi
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đặng Hoàng An đánh giá cao những hợp tác của Tập đoàn Equinor và Bộ Công Thương trong thời gian vừa qua.
Đối với chính sách của Việt Nam hướng tới phát triển điện gió ngoài khơi, theo dự thảo mới nhất của Quy hoạch phát triển điện lực Việt Nam, dự kiến đến năm 2030 sẽ phát triển 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi. Tỷ trọng điện gió chiếm khoảng 15,8% tổng công suất hệ thống, trong đó điện gió ngoài khơi là 4,8%.
Vì vậy, Thứ trưởng mong muốn Tập đoàn Equinor tiếp tục nhận sự hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm từ phía Na Uy để Việt Nam thực hiện các mục tiêu trên.
Tại buổi làm việc, đại diện Tập đoàn Equinor đã chia sẻ kinh nghiệm, hiểu biết về hệ thống khung pháp lý của các nước trên thế giới, như định hướng chính sách của Chính phủ, yếu tố thành công và thành phần của chính sách (tham vọng về phát triển, uy tín chính sách, vai trò của ngành công nghiệp, hệ thống đấu giá, yêu cầu nội địa hóa…); mô hình phát triển (tập trung/riêng biệt), vai trò các bên, các yêu cầu, giấy phép cần thiết cho phát triển dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời, kiến nghị về quy mô, giao biển, phát triển và sở hữu lưới điện, yếu tố khuyến khích, phát triển chuỗi cung ứng.
Ông Jens Olaf Økland – cho biết, Equinor đã nghiên cứu thị trường Việt Nam từ năm 2019, vì vậy, Tập đoàn sẵn sàng chuyển giao kiến thức, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách cũng như phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực của các công ty năng lượng trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động trong nước… Mong muốn ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp vững mạnh.
Theo: Báo Công Thương