Thứ sáu, 01/11/2024 | 15:23 GMT+7
Trong ba thập kỷ trở lại đây, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tăng trưởng GDP trung bình giai đoạn 2001-2010 là 7,26%/năm, giai đoạn 2011-2018 là 6,2%/năm. Điều này đặt ra áp lực lớn về phát triển nguồn cung năng lượng trong bối cảnh các nguồn năng lượng tự nhiên đang dần cạn kiệt. Đồng thời, chúng ta cũng đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng phát thải thấp để đảm bảo các mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (NL TK&HQ) là giải pháp ưu tiên hàng đầu để đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh Việt Nam. Trong đó, công nghiệp là lĩnh vực tiêu thụ nhiều điện năng nhất trong cơ cấu nền kinh tế, chiếm hơn 50% tổng tiêu thụ điện. Đây cũng là lĩnh vực được dự báo còn nhiều dư địa tiết kiệm năng lượng, với khoảng từ 25-30%. Theo đánh giá của EVN, nếu 2.900 cơ sở tiêu thụ điện trọng điểm tiết kiệm chỉ 2% lượng điện năng tiêu thụ, thì mỗi năm cả nước sẽ tiết kiệm được 1,4 tỷ kWh.
Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Để phát triển ổn định kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam ban hành nhiều chương trình hành động về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và tăng trưởng xanh. Trong đó nổi bật là Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nỗ lực chung tay với cộng đồng thế giới trong công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu, với việc tham gia vào Thỏa thuận Paris.
Để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu này, trong những năm qua, Bộ Công Thương và Chính phủ Hàn Quốc đã có nhiều hoạt động hợp tác thúc đẩy sử dụng NL TK&HQ trong lĩnh vực công nghiệp. Cụ thể, giai đoạn 2018-2019, Bộ Công Thương hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thực hiện Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp”. Dự án đã góp phần tích cực trong việc xây dựng năng lực cho các cơ quan, đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm nâng cao năng lực cho các công ty dịch vụ năng lượng (ESCO) về tìm kiếm dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng (TKNL); kết nối các doanh nghiệp công nghiệp với đơn vị ESCO và đơn vị giải pháp tài chính thực hiện các dự án; khuyến nghị chính sách; thực hiện kiểm toán năng lượng tại một số cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm.
Tiếp nối các thành công đó, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tổ chức KOICA tiếp tục hợp tác trong Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư tiết và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam và hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh”. Dự án có tổng kinh phí 6,4 triệu USD từ nguồn ODA không hoàn lại do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Đại diện Bộ Công Thương tham gia dự án là Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững; về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư là Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường.
Mục tiêu tổng quát của Dự án là đóng góp vào mục tiêu quốc gia thông qua giảm cường độ năng lượng bằng cách cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp; đảm bảo an ninh năng lượng; và giảm phát thải khí nhà kính.
Cụ thể, Dự án đặt mục tiêu mở rộng thực hiện kiểm toán năng lượng cho ít nhất 20 doanh nghiệp công nghiệp, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và báo cáo nghiên cứu khả thi (FS) cho ít nhất 30 doanh nghiệp, lập hồ sơ vay vốn cho 3-5 dự án tiếp cận các nguồn tài trợ, đề xuất mô hình đầu tư đầu tư HQNL ESCO. Đồng thời, xây dựng và sửa đổi 03 quy định mức tiêu hao năng lượng cho ngành, phân ngành có cường độ năng lượng lớn, xây dựng và phổ biến 05 hướng dẫn kỹ thuật về HQNL cho ngành, phân ngành và tăng trưởng xanh cho một số phân ngành công nghiệp và kinh tế. Đào tạo và cấp chứng chỉ cho 200 cán bộ quản lý năng lượng, kiểm toán viên năng lượng và chuyên gia ESCO; nâng cao năng lực cho các đơn vị ESCO, trung tâm TKNL về công nghệ TKNL, đầu tư và quản lý tài chính dự án TKNL.
Bên cạnh đó, khảo sát, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cấp tỉnh để đóng góp hiệu quả vào Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần đạt mục tiêu quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính. Bên cạnh các hoạt động kỹ thuật, Dự án triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá các mô hình, giải pháp thành công.
Dự án gồm 05 hợp phần chính nhằm thực hiện các mục tiêu trên, với thời gian thực hiện dự kiến từ 2021-2025. Hội thảo khởi động dự án sẽ được tổ chức ngày 20/04/2022 tại Hà Nội
An Nhiên