Thứ sáu, 01/11/2024 | 17:28 GMT+7
Ngày 01/4, Văn phòng UBND thành phố Cần Thơ ban hành Công văn số 1092/VPUB-XDĐT gửi các sở có liên quan về việc có ý kiến đối với đề xuất dự án và chuẩn bị nội dung làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về dự án Thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng Việt Nam (SEEP).
Theo đó, UBND thành phố Cần Thơ giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan có ý kiến đối với đề xuất dự án Thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng tại thành phố Cần Thơ. Thời gian cho ý kiến trước ngày 05/4 và chuẩn bị nội dung để lãnh đạo UBND TP làm việc với ADB dự kiến ngày 07/4.
ADB đề xuất dự án thành phố thông minh và tiết kiệm năng lượng ở Cần Thơ. (Ảnh minh họa. Nguồn Internet)
Theo dự thảo đề xuất dự án, UBND TP Cần Thơ là cơ quan chủ quản và chủ dự án là Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ. Dự án được đề xuất bởi ADB và đồng tài trợ bởi Quỹ khí hậu xanh (GCF).
Mục tiêu tổng quát của dự án SEEP nhằm giúp địa phương đạt được các mục tiêu đặt ra trong chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 và đề án “xây dựng thành phố thông minh tại Cần Thơ trong giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030".
Các hoạt động được thực hiện trong dự án sẽ phù hợp với các sáng kiến hiện có của Chính phủ Việt Nam cũng như UBND Cần Thơ nhằm đạt được các mục tiêu quốc gia và thành phố đã hoạch định.
Các mục tiêu cụ thể của SEEP là chuẩn bị những dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng, chiếu sáng công cộng và các toà nhà công cộng, giúp TP Cần Thơ đạt được các mục tiêu về tiết kiệm năng lượng theo kế hoạch hành động tiết kiệm năng lượng của địa phương; thúc đẩy tạo một môi trường thuận lợi cho việc sử dụng năng lượng hiệu quả, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực và nhận thức.
Đối với SEEP, ADB đề xuất các hợp phần thuộc phạm vi dự án, bao gồm hợp phần một là chiếu sáng thông minh: hợp phần này sẽ thực hiện cải tạo 30.579 bóng đèn đường hiện hữu bằng đèn Led; thay thế 747 tủ điện/bảng điều khiển cũ; lắp 24.691 điểm chiếu sáng mới và 381 cột đèn thông minh trên địa bàn thành phố.
Hợp phần hai bao gồm tiến hành cải tạo 50 tòa nhà công cộng ở Cần Thơ bao gồm 19 bệnh viện, 27 trường học và 4 văn phòng dựa trên Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại thành phố Cần Thơ và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiết kiệm năng lượng cho toà nhà bao gồm điện mặt trời áp mái; hệ thống che nắng trong nhà; hệ thống và điều khiển chiếu sáng hiệu quả, hệ thống sưởi, thông gió hiệu quả, hệ thống quản lý năng lượng tòa nhà và hệ thống điều hòa không khí để tăng cường tiết kiệm năng lượng trong mảng tòa nhà công cộng…
Mục tiêu đến năm 2025, hệ thống chiếu sáng công cộng được thay thế, lắp đặt và xây dựng lại bằng hệ thống chiếu sáng hiệu quả cao với công nghệ điều khiển chiếu sáng công cộng hiện đại. Các tòa nhà đảm bảo tuân thủ việc thực hiện các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả. Dự kiến tiết kiệm năng lượng đến năm 2025 là 4,5-5% và đến năm 2030 sẽ 6-7%.
Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ tháng 10-2020 đến tháng 3-2022 và giai đoạn 1 thực hiện dự án (bao gồm mua sắm và xây dựng) bắt đầu từ tháng 4-2022 đến tháng 12-2025.
Tổng mức đầu tư cho dự án Chiếu sáng đường phố và tòa nhà công cộng là 67,29 triệu USD (tương đương 1.561.234 triệu đồng) bao gồm từ ba nguồn là ADB, GCF và vốn đối ứng của TP Cần Thơ (ADB sẽ là cơ quan quản lý nguồn tài trợ của GCF trong dự án này).
Đối với khoản vay ODA (vay ODA của ADB và GCF), UBND TP Cần Thơ sẽ là đơn vị vay vốn/chủ dự án. Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ ký các hiệp định vay và sử dụng tài trợ từ ADB và GCF và cho UBND TP Cần Thơ vay lại để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố theo Nghị định 97/2018/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2018. Khoản hỗ trợ kỹ thuật của ADB sẽ tài trợ cho việc nghiên cứu kỹ thuật, hỗ trợ thực hiện và nâng cao năng lực.
Mai Anh