Thứ bảy, 02/11/2024 | 09:17 GMT+7

Giám đốc Chương trình Hợp tác toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch thăm làng gốm Kim Lan

19/05/2016

Chiều ngày 18/5/2016, ông Anton Beck đã đến thăm Kim Lan, một ngôi làng nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống lâu đời ở huyện Gia Lâm, Hà Nội.

Từ ngày 18/5 - 20/5/2016, ông Anton Beck, Giám đốc Chương trình Hợp tác toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Đan Mạch thuộc Bộ Năng lượng, Hạ tầng kỹ thuật và Khí hậu Đan Mạch sẽ có chuyến công tác tại Việt Nam. Chuyến công tác của ông Anton Beck nằm trong khuôn khổ dự án chuyển hóa cacbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng (LCEE) - một sáng kiến năm 2012 từ quan hệ hợp tác dài hạn giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực năng lượng tại Việt Nam.

Theo kế hoạch, trong ba ngày làm việc, ông Anton Beck sẽ tham dự một số cuộc họp, gặp gỡ với lãnh đạo Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương và đến thăm một số doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ phía Đan Mạch. 

Ngay trong ngày đầu tiên đến Việt Nam, ông Anton Beck đã có cuộc gặp với Đại sứ Đan Mạch Charlottle Laursen và đến thăm Kim Lan, một ngôi làng nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống lâu đời ở huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây cũng là xã đầu tiên nhận được vốn vay từ Dự án chuyển hóa cacbon thấp trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng.

Sau cuộc gặp gỡ ngắn với lãnh đạo UBND xã và tham quan bảo tàng gốm cổ Kim Lan, ông Anton Beck đã tới hộ gia đình anh Vũ Đức Vinh (Thôn 6, xã Kim Lan, gia Lâm, Hà Nội) và trực tiếp tham quan công nghệ đốt gốm bằng lò gas LPG. Bên cạnh đó, ông cũng được tận mắt nhìn thấy công nghệ sản xuất gốm theo cách truyền thống của người dân địa phương là sử dụng lò hộp đốt bằng than - phương thức sản xuất cũ gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người và làm ô nhiễm môi trường. 

“Từ khi chuyển đổi sang sử dụng lò gas, gia đình tôi đã tiết kiệm được đáng kể chi phí thuê nhân công và giảm thiểu được số lượng lớn sản phẩm hỏng. Với giá bán được giữ nguyên như giá bán khi dùng lò đốt than, gia đình tôi vẫn có lãi. Hiện nay, ngày nào gia đình tôi cũng cho ra lò một mẻ gốm. Nhờ dùng lò gas để đốt gốm nên bây giờ, cứ khi nào khách hàng cần là gia đình tôi có thể đáp ứng được đơn hàng đó với thời gian được rút ngắn đi rất nhiều so với trước đây khi còn dùng lò than”, anh Vinh cho biết.

Bày tỏ nguyện vọng của rất nhiều hộ kinh doanh trong làng, ông Nguyễn Tiến Mừng, Phó chủ tịch UBND xã Kim Lan cũng nhấn mạnh: “Hiện nay ở xã Kim Lan còn khoảng 100 hộ gia đình vẫn sử dụng lò than và các hộ này đều có nguyện vọng chuyển đổi sang sử dụng lò gas nhưng chưa có điều kiện. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ của dự án để bà con Kim Lan được nhận vốn chuyển đổi công nghệ sang sử dụng lò gas thay cho lò than truyền thống, giúp bà con ổn định sản xuất, bảo đảm được sức khỏe và đặc biệt giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Minh Phương