Thứ bảy, 02/11/2024 | 09:20 GMT+7

Chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của Đan Mạch

19/11/2015

Đan Mạch là một trong những quốc gia trên thế giới có kinh nghiệm lâu năm về chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả (SDNLHQ). Đan Mạch đã trở thành quốc gia có nền kinh tế SDNLHQ nhất trên thế giới. Để có được thành tựu này, Đan Mạch đã có các chính sách sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Đan Mạch là một trong những quốc gia trên thế giới có kinh nghiệm lâu năm về chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả (SDNLHQ). Đan Mạch đã trở thành quốc gia có nền kinh tế SDNLHQ nhất trên thế giới. Trong các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng cao, SDNLHQ là một yếu tố quan trọng và các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục chú trọng vào SDNLHQ và tìm cách tận dụng hoặc giảm sử dụng năng lượng. Các hoạt động này đã thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ hiệu quả hơn, một số trong đó hiện đang được xuất khẩu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mặc dù có sự khác biệt lớn về kinh tế và hệ thống pháp luật giữa Việt Nam và Đan Mạch, chính sách SDNLHQ của Đan Mạch có thể có những liên quan và là tiền đề có thể áp dung tại các địa phương ở Việt Nam.

Thuế năng lượng

Đan Mạch áp dụng các mức thuế các khác nhau cho từng ngành nhằm bảo vệ tính cạnh tranh của ngành công nghiệp thâm dụng năng lượng trong nước trên thị trường quốc tế. Các cơ quan quản lý ở địa phương có các phương tiện khác nhau để thu thuế như dựa trên năng lượng tiêu thụ của doanh nghiệp. 

Ở Đan Mạch, mức thuế năng lượng được đánh giá là ở mức trung bình. Tuy nhiên, đối với Việt Nam thì áp dụng mức thuế là bao nhiêu cần phải đánh giá cụ thể trong bối cảnh chung của quốc gia (yếu tố tài chính và xã hội) và từng trường hợp cụ thể.

Áp dụng thuế năng lượng mang lại đồng thời 2 tác dụng đó là tăng ưu đãi cho các doanh nghiệp SDNLHQ đồng thời cũng góp phần tăng thu ngân sách.

Thỏa thuận tự nguyện

Cơ chế thỏa thuận tự nguyện (TTTN) là một công cụ để tăng cường nhận thức và tham gia vào sử dụng năng lượng hiệu quả. TTTN là một giải pháp thay thế cho những giải pháp truyền thống trước đây. Trong Cơ chế TTTN, các bên sẽ thỏa thuận với nhau để đạt được mục tiêu chung là giảm sử dụng năng lượng đồng thời vẫn đảm bảo đầu ra.

Đan Mạch đã khởi xướng việc tham gia tự nguyện cùng với sự ra đời của một chương trình kiểm toán năng lượng bắt buộc vào những năm đầu thập kỷ 90. Từ năm 1996 đến 2013, Cơ quan năng lượng Đan Mạch (DEA) đã có nhiều thỏa thuận tham gia tự nguyện với các công ty thâm dụng năng lượng trong việc thực hiện các dự án sử dụng năng lượng hiệu quả. Nguyên tắc chung đó là chính phủ Đan Mạch sẽ giảm thuế năng lượng cho các doanh nghiệp thâm dụng năng lượng có chứng chỉ hệ thống quản lý năng lượng (EMS) đồng thời thực hiện tất cả các dự án tiết kiệm năng lượng và cam kết hoàn thành các dự án đó trong 4 năm.

Cơ chế sử dụng Năng lượng Hiệu quả bắt buộc   

Đan Mạch áp dụng Hệ thống nghĩa vụ hiệu quả năng lượng EEO từ năm 2006, các công ty năng lượng  là đối tượng bắt buộc tham gia và phải cam kết thực hiện tiết kiệm năng lượng một cách toàn diện.

Cơ chế này áp dụng cho các công ty năng lượng do những công ty này có tác động trực tiếp đến người tiêu dùng và phạm vi ảnh hưởng rộng lớn và ổn định vì đây là những đơn vị cung cấp năng lượng của Đan Mạch. 

Mục tiêu cụ thể của chương trình này là các công ty năng lượng sẽ tăng nỗ lực tiết kiệm năng lượng toàn diện, tập trung vào đạt được mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong khâu tiêu thụ năng lượng cuối cùng. Có nghĩa rằng giá năng lượng sẽ giảm sau khi doanh nghiệp thực hiện thành công chương trình này và người tiêu dùng được hưởng lợi từ kết quả này. Cơ chế EEO Đan Mạch không tập trung vào khâu sản xuất của hệ thống năng lượng.

EEO cũng hướng tới đối tượng là các khách hàng hộ gia đình, tuy nhiên lĩnh vực công nghiệp lại tiêu thụ năng lượng nhiều hơn, do đó, hiệu quả về kinh tế mang lại khi áp dụng đối với công nghiệp cao hơn là hộ gia đình.

Hỗ trợ tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp 

Hình thức hỗ trợ cho dự án tiết kiệm năng lượng là biện pháp tạm thời khi Đan Mạch bắt đầu áp thuế năng lượng trong công nghiệp. Cơ chế trợ cấp này lấy kinh phí từ thuế năng lượng thu được với mục đích thu hút các công ty đầu tư vào công nghệ sản xuất sạch, kết quả là sẽ giảm được gánh nặng thuế năng lượng cho các doanh nghiệp. Cơ chế này đã hoạt động được 8 năm.

Cơ chế hỗ trợ không giới hạn cho một ngành hay một khu vực nào mà được áp dụng rộng rãi cho tất cả các ngành và khu vực địa lý. 

Cơ chế hỗ trợ này đã giảm được phát thải CO2 với mức chi phí kinh tế - xã hội thấp. Hơn nữa, phần lớn các công ty (trên 90%) thu được tác động tích cực từ những khoản đầu tư từ nguồn trợ cấp. Cơ chế này vừa nâng cao nhận thức về SDNLHQ cho các công ty đồng thời ở cấp độ quản lý đã tập trung vào SDNLHQ một cách thường xuyên liên tục.

Cơ chế hỗ trợ đã thay đổi thị trường sản phẩm công nghệ tiêu thụ năng lượng và nhiều giải pháp tiêu chuẩn khác đã thành công và vẫn còn được áp dụng sau khi kết thúc chương trình.

Các chính sách khác

Xây dựng hệ thống quản lý năng lượng (EMS) rút gọn là một trong những giải pháp hỗ trợ mà Đan Mạch khuyến khích. Kinh nghiệm của Đan Mạch cho thấy EMS rút gọn có khả năng giảm tiêu thụ năng lượng đáng kể và với điều kiện của Việt Nam, đây có thể là một mô hình để tham khảo hoặc kết hợp với Cơ chế TTTN.

Ngoài các giải pháp nêu trên, Đan Mạch còn đưa ra giải pháp nâng cao năng lực và thông tin. Đây là là một phần thiết yếu để thành công trong chương trình tiết kiệm năng lượng. Nâng cao nhận thức liên quan mật thiết đến xây dựng năng lực và đào tạo vì thiếu hiểu biết và năng lực có thể sẽ cản trở tính hiệu quả của chương trình.

Chính phủ Đan Mạch cũng đưa ra cơ chế hỗ trợ các ngành công nghiệp chuyển sang dùng năng lượng tái tạo hoặc sưởi ấm như từ nhiệt dư thừa từ các ngành công nghiệp lân cận, đồng thời hỗ trợ đầu tư vào các giải pháp để tăng hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo. Cơ chế này còn hỗ trợ các công nghệ năng lượng tái tạo, tạo cơ hội phát triển thị trường nội địa, tạo cơ sở cho việc mở rộng ra thị trường xuất khẩu. 

Ngọc Ánh