Thứ ba, 05/11/2024 | 01:12 GMT+7

Dự thảo Nghị định đã bao quát được các nội dung của Luật

26/10/2010

Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được khẩn trương xây dựng và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Gồm 8 chương và 42 điều, được đánh giá là có nhiều nội dung qui định khá chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các bộ, ngành và cơ quan có liên quan, Dự thảo Nghị định đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều đại biểu trong cuộc Hội thảo lấy ý kiến mới đây do Văn phòng TKNL - Bộ Công Thương tổ chức.

Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đang được khẩn trương xây dựng và lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan. Gồm 8 chương và 42 điều, được đánh giá là có nhiều nội dung qui định khá chi tiết về quyền và nghĩa vụ của các bộ, ngành và cơ quan có liên quan, Dự thảo Nghị định đã nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều đại biểu trong cuộc Hội thảo lấy ý kiến mới đây do Văn phòng TKNL - Bộ Công Thương tổ chức.

 

Nghị định cần cụ thể hơn Luật

 

Nhìn chung, các đại biểu đều cho rằng, Ban soạn thảo đã thành công trong việc xây dựng nội dung Nghị định bao quát được tất cả các nội dung của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đương nhiên, sẽ có một số điều cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

Bà Nguyễn Thị Kim Anh - Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong Nghị định, tránh ghi chung chung như “phải ưu tiên” (Điều 18), hay “khuyến khích” (Điều 21, 31) mà theo bà Kim Anh, dù trong giai đoạn khuyến khích vẫn phải áp dụng các biện pháp bắt buộc hoặc ngược lại, nếu không tính khả thi sẽ thấp. Cùng chung quan điểm, ông Đoàn Văn Tiến - Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thay cụm từ “phải ưu tiên” trong khoản 1 Điều 18 bằng “chỉ được mua sắm các trang thiết bị…”. Cụm từ “khuyến khích” trong Điều 21 và 31 theo ông Tiến cũng nên bỏ vì Nghị định của Chính phủ không nên dùng khuyến khích mà là pháp lệnh yêu cầu các bộ, ban, ngành thực hiện.

 

nguyen dinh hiep.jpg 

 

Theo ý kiến của nhiều đại biểu, một số nội dung Dự thảo Nghị định qui định quá chi tiết, có thể dẫn đến tình trạng liệt kê nhiều mà không đủ. Cụ thể, ông Trương Duy Nghĩa - Hội Nhiệt Việt Nam đề nghị, khoản 1b Điều 5 của Dự thảo Nghị định chỉ cần liệt kê về nhiên liệu hóa thạch và các sản phẩm chế biến từ nhiêu liệu hóa thạch là đủ ý nhất. Nếu nói rõ là xăng dầu, khí đốt, than đá, dầu mỏ thì chưa hết ý, có thể có những sản phẩm khác mà chúng ta chưa liệt kê.

 

Tương tự, khoản 3b Điều 34 chỉ nên ghi, sử dụng khí hóa lỏng, hoặc sử dụng các loại khí đốt là đủ không cần liệt kê quá chi tiết. Ông Nghĩa cũng cho rằng, thời gian đầu khi mới thi hành Luật thì việc kiểm toán năng lượng ở các cơ sở không trọng điểm chỉ khuyến khích còn hợp lý, chấp nhận được. Tuy nhiên, không nhất thiết là chỉ các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm mới phải kiểm toán, bởi nếu gộp nhiều doanh nghiệp không trọng điểm lại cũng thành doanh nghiệp trọng điểm và số ấy cũng rất lớn. Hơn nữa, đã là doanh nghiệp thì đều có đủ điều kiện để thực thi việc kiểm toán năng lượng nếu có cách hướng dẫn phù hợp, tiến tới thực hiện kiểm toán năng lượng bắt buộc với tất cả các doanh nghiệp.

 

Điều 13, theo ông Nghĩa các đơn vị hành chính sự nghiệp ví dụ như các bộ chẳng hạn, cũng sử dụng năng lượng rất nhiều, vậy nên đặt vấn đề các đơn vị này cũng phải có thống kê sử dụng năng lượng. Bà Kim Anh cũng đề nghị bổ sung thêm đối tượng là cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước phải đi đầu trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó cần sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội để thực hiện công tác này.

 

Khó nhất là thống kê

 

Có thể nói, xuyên suốt trong Nghị định này với vai trò hết sức quan trọng là phần thống kê, liên quan chặt chẽ đến Tổng Cục thống kê Việt Nam. Ông Nguyễn Huy Minh – Đại diện Tổng cục Thống kê cho ý kiến, Cục thống kê được phân công chủ trì thống kê các chỉ tiêu liên quan đến sử dụng năng lượng. Trên cơ sở hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia thì các bộ ngành cũng xây dựng hệ thống chỉ tiêu của mình theo chức năng quản lý.

 

Vì vậy, hệ thống chỉ tiêu về TKNL sẽ được xây dựng và cài đặt trong hệ thống bộ, ngành. Trong Nghị định này nên qui định hệ thống chỉ tiêu thống kê này trong hệ thống chỉ tiêu của bộ và do bộ công bố. Theo ông Minh, Bộ sẽ là đơn vị chủ trì và xây dựng chế độ báo cáo, hoặc điều tra nên không cần đưa vào Nghị định mà sau này sẽ cụ thể hóa bằng các Thông tư hướng dẫn của Bộ. Tóm lại, toàn bộ thống kê năng lượng nên gộp vào 1 chương để nhất quán từ hệ thống chỉ tiêu năng lượng đến chế độ báo cáo và phương thức thu thập tổng hợp.

 

Ông Minh cũng cho rằng, do danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm sẽ thay đổi hàng năm, nên không nhất thiết phải trình Chính phủ mà chỉ cần hàng năm Bộ Công Thương tổng hợp và công bố công khai trên trang web của Bộ thì phù hợp hơn. Để tránh gây gánh nặng cho đơn vị cơ sở, nơi nhận báo cáo cũng chỉ cần gửi cho Sở Công Thương, chứ không nhất thiết doanh nghiệp phải gửi báo cáo lên cục Thống kê tại các địa phương.

 

Không sợ không khả thi

 

Ông Trần Văn Hai - Phó trưởng Phòng Ban Pháp chế Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) cho rằng, cả Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và Dự thảo Nghị định tổng cộng có khoảng 40 nội dung cần được hướng dẫn thực hiện chi tiết, hiếm có văn bản nào có nhiều qui định bắt các cơ quan nhà nước hướng dẫn nhiều như vậy. Đã có nhiều bài học là Luật ra đời đến 5 năm sau mới có văn bản hướng dẫn thực hiện, trong khi lĩnh vực TKNL là lĩnh vực cực kỳ khó, vừa mới vừa đan xen nhiều đơn vị, nếu không có qui định rõ ràng các nội dung, các tiêu chí và các điều kiện thì khó thực hiện trong tương lai.

 

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hiệp - Chánh Văn phòng TKNL, Phó Ban soạn thảo Nghị định khẳng định, Bộ Công Thương cũng đã chuẩn bị sẵn để sau khi Nghị định ban hành là có ngay các thông tư hướng dẫn và các  mẫu báo cáo như thế nào, qui trình xử lý tiếp nhận thông tin ra sao, nên không lo ngại về tính không khả thi.

Lộ trình dán nhãn và danh mục hơn 10 sản phẩm cần dán nhãn cũng đã được lựa chọn để thực hiện. Ngoài ra, danh mục mua sắm như thế nào đã được chuẩn bị để khi Nghị định ban hành là có ngay văn bản hướng dẫn. Về danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, ông Hiệp chia sẻ, trong quá trình quản lý nhà nước thời gian qua, Bộ Công Thương đã xác định được trong lĩnh vực công nghiệp có khoảng hơn 1.200 doanh nghiệp trọng điểm có mức sử dụng trên 1.000 tấn dầu tương đương, lính vực giao thông vận taỉ khoảng 500 doanh nghiệp có mức sử dụng khoảng 800 tấn dầu tương đương. Ngoài ra, trong lĩnh vực xây dựng, dân dụng và tòa nhà, Bộ Xây dựng đã xác định có khoảng hơn 500 tòa nhà có diện tích sàn lớn hơn 2000 m2.

 

Riêng ý kiến cho rằng không cần thiết phải trình Chính phủ về danh mục các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm do Bộ Công Thương cập nhật hàng năm, ông Hiệp cũng đồng tình cho rằng nên để ở cấp Bộ thì tốt hơn do tính phức tạp và thay đổi thường xuyên. Ông Hiệp cho biết, Ban soạn thảo sẽ có kiến nghị vấn đề này trong tờ trình gửi Chính phủ sau khi Nghị định đã hoàn thiện về mặt nội dung.

 

Đây là Hội thảo lấy ý kiến bộ, ngành lần thứ hai của Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong thời gian qua, Ban soạn thảo đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, doanh nghiệp… và đang tiếp tục tổng hợp, hoàn thiện Dự thảo.

 

Dự kiến, cuối tháng 11/2010, Dự thảo Nghị định sẽ được trình  Chính phủ phê duyệt.

 

Hồ Nga