Thứ sáu, 22/11/2024 | 23:21 GMT+7
Một chuyến đi, hai đích
Điện hạt nhân, đất hiếm là hai lĩnh vực được cựu Thủ tướng
Nhật Bản Yukio Hatoyama đề nghị mở rộng hợp tác với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
vào chiều 25/10, tại Hà Nội.
Đây cũng là nội dung được cựu Thủ tướng và đoàn nghị sĩ Quốc hội Nhật Bản đề cập trong một loạt chuyến thăm, làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ… của Việt Nam.
Từ điện hạt nhân
Cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama đề nghị được tiếp tục
thúc đẩy mạnh quan hệ, hợp tác Việt Nam – Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực
kinh tế, thương mại; chuyển giao công nghệ kỹ thuật và đào tạo nhân lực cho
lĩnh vực năng lượng nguyên tử.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Yukio Hatoyama tại cuộc hội đàm nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ nhất ở thủ đô Tokyo tháng 11/2009
“Việc hai nước cơ bản thống nhất những nội dung của Hiệp định hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình được xem là một mốc quan trọng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng giữa Việt Nam và Nhật Bản”, vị cựu Thủ tướng nói.
Theo cựu thủ tướng Yukio Hatoyama, phía Nhật Bản rất quan tâm và mong muốn được hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong các dự án thăm dò, khai thác đất hiếm; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển…
Một tập đoàn do Chính phủ và 6 công ty Nhật Bản phối hợp mang tên Tập đoàn Phát triển Năng lượng Hạt nhân Quốc tế vừa được thành lập ngày 20/10.
Ngoài quảng bá công nghệ hạt nhân của Nhật Bản, Tập đoàn này có nhiệm vụ thúc đẩy việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân và các dịch vụ bảo trì cho các khách hàng nước ngoài và Việt Nam là một trong những khách hàng chính.
Cựu thủ tướng Yukio Hatoyama khẳng định, Nhật Bản đáp ứng đầy đủ 6 tiêu chí của Việt Nam gồm công nghệ tiên tiến và đã qua thử nghiệm, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tài chính, cung cấp nguyên liệu ổn định, hỗ trợ xử lý chất thải và chuyển giao công nghệ cho phía Việt Nam.
Từ nay tới năm 2030 Việt Nam có kế hoạch xây dựng 13 lò phản ứng hạt nhân với tổng công xuất 15 gigawatt và đã ký hợp đồng xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên với Liên bang Nga.
Ngoài nỗ lực quảng bá về lĩnh vực năng lượng nguyên tử, chuyến thăm Việt Nam của vị cựu Thủ tướng như một bước thăm dò, thúc đẩy việc hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai của Việt Nam.
Nhiều khả năng thỏa thuận hạt nhân giữa Việt Nam – Nhật Bản được ký. Nhưng có lẽ, phải đến sau hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương vào tháng 11 tới, vấn đề này mới thực sự rõ nét.
Đến thăm dò, khai thác đất hiếm
Thị trường đất hiếm (nhân tố không thể thay thế trong ngành công nghiệp kỹ thuật cao và sản xuất các thiết bị quân sự) trên thế giới đang ngày càng sôi động.
Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới, cung cấp cho 95% nhu cầu cho thị trường đất hiếm thế giới. Các doanh nghiệp Trung Quốc khai thác và xuất khẩu 17 loại nguyên tố đất hiếm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama tại Trụ sở Chính phủ
Tân hoa xã ngày 21/10 cho hay, khoảng 15-20 năm nữa, Trung Quốc có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu kim loại hiếm do nhu cầu vượt quá khả năng khai thác và tinh lọc.
Hiện, các doanh nghiệp Trung Quốc đang giảm xuất khẩu kim loại hiếm xuống 30% nhằm bảo vệ tài nguyên khoáng sản quốc gia khỏi nạn khai thác quá mức.
Theo China Daily, trữ lượng đất hiếm tại Trung Quốc chiếm 88% tổng trữ lượng toàn thế giới vào năm 1999 đã giảm xuống còn 52% vào năm 2008, nhưng trong thời gian này, xuất khẩu đất hiếm lại tăng gấp 10 lần.
Vì vậy, hàng năm, Chính phủ Trung Quốc đều cắt giảm 6% kim ngạch xuất khẩu quặng đất hiếm đồng thời tăng cường cơ chế giám sát, điều chỉnh việc khai thác, chế biến và xuất khẩu quặng đất hiếm. Năm 2007, Trung Quốc hạn chế sản lượng đất hiếm xuống 80 nghìn tấn, trong khi nhu cầu của thế giới là 100 nghìn tấn.
Sau hàng hoạt các biện pháp, giá đất hiếm của Trung Quốc đã tăng từ một đến ba lần, nhưng sản lượng lại liên tục giảm, năm 2006 là 53.300 tấn đến năm 2008 giảm xuống còn 34.600 tấn.
Việc cắt giảm xuất khẩu đất hiếm của Trung Quốc buộc các nước có ngành ngành công nghiệp chế tạo phát triển như Mỹ, Nhật, EU, luôn phải đối mặt với việc thiếu nguyên liệu. Năm 2009, Trung Quốc chỉ xuất khẩu sang Nhật 38 nghìn tấn đất hiếm, vừa đủ cho hai hãng Toyota và Honda sử dụng trong năm.
Thiếu nguyên liệu, các quốc gia công nghiệp phát triển buộc phải tính tới việc đầu tư khai thác đất hiếm tại Nga, Kazakhstan, Nam Phi, Botswana, Việt Nam và Malaysia.
Vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi Nhật Bản liên tục đề suất hợp tác thăm dò, khai thác đất hiếm với Việt Nam. Bởi tuy trữ lượng đất hiếm không nhiều như Trung Quốc, song Việt Nam có những vùng mỏ quặng kim loại đất hiếm khá lớn.
Đất hiếm của Việt Nam phân bố chủ yếu ở miền Tây Bắc. Theo Bộ Công Thương, tổng trữ lượng ước tính khoảng 11 triệu tấn. Các mỏ Nậm Sa, Đông Pao (Tam Đường - Lai Châu) ước trên 9 triệu tấn tổng oxyd, hàm lượng oxyd trong quặng trung bình đạt 4-5 %, các thân quặng giàu đạt tới 10- 30%… Đó là chưa kể đến các mỏ ở Phong Thổ - Lai Châu được phát hiện từ năm 1956 cũng chưa được khai thác.
Đây cũng không phải lần đầu Nhật Bản đặt vấn đề hơp tác khai thác đất hiếm của Việt Nam. Hồi đầu năm, ngay khi Việt Nam và Nhật Bản ký Biên bản Ghi nhớ Hợp tác về mặt nghiệp vụ khai thác đất hiếm Đông Pao (chiều ngày 8/1/2010), ông Takahashi Chiaki, Thứ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại & Công nghiệp - Nhật Bản đã đến Việt Nam để đề cập vấn đề này.
Trong buổi làm việc với Bộ Công Thương, ông Takahashi Chiaki thẳng thắn: “Chính phủ Nhật Bản mong msuốn được hợp tác khai thác, chế biến quặng đất hiếm ở Đông Pao”.
“Chính phủ Nhật Bản sẽ rất vui mừng nếu được hỗ trợ nguồn vốn ODA để đầu tư cơ sở hạ tầng xung quanh khu vực này”, ông Takahashi Chiaki nói.
Trình Tiêu