Thứ bảy, 02/11/2024 | 03:34 GMT+7
Thương hiệu Xuân Hòa vốn nổi tiếng với những sản phẩm xe đạp đã trở thành niềm mơ ước của biết bao gia đình. Đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là phải cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu khi chuyển sang nền kinh tế thị trường, ông Nguyễn Văn Hòa- Phó Tổng giám đốc Công ty Xuân Hòa cho biết: “Công ty đã mạnh dạn ký hợp đồng hợp tác liên doanh với 2 công ty của Nhật Bản là Mitshui và Takanichi thành lập liên doanh sản xuất ghế ôtô cho Toyota tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tình hình cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, yêu cầu từ
phía các khách hàng ngày càng chặt chẽ hơn, làm sao vừa có giá thành hợp lý,
chất lượng sản phẩm phải cao những vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp về xã
hội, lao động và môi trường. Qua tìm hiểu về sản xuất sạch hơn tại Trung tâm
Sản xuất sạch Việt Nam(VNCPC) - Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, chúng tôi đã
quyết định tham gia một số dự án và đã mang lại nhiều kết quả nhất định về mặt
kinh tế, giảm thiểu ô nhiễm môi trường với 4 nội dung: Sử dụng năng lượng hiệu
quả, bảo dưỡng công nghiệp, đánh giá sản xuất sạch hơn trong lĩnh vực gia công
và hoàn tất bề mặt kim loại, đánh giá khoảng cách công nghệ”.
Để thực hiện được 4 nội dung trên, công ty đã thành lập nhóm
thực hiện dự án gồm 8 cán bộ chủ chốt của công ty, trong đó ông Trần Quốc Lập- Tổng
giám đốc là trưởng nhóm. Qua quá trình điều tra, khảo sát, nhóm thực hiện dự án
đã đi đến quyết định lựa chọn trọng tâm đánh giá là các công đoạn: Bảo dưỡng
thiết bị,sử dụng điện, nước, gas, hóa chất các công đoạn mạ và sơn sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thắng- chuyên gia tư vấn của VNCPC cho biết: “Qua đo đạc đánh
giá, chúng tôi nhận thấy công tác sử dụng nguyên liệu thô, năng lượng, điều kiện
làm việc của lao động chưa tốt, lượng nước sử dụng khá bất thường, nước thải
sau xử lý có chất lượng tốt nhưng không được tái sử dụng, nước mưa từ các nhà
xưởng đều bị thải bỏ chưa thu hồi, điều kiện chiếu sáng làm việc của công nhân
chưa đảm bảo, sử dụng năng lượng còn nhiều lãng phí, công tác bảo dưỡng chưa
tốt... Trên cơ sở đánh giá này, chúng tôi đã tư vấn các giải pháp cho nhóm thực
hiện dự án nghiên cứu và quyết định”.
Dựa trên phân tích và tư vấn của các chuyên gia VNCPC, công ty đã thực hiện ngay 20 giải pháp quản lý nội vi như: Bố trí lại đường nước hợp lý, loại bỏ những đường ống không cần thiết, bị rò rỉ dùng lâu ngày; thực hiện chương trình tiết kiệm nước toàn công ty; tách riêng hệ thống xử lý nước thải quá trình mạ và nước thải quá trình sơn; làm hệ thống hứng nước mưa từ các mái nhà kho, nhà ống thép có diện tích rộng, quyết toán toàn bộ các nguyên vật liệu công ty sử dụng, áp dụng cơ chế thưởng phạt rõ ràng để công nhân vận hành theo đúng quy trình, thường xuyên đo khói lò để điều chỉnh kịp thời các thông số của nồi hơi, giảm thiểu việc tiêu thụ dầu...
Qua đánh giá sơ bộ, chi phí đầu tư cho các giải pháp này
không lớn nhưng kết quả bước đầu mang lại khá khả quan.Giải pháp làm hệ thống
hứng nước mưa chi phí hết 7.680.000 đồng nhưng chỉ sau hai tháng đã hoàn vốn;
giải pháp cải tạo lại hồ chứa nước để giảm thiểu nước ngấm qua thành bể (thất
thoát 3.945m3/tháng) bằng việc xây bể ngầm chứa nước bằng bê tông với chi phí
gần 168 triệu đồng, sau khi đi vào hoạt động đã tiết kiệm được 19,7 triệu
đồng/tháng, chỉ sau 9 tháng đã hoàn vốn...
Đặc biệt, nhóm thực hiện dự án hết sức vui mừng khi đánh giá lại kết quả thực
hiện quyết toán nguyên liệu đầu vào, các định mức đều giảm rõ rệt như: NaCl
giảm 25%, nước tại dây chuyền mạ giảm 20%, điện tại dây chuyền mạ giảm 30%, sơn
bột tại dây chuyền sơn giảm 25%, nước giảm 10%, điện giảm 23%... Tổng số
tiền tiết kiệm được mỗi năm lên đến gần 607 triệu đồng. Ngoài lợi ích về kinh tế,
những giải pháp trên đã mang lại lợi ích về môi trường và uy tín cho doanh
nghiệp, giảm được chi phí xử lý các chất thải nguy hại tương ứng và giảm thiểu
được việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên của đất nước.
Sau khi thực hiện thành công các giải pháp trên, Ban lãnh
đạo công ty đã xác định mục tiêu lâu dài là sản xuất hướng tới tiêu dùng bền
vững. Trên cơ sở đó, công ty đã tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm, triển khai một
chương trình đánh giá sản xuất và tiêu thụ bền vững trên toàn công ty, theo đó
đã thành lập ở mỗi phân xưởng một đội sản xuất bền vững được huấn luyện đào
tạo, quy định trách nhiệm và thưởng phạt rõ ràng. Công nhân trong đội sản xuất
bền vững được quan tâm trang bị đầy đủ bảo hộ lao động và các thiết bị làm việc
tốt nhất.
Hàng năm có đánh giá những việc làm được và những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, từ đó tạo thành một thói quen cho công nhân trong quá trình sản xuất chú ý đến thao tác, chú ý đến chất lượng sản phẩm và động viên công nhân tham gia sản xuất bền vững một cách tự nguyện.
Có thể nói, chủ động áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường không chỉ mang lạilợi ích lâu dài cho doanh nghiệp mà còn góp phần tạo dựng một nền công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Theo KTVN